Thể thao Việt Nam: Olympic Tokyo 2020 là khởi đầu cho cuộc cách mạng?
Trong nước - Ngày đăng : 16:04, 06/08/2021
Có lẽ chưa từng có kỳ Thế vận hội nào mà áp lực, sức ép đến sớm với Đoàn thể thao Việt Nam như ở Olympic Tokyo 2020.
Trước khi vận động viên Quách Thị Lan thi đấu nội dung cuối cùng vào hôm 2/8, Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam, ông Trần Đức Phấn phải lên tiếng rằng: "Thời gian qua, khi kết quả thi đấu chưa thành công, một số cơ quan báo chí cũng như một số chuyên gia trong lĩnh vực thể thao đã góp ý, phân tích, đánh giá về vấn đề này. Chúng tôi xin cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp vì mục tiêu chung, sự phát triển của thể thao Việt Nam".
Trắng tay tại Olympic...
Từ thời điểm những gương mặt đáng chú ý như Hoàng Xuân Vinh, Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên và Ánh Viên thất bại, áp lực lớn từ dư luận, truyền thông và người hâm mộ xuất hiện ngày một nhiều. Cho tới khi Đoàn thể thao Việt Nam chính thức kết thúc Olympic Tokyo 2020 với "bàn tay trắng," mọi sức ép lại càng lớn hơn.
Dễ nhận thấy thành tích của thể thao Việt Nam thật sự không tốt khi nhiều vận động viên không thể thắng nổi chính mình. Nếu họ làm tốt hơn hoặc chỉ cần bằng với thành tích cao nhất của bản thân trong quá khứ thì mọi chuyện đã khác.
Khoảnh khắc Ánh Viên hay Hoàng Xuân Vinh bị loại khiến nhiều người đau xót. Bởi họ từng là niềm hy vọng hàng đầu của thể thao Việt Nam. Một người được gọi bằng cái tên đẹp "tiểu tiên cá," từng càn quét hầu hết mọi Huy chương vàng SEA Games, trong khi người còn lại giành Huy chương vàng ở kỳ Thế vận hội gần nhất.
Hoàng Xuân Vinh thất bại ở nội dung 10m súng hơi từng giành Huy chương vàng ở Olympic Rio 2016
Nói vậy không phải để chỉ trích Đoàn thể thao Việt Nam về thành tích tại Olympic Tokyo 2020. Chúng ta cần dành sự cảm thông nhất định cho vận động viên, huấn luyện viên khi thi đấu ở đại hội thể thao lớn trong làn sóng COVID-19 trên khắp thế giới. Hoặc hơn hết, sự đồng cảm, chia sẻ với những vận động viên thể thao Việt Nam luôn là điều cần thiết.
Nhiều vận động viên Việt Nam không thể ra nước ngoài thi đấu, tập huấn và gặp muôn vàn vấn đề khó khăn vì dịch bệnh nên đã không thể có phong độ cao nhất. Đô cử Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên phải trải qua gần 50 ngày cách ly tập trung kể từ khi trở về nước từ chuyến tập huấn nước ngoài. Họ không thể nào đảm bảo dinh dưỡng, chế độ ăn uống, dụng cụ tập luyện trong bối cảnh như vậy dù là niềm hy vọng giành huy chương sáng giá.
Trong khi đó, những gương mặt như kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, Trương Thị Kim Tuyền, Nguyễn Thị Ánh Viên cũng không có đầy đủ cơ hội tập huấn tốt nhất như kế hoạch đề ra.
Điều kiện như vậy không thể đòi hỏi vận động viên Việt Nam có được phong độ, thể trạng tốt nhất để hướng tới thành tích cao.
Cần sự cảm thông với vận động viên Việt Nam thi đấu tại Olympic Tokyo 2020 trước khó khăn từ dịch COVID-19
Song, sự đồng cảm cần dành cho vận động viên, huấn luyện viên không đồng nghĩa chúng ta có thể bỏ qua những lỗ hổng. Mà ở đó, phần nào đại dịch COVID-19 khiến điểm yếu được bộc lộ rõ hơn.
Olympic Tokyo 2020 cho thấy thể thao Việt Nam còn nhiều điều cần cải thiện và thay đổi nếu muốn vươn tới tấm Huy chương vàng Thế vận hội lần thứ hai hoặc đơn giản hơn là những tấm huy chương thôi.
Chiến lược dài hạn không hiệu quả?
Từ năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển Thể dục Thể thao Việt Nam, trong đó chỉ rõ mục tiêu phát triển thể thao thành tích cao. Cụ thể, thể thao Việt Nam xác định tập trung đầu tư cho một số môn, một số nội dung mũi nhọn và một số vận động viên xuất sắc có khả năng giành huy chương cấp cao ở châu lục và Thế vận hội.
Nếu coi tấm Huy chương vàng ở Olympic Rio 2016 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là "trái chín" sau một quá trình phát triển chiến lược đầu tư hiệu quả của thể thao Việt Nam thì đáng lẽ ngay từ thời điểm cách đây ít nhất 10 năm, chúng ta đã phải có một chiến lược trọng điểm cho Olympic Tokyo 2020.
Bởi một thời gian của một chiến lược đủ dài để nuôi cấy vận động viên trẻ tiềm năng đạt tới độ chín của sự nghiệp cần ít nhất 10 năm. Như trường hợp của Hoàng Xuân Vinh còn lâu hơn khi sau hơn 20 năm cầm súng, anh mới đạt vinh quang ở Olympic.
Nhưng tại Olympic Tokyo 2020, thể thao Việt Nam có quá nhiều gương mặt "già cỗi" mà không có lớp trẻ thay thế. Đó là Hoàng Xuân Vinh, Tiến Minh và Ánh Viên (25 tuổi, qua thời đỉnh cao với một vận động viên nữ bơi lội).
Trong khi đó, những gương mặt trẻ triển vọng như Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội), Nguyễn Thùy Linh (cầu lông) chưa đủ "chín" về chất lượng cũng như vẫn còn quá ít ỏi.
Điều đó cho thấy rõ ràng thể thao Việt Nam chưa có chiến lược đủ tốt, cụ thể ở công tác đào tạo trẻ. Bên cạnh đó, ở thời điểm này, chúng ta cũng vẫn chưa thể tìm ra môn thể thao thế mạnh và đầu tư trọng điểm.
Nhìn từ các nước Đông Nam Á, Thái Lan tập trung vào cử tạ, boxing và liên tiếp gặt huy chương Olympic với hai môn này ở những kỳ Thế vận hội gần đây. Hay như Malaysia, Philippines cũng chọn cử tạ, boxing, cầu lông làm môn trọng điểm. Và, cả hai đều đã giành huy chương ở Olympic Tokyo 2020.
Thể thao Việt Nam cần chiến lược đúng trọng tâm và có chiều sâu
Một vấn đề khác của chiến lược phát triển lâu dài của thể thao Việt Nam nằm ở mục tiêu trọng điểm. Có phải quá tham lam nếu chúng ta muốn hướng tới ASIAD và Olympic nhưng vẫn muốn giành thêm thật nhiều thành tích ở SEA Games?
Một lần nữa nhìn từ các nước trong khu vực, từ lâu họ không còn quá mặn mà với Đại hội thể thao Đông Nam Á, cụ thể là Thái Lan.
Một minh chứng khác đến từ câu chuyện Ánh Viên. Cô gái sinh năm 1996 từng là niềm hy vọng số một của thể thao Việt Nam cho cấp độ châu lục và thế giới. Nhưng việc phải cày ải quá nhiều tại SEA Games phần nào khiến cô quá tải, mất phong độ. Đáng lẽ, thay vào đó, Ánh Viên cần được đầu tư ở những nội dung thế mạnh, đạt chuẩn ASIAD, Olympic.
Bên cạnh đó, câu chuyện của "tiểu tiên cá" còn một lần nữa khiến nhiều người đặt dấu hỏi về việc quản lý, quản trị thể thao. Nguồn tiền khổng lồ được dành ra để đầu tư cho Ánh Viên và huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn tập huấn ở Mỹ có phải đã không đem lại hiệu quả như mong muốn?
Nguồn kinh phí đầu tư thể thao bao nhiêu cho đủ?
Đi liền với chiến lược phát triển sẽ luôn là nguồn kinh phí đầu tư. Phải khẳng định, số tiền được đổ vào cho thể thao Việt Nam đã tăng cao hơn nhiều so với trước. Từ năm 2019 đến nay, số tiền chi cho thể thao lần lượt là 572, 780 và 857 tỷ đồng.
Ở các địa phương như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nguồn chi cho thể thao ở mức lớn, phần nào đáp ứng được nhu cầu. Năm 2020, số tiền hai đơn vị này bỏ ra lần lượt là 659 và 503 tỷ đồng.
Song, chừng đó vẫn là chưa đủ cho những mục tiêu giành huy chương vàng Olympic. Chưa kể tới, một vài địa phương không thể chi nhiều tiền như thành phố lớn. Điều đó phần nào cho thấy bức tranh tài chính chung của thể thao Việt Nam là không thể dàn trải.
Muốn có thêm nguồn tiền cho phát triển thể thao, chúng ta chắc chắn không chỉ dựa mãi vào nguồn kinh phí có sẵn, mặc dù những tín hiệu tốt đã tới từ việc chi thêm tiền cho thể thao như Huy chương Vàng Olympic Rio 2016, xếp hạng 17 tại ASIAD 2018 và về đích thứ hai ở SEA Games 2019.
Thể thao Việt Nam cần thêm tiền cho những mục tiêu lớn
Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, Nguyên vụ trưởng Vụ thể thao Thành tích cao-Tổng cụ Thể dục thể thao, chúng ta cần tận dụng tối đa nguồn tiền xã hội hóa bởi đầu tư cho thể thao vô cùng tốn kém. Nếu các liên đoàn liên đoàn có thể tự chủ hoạt động, phát triển nhờ vào huy động được các nguồn lực xã hội thì phần nào giảm tải gánh nặng tài chính mà vẫn có thể tập trung phát triển tối đa.
Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020, ông Trần Đức Phấn cũng cho rằng: "Ngân sách nhà nước có hạn. Chúng ta muốn có thêm nguồn tiền thì phải xã hội hóa. Điều đó tới từ nỗ lực của các liên đoàn thể thao quốc gia. Hơn hết, trong thời điểm nguồn đầu tư có hạn, thể thao Việt Nam phải có những điều chỉnh để tập trung hơn vào một số nội dung hay môn thi đấu có khả năng giành huy chương."
Hay như chia sẻ của ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam: "Thể thao Việt Nam muốn đạt những thành tích ở đấu trường như ASIAD, Olympic thì cần phải có chiến lược dài hơi, đầu tư mạnh mẽ, đúng người đúng việc."
"Trắng tay" ở Olympic Tokyo 2020 không phải điều tồi tệ, song những điểm yếu bộc lộ ở Thế vận hội lần này cho thấy thể thao Việt Nam vẫn còn nhiều loay hoay.
Có lẽ, kết thúc kỳ Thế vận hội tại Nhật Bản là lúc ngành thể thao Việt Nam cần hoạch định lại chiến lược, nguồn đầu tư để có những bước phát triển tốt hơn và tránh những sai lầm còn gặp phải.
Hay hơn hết, đây có lẽ là lúc chúng ta cần một cuộc cách mạng để có một bước nhảy vọt thay vì đang bước rất chậm so với khu vực và châu lục.
Theo Vietnam+