Những người thợ giỏi Hải Dương khắc in Mộc bản triều Nguyễn
Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 11:31, 31/07/2021
Kho bảo quản tài liệu mộc bản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Ngày 30.7.2009, Mộc bản triều Nguyễn đã trở thành Di sản tư liệu đầu tiên của Việt Nam được UNESCO đưa vào danh mục Di sản tư liệu thuộc “Chương trình ký ức thế giới”. Sự kiện này đánh dấu sự chuyển mình quan trọng của Mộc bản triều Nguyễn sau bao năm dài ngủ yên. Có nhiều thợ giỏi tỉnh Hải Dương đã đóng góp công sức khắc in Mộc bản dưới triều Nguyễn.
Theo những kết quả nghiên cứu, có giả thuyết cho rằng, mộc bản đã xuất hiện tại nước ta từ thế kỷ thứ I, ở Luy Lâu (ngày nay là Thuận Thành, Bắc Ninh) vốn là nơi trú đóng của đô hộ phủ phương Bắc và cũng là trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất của người Việt.
Tuy vậy, phải đến thế kỷ XV, dưới thời nhà Lê, nghề khắc in Mộc bản ở Việt Nam mới thực sự phát triển. Mở đầu bằng việc Hàn lâm trực học sĩ Lương Như Hộc trong những lần đi sứ sang nhà Minh đã học hỏi được kỹ thuật khắc in trên gỗ về truyền dạy lại cho dân ở hai làng Hồng Lục và Liễu Tràng thuộc huyện Gia Phúc, nay là phường Tân Hưng (TP Hải Dương). Hồng Lục và Liễu Tràng là 2 làng nghề khắc ván in nổi tiếng của nước ta dưới thời phong kiến. Tiêu biểu là bộ "Đại Việt sử ký toàn thư" được khắc in vào cuối thế kỷXVII. Lương Như Hộc được tôn vinh là tổ sư nghề in của làng.
Nối tiếp truyền thống mà tổ sư nghề in chỉ dạy, đời này sang đời khác, các thế hệ thợ tài hoa ở Hải Dương đã lập ra nhiều thư phường, hội khắc. Và kể từ khi chính thức thành lập vương triều vào năm Nhâm Tuất (1802), các vua nhà Nguyễn đã đặc biệt quan tâm đến văn hóa, đặc biệt là lịch sử, bởi thế nghề khắc in mộc bản ở Hải Dương lại càng phát triển.
Dưới triều Nguyễn, để chế tác ra khối tài liệu đặc biệt này, Quốc Sử quán đã phải tuyển chọn thợ chạm khắc giỏi từ khắp nơi trong cả nước. Theo ghi chép của Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên thì phần lớn những người thợ khắc giỏi dưới triều Nguyễn đều đến từ xứ Bắc Kỳ, trong đó thợ tỉnh Hải Dương là nhiều và có tay nghề cao nhất.
Giới thiệu Mộc bản triều Nguyễn tại Triển lãm "Khoa bảng Việt Nam thời phong kiến qua di sản tư liệu thế giới"
Những người thợ Hải Dương bên cạnh khắc in các bộ sách của các quan văn võ lớn, như dưới triều vua Gia Long, Trấn thủ Hải Dương là Ân Quang hầu Trần Công Hiến, người đã có chủ trương thành lập Hải Học đường, khắc in 12 quyển của bộ "Tùng thư Danh thi hợp tuyển". Sau khi Hải Học đường được thành lập, các “đường” khác ngày càng xuất hiện nhiều để khắc in sách.
Những người thợ khắc in mộc bản Hải Dương còn được mời về kinh đô san khắc các bộ quốc sử lớn của vương triều cũng như các bộ sử quan trọng khác của một số nước lân bang. Điển hình là vào năm Nhâm Tý (1852), vua Tự Đức sai đem nguyên bản 2 bộ sách “Ngự phê thông giám tập lãm” và “Uyên giám loại hàm” giao thợ Hải Dương khắc ván in. Hay như năm Tân Tỵ (1881), vị vua thứ tư của triều Nguyễn, tiếp tục sai thợ tỉnh Hải Dương khắc in 4 bộ sách nước ngoài.
Dưới triều Nguyễn, tùy vào từng đời vua mà lương thợ khắc cũng được trả khác nhau. Dưới triều Tự Đức, các thợ khắc ở Hải Dương được trả lương mỗi tháng1 quan tiền. Tuy nhiên, trong quá trình khắc in do những quy định khắt khe mà triều đình đặt ra, nên trong quá trình thực hiện công việc có nhiều thợ khắc mộc bản đã bỏ trốn. Do đó, để động viên, khuyến khích tinh thần cho những người thợ khắc, dưới triều Nguyễn, sau khi hoàn thành một pho sách, ngoài các vị đại thần Tổng tài, Toản tu, Biên tu… những người thợ khắc in mộc bản, trong đó có thợ khắc Hải Dương đều được ban thưởng.
Trải qua hơn hai thế kỷ, triều Nguyễn đã để lại cho đời một khối lượng di sản đồ sộ mang tính bách khoa như "Đại Nam thực lục", "Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ", "Đại Nam nhất thống chí", "Khâm định Việt sử thông giám cương mục"... Đây là những công trình của biết bao thế hệ người Việt, trong đó có công rất lớn của những người thợ khắc in mộc bản Hải Dương. Ngày nay, khối Di sản tư liệu thế giới Mộc bản Triều Nguyễn đã thực sự trở thành Bảo vật Hoàng triều góp công lớn trong việc lưu truyền kho tàng lịch sử vô giá cho các thế hệ sau tìm hiểu về cội nguồn và bề dày lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam.
CAO QUANG