Đề thi môn ngữ văn gần gũi với thí sinh

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 13:50, 06/08/2021

Một số giáo viên cho rằng đề môn ngữ văn tốt nghiệp THPT đợt 2 hay, bao quát chương trình, có tính phân hóa tốt; so với đề thi đợt 1, đề lần này gần gũi và nhẹ nhàng hơn.

Các thí sinh vui vẻ bàn luận về bài thi tại điểm thi Trường THPT Ngô Sỹ Liên, thành phố Bắc Giang

Sáng 6.8, các thí sinh dự thi đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã hoàn thành môn thi đầu tiên - môn ngữ văn.

Nhận xét về đề thi lần này, một số giáo viên cho rằng đề môn ngữ văn đợt 2 hay, bao quát chương trình, có tính phân hóa tốt. So với đề thi đợt 1, đề lần này gần gũi và nhẹ nhàng hơn.

Thầy Dương Trung Thành, Trưởng bộ môn Ngữ văn của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang, chia sẻ đề thi môn ngữ văn bao giờ cũng được dư luận quan tâm, trông đợi. Điều đó thể hiện sự quan tâm của dư luận xã hội với môn Ngữ văn và tầm quan trọng của môn học này trong việc đánh giá cả quá trình học tập của thí sinh.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Kỳ thi tốt nghiệp THPT được chia làm 2 đợt - tháng 7 và tháng 8.2021, tuy nhiên, sức nóng và sự quan tâm của xã hội với đề thi Ngữ văn vẫn không hề giảm sút.

Theo thầy Dương Trung Thành, đề thi ngữ văn đợt 2 nằm trong trọng tâm ôn tập lớp 12 và phù hợp, gây hứng thú cho thí sinh trong quá trình làm bài.

Xét ở mức độ phân hóa, đề thi ngữ văn lần này có độ khó và phân hóa tương đương với đề thi lần 1.

Cấu trúc đề thi gồm 2 phần: Phần I, thí sinh khai thác nội dung đoạn trích trong văn bản "Món quà cuộc sống" của tác giả Dr. Bemie S. Siegel.

Thí sinh trả lời 4 câu hỏi phù hợp với 3 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Các câu hỏi yêu cầu học sinh khai thác các lớp nội dung của đoạn trích. Ngữ liệu được đánh giá gần gũi, dễ hiểu, thiết thực với nhận thức của học sinh.

Những vấn đề về môi trường tự nhiên, về sự khác biệt màu da, không gian văn hóa; văn hóa sống tôn trọng sự khác biệt để xây dựng một cuộc sống hòa bình, phát triển thịnh vượng luôn là mục tiêu của bất cứ quốc gia, dân tộc nào đặc biệt trong xã hội hiện đại ngày nay. Từ một vấn đề thiết thực nêu trên, học sinh trình bày cách hiểu và thể hiện kiến giải, bộc lộ quan điểm cá nhân. Ngữ liệu gây được sự thích thú và câu hỏi kích thích học sinh thể hiện hiểu biết và cái tôi của mình.

Phần thứ 2 - phần Làm văn, câu hỏi nghị luận xã hội từ nội dung đoạn đọc hiểu, thí sinh viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về sự cần thiết của tinh thần hợp tác trong cuộc sống. Vấn đề được bàn khá cụ thể, cần thiết với mỗi cá nhân tồn tại trong xã hội.

Trong đoạn văn 20 dòng, thí sinh chỉ cần làm rõ vai trò quan trọng làm nên "sự cần thiết" của tinh thần hợp tác như thế nào. Trong quá trình viết cần lấy dẫn chứng cụ thể, xác đáng; luận điểm sáng rõ, mạch lạc, rõ ràng sẽ thuyết phục giám khảo chấm.

Câu nghị luận văn học yêu cầu học sinh cảm nhận về đoạn trích trong bài thơ "Tây Tiến" của tác giả Quang Dũng. Trong câu nghị luận văn học có một ý hỏi phụ từ việc cảm nhận đoạn thơ, thí sinh nhận xét cảm hứng lãng mạn trong đoạn thơ. Đây là ý hỏi có tính phân loại đối với học sinh khá giỏi môn ngữ văn.

Để giải quyết triệt để yêu cầu này, học sinh cần hiểu được các khái niệm lãng mạn là gì, về phong cách thơ Quang Dũng. Đây là một trong những đoạn thơ hay nhất và thể hiện rõ nét nhất chất lãng mạn bay bổng, tinh tế của hồn thơ "xứ Đoài mây trắng."

Thầy Dương Trung Thành cho rằng với cấu trúc đề và hệ thống câu hỏi phù hợp với mức độ nhận thức của học sinh, dự đoán đa số thí sinh sẽ đạt từ điểm trung bình trở lên. Phổ điểm 6-7 chiếm đa số. Những thí sinh giỏi văn sẽ đạt điểm từ 8-9, thậm chí trên 9 nếu kiến thức lý luận chắc chắn và có những kiến giải độc đáo, thú vị, tuy nhiên, số lượng này không nhiều.

Cô Nguyễn Thị Lan Hương, Trường THPT Cao Bá Quát (Hà Nội) cũng đánh giá, về cơ bản, đề thi Ngữ văn đợt 2 cân đối với đề thi đợt 1 nên vừa sức học sinh và không gây bất ngờ.

Từ văn bản đọc hiểu đến phần đoạn văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học tương tự nhau. Văn bản đọc hiểu trong đề Ngữ văn đợt 2 có phần dễ hiểu hơn so với đề đợt 1.

Từ vấn đề sống cống hiến đến tinh thần hợp tác trong phần nghị luận xã hội đều khá hay vì thiết thực trong hoàn cảnh hiện nay, đòi hỏi mọi cá nhân phải biết hy sinh, biết chia sẻ, biết chấp nhận, biết vì cái chung… Điều này khiến cho đề ngữ văn gần gũi hơn với thí sinh.

Phần nghị luận văn học ở cả 2 đợt thi đều về thơ. Đoạn thơ trong đề khơi gợi ở học sinh những rung cảm đẹp. Tuy nhiên, để đạt điểm cao đòi hỏi học sinh phải có năng lực cảm thụ tốt.

Phần yêu cầu nhận xét về cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến hơi khó so với đa số học sinh vì không phải học sinh nào cũng có am hiểu chuyên sâu. Câu này sẽ giúp phân hóa thí sinh, đáp ứng mục tiêu sử dụng kết quả để xét tuyển đại học, cao đẳng.

Theo TTXVN