Không cấp “sổ đỏ” cho diện tích lấn chiếm đất công

Bạn đọc - Ngày đăng : 08:36, 05/08/2021

Do diện tích đất của nhà bà H. ở ngõ 616 đường Nguyễn Văn Linh có một phần lấn chiếm đất công nên UBND phường Tân Bình không cấp “sổ đỏ”.


Lán tạm của gia đình bà N.T.L.H. ở ngõ 616 đường Nguyễn Văn Linh được xây dựng trên diện tích đất tăng thêm so với diện tích nhận chuyển nhượng, trong đó có một phần diện tích đất công


Báo Hải Dương nhận được đơn của bà N.T.L.H. ở ngõ 616 đường Nguyễn Văn Linh phản ánh việc UBND phường Tân Bình (TP Hải Dương) không xác nhận cấp "sổ đỏ" cho diện tích đất lấn chiếm nhưng đã được thể hiện trên bản đồ địa chính và từng được UBND phường xác nhận không có tranh chấp, khiếu kiện của gia đình bà.

Theo đơn trình bày, năm 1998, vợ chồng bà H. mua căn nhà cấp 4 với diện tích trên giấy tờ mua bán là 43,5 m2. Sau khi mua, vợ chồng bà H. đã cơi nới, xây lán tạm trên diện tích bỏ không cạnh mảnh đất đó để làm bếp. Diện tích đất cơi nới này được gia đình bà sử dụng từ đó đến nay. Đầu năm 2005, khi địa phương đo vẽ lại bản đồ địa chính, thửa đất của gia đình bà H. được thể hiện tại tờ bản đồ số 28, thửa đất 109 rộng 61,6 m2. Khi đó, gia đình bà đã làm đơn xin cấp "sổ đỏ" và cũng đã được lãnh đạo UBND phường xác nhận toàn bộ diện tích đất gia đình bà đang sử dụng không có tranh chấp, khiếu kiện. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình bà không có điều kiện làm “sổ đỏ” vào thời điểm đó.

"Hiện nay, do nhu cầu cấp thiết, tôi đề nghị được cấp “sổ đỏ” đúng với diện tích đã đo vẽ năm 2005. Tôi đồng ý thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước đối với phần đất đã lấn chiếm nhưng nhiều năm nay, UBND phường Tân Bình lại yêu cầu gia đình tôi tháo dỡ phần lán tạm để trả lại đất đường đi”, bà H. nói.

Qua tìm hiểu hồ sơ liên quan đến thửa đất của bà H. cho thấy, tháng 6.1997, ông Lê Nam nhận chuyển nhượng 43,5 m2 đất của bà Nguyễn Thị Bình. Đến tháng 9.1998, ông Lê Nam chuyển nhượng diện tích này cho vợ chồng bà H. theo giấy viết tay. Khi đo vẽ bản đồ năm 2005, thửa đất của bà H. có diện tích 61,6 m2, trong đó ranh giới phía tây giáp đường đi có chiều rộng 3,4 m. Theo UBND phường Tân Bình, so với diện tích nhận chuyển nhượng năm 1998, diện tích đo vẽ năm 2005 tăng thêm 18,1 m2 là do lấn chiếm đường phía tây. Trước đây, do gia đình bà H. hoàn cảnh khó khăn, đồng thời vị trí thửa đất của gia đình lại nằm ở cuối ngõ nên người dân không có ý kiến gì về việc gia đình bà dựng lán tạm để sử dụng. Gia đình bà H. cũng hứa khi nào ngõ xóm yêu cầu thì sẽ trả lại đất. Tuy nhiên, năm 2018 nhân dân trong ngõ quyết định nâng cấp đường, yêu cầu gia đình trả lại mặt bằng nhưng bà H. không đồng ý. 

Bà Vũ Bích Phượng, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Bình cho biết, từ năm 2011, UBND phường đã có thông báo, yêu cầu gia đình bà H. tháo dỡ, di chuyển phần lán tạm này ra khỏi vị trí đất công. Từ đầu năm 2021 đến nay, UBND phường cũng đã 3 lần thông báo nội dung này nhưng bà H. chưa chấp hành. Cùng với diện tích đất lấn chiếm chưa được xử lý và có đơn thư của người dân trong ngõ nên việc cấp “sổ đỏ” theo yêu cầu của gia đình bà H. chưa thực hiện được.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Chu Thanh Nhân, Văn phòng Luật sư Chu Thanh Chiến ở đường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) khẳng định: Phần diện tích đất tăng thêm đã được xác định là lấn chiếm đất công thì không thể cấp “sổ đỏ”. Việc cấp "sổ đỏ" cho gia đình bà H. được xem xét như sau: Sau khi đã trừ đi diện tích của ngõ đi chung, phần diện tích tăng thêm còn lại cần phải xác định rõ nguồn gốc. Nếu diện tích tăng thêm do lấn chiếm phải xác định thời điểm lấn chiếm, đối chiếu quy định của pháp luật tại thời điểm đó để xác định nghĩa vụ tài chính người dân phải nộp cho Nhà nước để hợp thức hóa. Nếu diện tích đất dôi dư còn lại do lỗi từ kỹ thuật đo đạc thì phải hợp thức hóa cho người dân.

Như vậy, việc đề nghị cấp “sổ đỏ” đối với diện tích đất hiện trạng đang sử dụng, trong đó có phần diện tích lấn chiếm đất đường đi theo nguyện vọng của gia đình bà H. là không đúng quy định của pháp luật.

PHAN ANH