Đóng cửa vì dịch bệnh, nhiều chủ trường mầm non phải rao bán trường
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 07:24, 03/08/2021
Nhiều người đăng tin bán trường mầm non trên mạng xã hội
Trong một group có tên rất thời sự là "Sang nhượng trường mầm non", nhiều chủ đã vào rao bán trường
"Không trụ được nữa rồi"
Một tài khoản N.C. chia sẻ: "Vì dịch bệnh và nhà có việc gấp, mình không thể tiếp tục làm trường. Xin sang lại lớp mẫu giáo ở TP Dĩ An (Bình Dương) mới xây gồm 10 phòng và sân chơi, giấy phép mở tháng 8.2020. Trước dịch có 30 bé thực học, không tính bé học thử, học phí 2 triệu đồng/bé. Tôi đã tâm huyết nên đầu tư rất nhiều, giờ cần sang nhượng".
Hay tài khoản có tên Ngọc Linh kể đã cố gắng được 3 "mùa" dịch. Đến "mùa" thứ 4 này phải rao sang nhượng một trường mới đầu tư vào tháng 10.2019, với giá chỉ bằng 1 phần nhỏ so với vốn bỏ ra. "Bỏ ra làm trường mầm non hơn 1 tỷ rưỡi rồi, không thể đếm nổi nữa.
Mà giờ buộc lòng phải giải thể vì COVID-19 kéo dài, tiền thuê nhà quá cao, chủ lại không giảm cho. Bao nhiêu dự định còn dang dở mà chưa thể thực hiện. Dịch kéo dài, mình không trụ được nữa rồi. Mình giải thể và thanh lý toàn bộ đồ.
Ưu tiên bạn nào muốn làm trường mà có địa điểm sẵn, lấy hết, giá chỉ bằng 1/10 mình bỏ ra. Trường mình học phí và ăn khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng nên đồ đạc rất đẹp và mới", chủ tài khoản này đăng thông tin rao bán.
Ngoài ra, chủ trường còn thanh lý toàn bộ máy móc văn phòng, dụng cụ lớp học, máy điều hòa, sàn gỗ, cầu trượt, đàn piano, organ, hệ thống camera, hệ thống loa, đồ chơi còn mới chưa bóc, hệ thống bếp một chiều... với giá rất rẻ.
Tương tự, một chủ trường mầm non tư ở TP Hồ Chí Minh mở trường năm 2019 với khoảng 100 bé. Chủ trường là bà N.T.H.P. (quận 12) cho biết đã "gánh gồng" hết đợt dịch này đến đợt dịch khác, bán đất, mượn sổ đỏ cha mẹ hai bên ở quê vay ngân hàng để giữ trường, nhưng theo chị giờ "cũng phải đến lúc quyết định".
Bà P. nói: "Tiền thuê nhà mấy tháng qua vẫn đóng để giữ trường nhưng chỉ đến vệ sinh lớp học, bàn ghế cho đỡ bụi và đỡ nhớ trường lớp. Đầu tháng 6, thực sự tôi đã đuối lắm rồi nhưng không dám đưa ra quyết định. Bây giờ không biết đến khi nào các em được đến trường, sợ càng cố gồng càng lún sâu. Nên mấy hôm trước tôi khóc hết nước mắt với chồng để nói ra quyết định bán trường. Nhưng sợ dịch này bán lỗ, bị ép giá nhưng đành đoạn cắn răng bán".
Có người bỏ ngang
Bà N.T.U. (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) là chủ của một hệ thống 7 trường mầm non ở nhiều quận, huyện của TP Hồ Chí Minh. Trong 3 "mùa corona" trước, bà trải qua những gồng gánh để hạn chế trả mặt bằng, thu nhỏ hệ thống trường. Nhưng đến đợt dịch lần 4 này, may mắn trước đó nửa năm trường phục hồi nên bà vẫn để không phải bán trường.
Là một người trong cuộc, bà U. kể: "Quen biết trong "vệ tinh" các chủ trường, tôi được biết nhiều người "đơ" vì hết cách. Có chủ trường bán mà rao rất nhiều lần không ai mua lại bàn ghế, phòng học, học trò... trong khi một tháng gánh đủ 50 triệu đồng thuê mặt bằng, tiền lương hỗ trợ giáo viên, bảo hiểm, chưa kể lãi ngân hàng vay mở trường, ngót 200 triệu đồng/tháng.
Cuối cùng đành bỏ ngang, để chủ nhà siết lấy đồ hay bỏ đi để dẹp mặt bằng. Sang nhượng rất nhiều nhưng cũng rất... ế".
Theo bà U., cũng có chuyện chủ bán không được trường nhưng có người trung gian đứng ra mua, thu lại hết các trường. Có người rao là muốn mua một lúc 10 trường. Họ có vốn, nhân lúc "chợ vắng" thì mua nhiều trường để gom thành hệ thống, khi dịch ổn định sẽ hoạt động.
Dù khó khăn nhưng để hạn chế sự xáo trộn sau khi hết dịch, bà L.T.Phương (chủ một số trường mầm non ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) nói: "Tôi ráng giữ giáo viên lại, toàn những người yêu trẻ và tâm huyết. Họ đã ở lại với tôi ba mùa dịch. Mùa này là mùa thứ 4. Có người nói với tôi muốn nghỉ và đổi nghề. Tôi không hình dung nếu thay đổi, sự xáo trộn và tuyển dụng mới khó khăn thế nào. Đó là chưa kể phụ huynh nghe cô giáo con mình nghỉ thế là chuyển qua trường mới khác...".
Theo Tuổi trẻ