Vượt khó đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp huyện vào cuộc sống: Bài cuối: Sáng tạo thực hiện hiệu quả mục tiêu kép

Tin tức - Ngày đăng : 17:42, 07/08/2021

Kiên định mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều sáng tạo để vượt qua khó khăn do dịch bệnh.

>>> Bài 1: Thách thức chưa từng có


Bằng các biện pháp linh hoạt, nhiều nông sản của tỉnh đã được vận chuyển, tiêu thụ thuận lợi trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Dù dịch Covid-19 tái bùng phát, diễn biến phức tạp nhưng công tác chỉ đạo, điều hành tại huyện Nam Sách vẫn bảo đảm thông suốt, kịp thời. Cùng với triển khai gửi, nhận văn bản không thuộc chế độ mật qua mạng nội bộ Notes và email, Zalo, huyện Nam Sách đã đưa vào sử dụng hệ thống giao ban trực tuyến từ huyện đến 19 xã, thị trấn. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành và tuyên truyền đang góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch tại địa phương.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trong tỉnh như TP Hải Dương, TP Chí Linh, huyện Cẩm Giàng cũng đẩy mạnh chuyển đổi số để tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết và phòng chống dịch. TP Hải Dương đã thành lập và duy trì hoạt động của 1.896 nhóm Zalo cộng đồng để thông tin, chỉ đạo, trao đổi về công tác phòng chống dịch ở các khu dân cư. Tỉnh Hải Dương cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ người cài đặt các phần mềm NCOVI, Bluezone đạt cao trong tổng số dân, góp phần quan trọng vào thành công của công tác phòng chống dịch. Đặc biệt, trong đợt dịch thứ ba, cùng với nhanh chóng tăng công suất xét nghiệm lên tới 10 lần, Hải Dương đã thành lập được trên 11.000 tổ "Covid cộng đồng", "An toàn Covid" với gần 2,5 vạn người tham gia. Các tổ này hằng ngày "đi từng ngõ, gõ từng nhà" thực hiện nhiệm vụ, góp phần quan trọng cho công tác giám sát và phòng chống dịch của tỉnh.

Chuyển đổi số cũng là phương thức quan trọng giúp huyện Thanh Hà có một vụ vải thiều thành công, bất chấp tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ được đẩy mạnh thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội, cơ quan thông tin đại chúng trong và ngoài nước, giúp vải thiều Thanh Hà khẳng định được vị thế và tìm được những thị trường mới. Đồng chí Bí thư Huyện ủy Thanh Hà Trịnh Văn Thiện cho biết: "Đây cũng là năm đầu tiên vải thiều Thanh Hà được tiêu thụ mạnh trên các sàn thương mại điện tử. Lượng vải xuất khẩu sang các thị trường lớn, khó tính như Nhật Bản, Australia, Mỹ, EU cao nhất từ trước tới nay với khoảng 5.000 tấn, trong đó thị trường khó tính bậc nhất là Nhật Bản đã nhập khẩu gần 1.000 tấn, gấp 2,5 lần năm 2020".

Cùng với vải thiều, bằng những biện pháp tích cực, linh hoạt, các mặt hàng nông sản của tỉnh đã được thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ tương đối thuận lợi trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp. Với phương châm xuyên suốt "chủ động, sáng tạo, quyết liệt và 4 tại chỗ", các địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng khoanh vùng, kịp thời dập dịch trong cộng đồng và các doanh nghiệp. Tại các điểm nóng dịch bệnh là TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn và các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang đã không phải dừng hoạt động toàn bộ khu, cụm công nghiệp nào giúp sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng 19,8% trong quýII. Cùng với sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng trưởng tốt, sản xuất công nghiệp là động lực quan trọng để kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm2021 tăng trưởng 3,9%.

Tháo gỡ các điểm nghẽn

Xác định khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB) là một trong những điểm nghẽn phát triển, năm 2021 các địa phương trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt nhiệm vụ này. TP Hải Dương xác định chủ đề năm 2021 là GPMB đúng tiến độ. Huyện ủy Cẩm Giàng, Bình Giang cũng ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác GPMB để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Các huyện Nam Sách, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Hà, Thanh Miện, TP Chí Linh cũng xác định GPMB là một công việc đột phá trong năm 2021.

Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng trong 6 tháng đầu năm, TP Hải Dương đã hoàn thành GPMB với tổng diện tích trên 21,4 ha, đạt 49,36% kế hoạch. Chỉ trong ít tháng, huyện Nam Sách đã cơ bản hoàn thành GPMB khu công nghiệp An Phát 1 với sự đồng thuận, ủng hộ cao của người dân. Huyện Cẩm Giàng đã hoàn thành GPMB dự án đường kết nối quốc lộ 38 với đường 31, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên). Huyện Bình Giang đặt mục tiêu trong năm nay sẽ hoàn thành GPMB khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng với tổng diện tích trên 214 ha...

Quy hoạch cũng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được các địa phương tập trung triển khai thực hiện từ đầu năm đến nay. Đến nay có 8 trong 12 huyện, thị xã, thành phố đã được phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng vùng huyện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương trên rà soát, tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch để bảo đảm  sự thống nhất với quy hoạch tỉnh, phấn đấu hoàn thành phê duyệt trong năm 2021. Riêng quy hoạch chung TP Hải Dương, thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, đang trình Bộ Xây dựng xem xét, thẩm định nhiệm vụ quy hoạch. Đối với 4 huyện còn lại là Thanh Hà, Kim Thành, Ninh Giang, Tứ Kỳ, phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện đã được UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, thông qua. Các huyện trên đang tích cực hoàn thiện chỉnh sửa hồ sơ theo chỉ đạo, trình phê duyệt trong tháng 8.2021. Cùng với việc lập quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng vùng huyện, tất cả các địa phương đang khẩn trương lập hoặc điều chỉnh quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chung thị trấn, quy hoạch chung xây dựng xã để làm cơ sở thực hiện các dự án và quản lý xây dựng theo quy định.

Trong bối cảnh nguồn lực bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các địa phương trong tỉnh cũng ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Chỉ gần 1 năm sau Đại hội Đảng bộ cấp huyện, nhiều công trình trọng điểm đã và đang dần hoàn thành, tạo những động lực mới phát triển của địa phương. Huyện Kim Thành đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp tuyến đường Kim Liên - Liên Hòa với tổng kinh phí đầu tư trên 29 tỷ đồng. Huyện Thanh Miện đang khẩn trương hoàn thành cải tạo tuyến đường huyện Cao Thắng - Tiền Phong với tổng kinh phí trên 45 tỷ đồng. Huyện Nam Sách đang đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường trục Đông - Tây huyện. Việc phối hợp đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các công trình đường dẫn và các cây cầu Dinh, Triều, Thanh Quang cũng đã mở ra những hướng phát triển mới cho thị xã Kinh Môn, huyện Thanh Hà nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung... Đến nay, 6 xã cuối cùng của tỉnh là Vạn Phúc, Kiến Quốc, Đông Xuyên (Ninh Giang), Tiên Động, Chí Minh, Đại Sơn (Tứ Kỳ) đã đạt chuẩn nông thôn mới. Mục tiêu Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2021 sắp trở thành hiện thực.

Cùng với thực hiện tốt mục tiêu kép, nhanh chóng đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, từ đầu năm đến nay các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần vào thành công Đại hội XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Những kết quả đạt được sau 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp huyện cùng với những tín hiệu tích cực từ 2 ổ dịch ở huyện Nam Sách, Kim Thành những ngày qua là tiền đề, động lực quan trọng để các địa phương tiếp tục vượt khó, tăng tốc hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đã xác định, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.  

HOÀNG BIÊN