Hội thảo khoa học "Đồng chí Lê Quang Đạo với cách mạng Việt Nam và quê hương Bắc Ninh"

Chính trị - Ngày đăng : 13:47, 07/08/2021

Sáng 7.8, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Quang Đạo với cách mạng Việt Nam và quê hương Bắc Ninh” theo hình thức trực tuyến.

Chủ trì Hội thảo có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng. Cùng chủ trì có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi. Dự Hội thảo còn có thân nhân gia đình đồng chí Lê Quang Đạo ở điểm cầu Bắc Ninh. 

Chú thích ảnh

Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo tiếp đoàn đại biểu Quốc hội Indonesia do Ngài Mohamad Kharis Suhud, Chủ tịch Hội đồng Hiệp thương nhân dân, Chủ tịch Hội đồng đại biểu nhân Indonesia làm trưởng đoàn (1992)

Cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cho biết, đồng chí Lê Quang Đạo, tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 8.8.1921, tại xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng phong phú của mình, đồng chí đã giữ nhiều trọng trách, có những đóng góp to lớn cho Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam. 

Trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí đã đảm nhận các cương vị Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh, Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh Phúc Yên, Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Ban cán sự Đảng Thành phố Hà Nội, Chính trị viên Chi đội Giải phóng quân Bắc Giang, trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Bắc Giang. 

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được phân công giữ các chức vụ: Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Khu ủy đặc biệt Hà Nội - Khu XI, Bí thư Liên Tỉnh ủy Hà Nội - Hà Đông, Ủy viên Thường vụ Liên khu ủy Liên khu III, Phó trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương. 

Giai đoạn 1950-1978, đồng chí được cử sang công tác bên quân đội và giữ nhiều chức vụ quan trọng: Phụ trách công tác tuyên huấn Chiến dịch biên giới, Cục trưởng Cục tuyên huấn, Phó chủ nhiệm chính trị Chiến dịch Điện Biên Phủ, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Chính ủy nhiều chiến dịch quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước… Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII (6/1987), đồng chí được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại Hội nghị lần thứ nhất của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IV (8/1994), đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa III, IV, V, VI; Bí thư Trung ương Đảng khóa IV và khóa V (1976-1986), Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX và X. 

Với nhiều công lao và thành tích đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Lê Quang Đạo đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác. 

“Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo, nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam, chúng ta càng tưởng nhớ, tri ân sâu sắc công lao, cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và các thế hệ cách mạng tiền bối, tiêu biểu; phát huy tinh thần yêu nước, kế thừa truyền thống và những giá trị cao đẹp của các thế hệ cha anh truyền lại, chúng ta càng thêm quyết tâm đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh. 

Đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ những đóng góp nổi bật trên nhiều lĩnh vực trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Quang Đạo như: Đồng chí Lê Quang Đạo – người có nhiều đóng góp to lớn trong công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng và phong trào cách mạng ở Bắc Kỳ; Đồng chí Lê Quang Đạo - người chỉ huy chính trị-quân sự tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam; Đồng chí Lê Quang Đạo - nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đồng chí Lê Quang Đạo, tấm gương người cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đồng chí Lê Quang Đạo, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh.

Tham luận về đồng chí Lê Quang Đạo với vấn đề xây dựng nền dân chủ và pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh cho biết, hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Quang Đạo đã có nhiều cống hiến to lớn trên nhiều  lĩnh  vực  khác  nhau  như công tác đảng, công tác chính trị, tuyên huấn trong Quân đội, hoạt động của Quốc hội, công tác Mặt trận. Quá trình công tác phong phú đó đã hình thành ở đồng chí những quan điểm sâu sắc về việc xây dựng nền dân chủ và pháp luật xã hội chủ nghĩa ở nước ta. 

Theo Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh, từ thực tiễn hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội và qua hoạt động của Quốc hội - cơ quan đại diện của nhân dân, đồng chí Lê Quang Đạo khẳng định dân chủ xã hội chủ nghĩa được thực hiện thông qua hai hình thức là dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Hai hình thức này không thể tách rời nhau. Có những vấn đề cần được giải quyết bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, đặc biệt là những vấn đề ở cơ sở, gắn bó trực tiếp với quyền, lợi ích của nhân dân, phải bảo đảm quyền làm chủ thực sự của nhân dân qua quyền làm chủ trực tiếp ở cơ sở. Về dân chủ đại diện, điều quan trọng trước hết là cần phải coi trọng và phát huy được vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đồng chí khẳng định, Quốc hội, kể từ khi được lập ra đã có một vị trí rất quan trọng, là cơ quan thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước. Nhưng để dân chủ đại diện phát huy được vai trò thì trước khi Quốc hội quyết định, Quốc hội phải lắng nghe được các ý kiến của nhân dân. 

“Tuy nhiên, đồng chí Lê Quang Đạo cũng khẳng định, dân chủ phải gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm. Vì vậy, để bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân lao động, để thực hiện rộng rãi và đầy đủ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa thì phải xúc tiến hoàn chỉnh hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, để Nhà nước quản lý đất nước bằng pháp luật và theo pháp luật trên tất cả các lĩnh vực trong phạm vi cả nước”, đồng chí Nguyễn Thị Thanh cho biết. 

Xúc động chia sẻ về những kỷ niệm của bản thân với đồng chí Lê Quang Đạo, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Túc cho biết: “Tôi có may mắn được biết anh từ lâu, hồi tôi làm thư ký cho đồng chí Hoàng Quốc Việt, nhưng thực sự hiểu anh và càng thêm ngưỡng mộ anh từ khi anh về chuyên trách công tác mặt trận”. 

Lần đầu tiên ông Nguyễn Túc được trực tiếp làm việc với đồng chí Lê Quang Đạo là những tháng đầu năm 1982 khi Đảng đoàn Mặt trận được Ban Bí thư giao trách nhiệm chuẩn bị Chỉ thị số 17- T/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới”. Đây là chỉ thị đầu tiên của Đảng ta đối với sự lãnh đạo công tác mặt trận sau khi thống nhất ba tổ chức mặt trận ở hai miền vào đầu năm 1977. Đầu năm 1993 đồng chí Lê Quang Đạo chuyển hẳn về Mặt trận hoạt động chuyên trách với cương vị Bí thư Đảng đoàn và Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Mặt trận Tổ  quốc Việt Nam tháng 8/1994, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho đến ngày đồng chí ra đi (ngày 24.7.1999). 

“Có lẽ đây là thời gian anh dành nhiều tâm huyết và trí tuệ nhất cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất. Trong bảy năm làm chuyên trách công tác mặt trận, giữa anh và tập thể Ban Thư ký (sau này chuyển đổi thành Ban Thường trực) chúng tôi có biết bao kỷ niệm; vui cũng có mà buồn cũng có. Không khí bao trùm là tinh thần đoàn kết nhất trí, làm việc hăng say, chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi, tất cả vì việc chung”, ông Nguyễn Túc xúc động nhớ lại.

Từ điểm cầu Bắc Ninh, quê hương đồng chí Lê Quang Đạo, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho biết, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo, tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với các cơ quan Trung ương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí; phát triển lớp đảng viên mang tên đồng chí Lê Quang Đạo; tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia; xây dựng phim tài liệu, phóng sự; sưu tầm tài liệu, hiện vật, kỷ vật về đồng chí; xây dựng Nhà lưu niệm tại Công viên thị xã Từ Sơn; trùng tu, tôn tạo, xếp hạng di tích lịch sử Nhà lưu niệm (gốc) tại khu phố Tỉnh Cầu, phường Đình Bảng; tổ chức Lễ dâng hương; chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng học tập chuyên đề về tấm gương đồng chí Lê Quang Đạo, tổ chức tham quan, nói chuyện chuyên đề, chiếu phim tài liệu... nhằm khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan khẳng định, phát huy truyền thống của quê hương, đất nước, học tập và noi gương đồng chí Lê Quang Đạo, thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm xây dựng Đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng hoạt động  của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng gần dân, phục vụ nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh; thực hiện tốt Quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp, các ngành gắn với Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và khát vọng cống hiến xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cùng với đó, tiếp tục chủ động phòng, chống dịch, tập trung phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tấm gương sáng về đạo đức cách mạng 

Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá: Hội thảo khoa học: "Đồng chí Lê Quang Đạo với cách mạng Việt Nam và quê hương Bắc Ninh" đã hoàn thành tốt đẹp các nội dung, chương trình đề ra. Ban tổ chức đã nhận được 47 tham luận của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, nhà khoa học gửi đến hội thảo; nghe, thảo luận nhiều ý kiến đóng góp về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Quang Đạo.

Từ nhiều góc độ khác nhau, các đại biểu đã tập trung phân tích, lý giải, góp phần làm sáng tỏ cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp quan trọng của đồng chí Lê Quang Đạo đối với Đảng, Nhà nước, cách mạng Việt Nam và quê hương Bắc Ninh. Các đại biểu đều nhất trí, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Quang Đạo là tấm gương về lòng yêu nước, thương dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; gương mẫu trong công tác, giản dị trong lối sống; gần gũi với đồng bào, đồng chí. Người chiến sĩ cộng sản Lê Quang Đạo còn là tấm gương về tinh thần tích cực học hỏi, trung thực, thẳng thắn, rất mực khiêm tốn, tôn trọng lắng nghe ý kiến đồng chí, đồng bào. Đồng chí đã nêu gương sáng về đạo đức cách mạng, thực hiện lời nói đi đôi với việc làm, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Dù ở cương vị nào, đồng chí Lê Quang Đạo cũng nỗ lực hết sức với tinh thần tự giác, tận tụy, nêu cao trách nhiệm và hoàn thành với kết quả tốt nhất. Đồng chí là nhà lãnh đạo có uy tín của Đảng, Nhà nước và nhân dân, tấm gương người cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Hội thảo là hoạt động thiết thực, góp phần làm rõ cuộc đời cách mạng và tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Quang Đạo đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Dân tộc và quê hương Bắc Ninh, qua đó góp phần giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Hội thảo càng thêm ý nghĩa được tổ chức trong bối cảnh thành công tốt đẹp của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; trong không khí của những ngày tháng Tám lịch sử; khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tiến tới kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9; tích cực triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng thời nêu cao tinh thần chủ động, quyết liệt phòng, chống hiệu quả dịch COVID-19.

Theo báo Tin tức