Thi tốt nghiệp THPT đợt 2: Mức độ đề thi tương đương với đợt 1

Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 20:09, 07/08/2021

Đề thi các môn được thí sinh và các giáo viên đánh giá là không khó, phù hợp với thí sinh trong bối cảnh dịch bệnh đồng thời có độ tương đương với đề thi đợt 1.


Thí sinh dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 tai Bắc Giang

Chiều nay, hơn 11.000 thí sinh thuộc 38 tỉnh, thành phố trên cả nước đã hoàn tất môn ngoại ngữ - môn cuối cùng của đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT, chính thức khép lại kỳ thi.

Đề thi các môn được thí sinh và các giáo viên đánh giá là không khó, phù hợp với thí sinh trong bối cảnh dịch bệnh đồng thời có độ tương đương với đề thi đợt 1, đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh giữa các đợt thi.

Cấu trúc quen thuộc

Đánh giá về đề thi môn ngữ văn, tiến sỹ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn Trường THPT chuyên Chu Văn An, Hà Nội, cho rằng đề thi đợt 2 có mô hình cơ bản không thay đổi so với đợt 1 nên các kiểu dạng câu hỏi không bất ngờ với thí sinh. Cấu trúc đề quen thuộc với hai phần đọc hiểu và làm văn.

Trong đó, phần đọc hiểu với 4 câu hỏi thì hai câu đầu ở mức độ nhận biết, câu 3 ở mức độ thông hiểu. “Câu hỏi số 4 là câu vận dụng cao, yêu cầu thí sinh trình bày quan điểm độc lập của cá nhân mình về ý kiến: ‘Đã đến lúc thôi để ý đến những khác biệt bề ngoài, hãy nhận ra rằng tất cả chúng ta đề chung dòng máu đỏ.’ Đây là câu hỏi có khả năng phân loại học sinh tương đối tốt khi hướng trả lời, cách lập luận phụ thuộc nhiều vào tư duy và bản lĩnh độc lập, tự chủ của học sinh,” cô Tuyết nhận định.

Phần làm văn giữ nguyên cấu trúc quen thuộc, gồm 2 phần: viết đoạn văn nghị luận xã hội và bài nghị luận văn học. Trong đó, câu hỏi nghị luận xã hội yêu cầu “Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết của tinh thần hợp tác trong cuộc sống.” Theo cô Tuyết, đây là câu hỏi không mới nhưng khá thiết thực với những học trò đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa mới mẻ của cuộc sống, nơi các em phải thể hiện năng lực và bản lĩnh cá nhân nhưng không thể đơn độc trong hành trình tới thành công.

Câu nghị luận văn học vẫn sử dụng cấu trúc đề quen thuộc, trong đó câu lệnh thứ nhất là nội dung chính của bài nghị luận yêu cầu thí sinh cảm nhận về 8 câu thơ trong bài bài thơ “Tây Tiến” của tác giả Quang Dũng; câu lệnh thứ hai mang tính khái quát và nâng cao khi yêu cầu thí sinh “nhận xét cảm hứng lãng mạn của Quang Dũng trong đoạn thơ.”

“Mô hình câu nghị luận văn học hoàn toàn không thay đổi so với đề thi đợt một về thể loại, dung lượng ngữ liệu nghị luận, các yêu cầu nghị luận… Thí sinh thi đợt 2 có thể được rút kinh nghiệm rất nhiều từ đáp án bài thi đợt 1. Đây có thể coi là một thuận lợi nho nhỏ cho các em trong kỳ thi muộn màng dễ gây ra những khó khăn về tâm lý,” cô Tuyết nói.

Độ khó tương đương

Nhận xét về đề thi môn Toán, thầy Nguyễn Bảo Điền, Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp) cho rằng đề thi có cấu trúc bám sát đề thi tham khảo và đề thi đợt 1. Đề được sắp xếp từ dễ đến khó với 38 câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, bắt đầu phân hóa từ câu 39 với 12 câu hỏi. Trong đó có 5 câu hỏi khó, giống như đề đợt 1. Với đề thi này, thầy Điền nhận định học sinh học sinh trung bình, khá có thể làm được trên dưới 7 điểm, học sinh giỏi có thể đạt khoảng 9 điểm và điểm 10 là những em thật sự xuất sắc.

Thí sinh ở Bình Định được đo thân nhiệt trước khi vào phòng thi đợt 2

Đề thi có cấu trúc và độ khó tương đương với đợt một cũng là nhận định của các giáo viên thuộc Hệ thống Giáo dục HOCMAI với các bài thi Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và môn Ngoại ngữ.

Cụ thể, đề môn ngoại ngữ tương tự như đề thi đợt 1 với khoảng 80% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, 20% câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Tuy nhiên, đề thi không xuất hiện câu hỏi cực khó và đánh đố. Phần lớn các các câu hỏi kiến thức, từ vựng rất quen thuộc với thí sinh trong quá trình học và ôn tập lớp 12.

Ở môn hóa, so với đợt 1, tỷ lệ câu hỏi lý thuyết/câu hỏi tính toán, tỷ lệ câu thuộc lớp 11/lớp 12 có sự khác nhau không đáng kể. Số lượng câu hỏi đơn giản phục vụ mục đích xét tốt nghiệp không có sự thay đổi nhiều với khoảng 28-30 câu nhưng có sự thay đổi nhẹ trong các câu hỏi mang tính phân hóa. Cụ thể, số câu vận dụng trong đề đợt 2 tăng lên 3 câu nhưng số câu vận dụng cao lại giảm xuống 1 câu.  

Môn Sinh học, đề thi tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố, phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp, có độ phân hóa vừa phải để xét tuyển đại học. Đề thi có cấu trúc và độ khó cao hơn so với đề tham khảo năm 2021 và tương đồng với đề thi đợt 1.

Môn lịch sử có 75% câu thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu, hỏi những kiến thức cơ bản, đặc trưng của các sự kiện lịch sử hoặc nét tiêu biểu của từng giai đoạn. 25% câu hỏi mức độ  vận dụng, vận dụng cao, rải đều ở các chuyên đề lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 2000, không có câu hỏi lịch sử thế giới thuộc nội dung này. Phân bổ kiến thức và dạng câu hỏi của đề Lịch sử đợt 2 giống với đề đợt 1.

Tương tự, đề thi các môn địa lý và vật lý cũng được đánh giá có mức độ tương đương với đề thi đợt 1, trong đó môn vật lý có sự tăng nhẹ về độ khó so với đề thi năm 2020 giống như đề đợt 1.

Riêng môn giáo dục công dân được nhận định có phần dễ hơn đề đợt 1 với số lượng câu hỏi nhận biết và thông hiểu chiếm tỷ lệ lớn trong đề thi. Cụ thể, theo thầy Trần Văn Năng, Hệ thống Giáo dục HOCMAI, đề có 32 câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, chiếm 80% số lượng câu hỏi của đề. Số câu hỏi ở mức vận dụng là 5 câu nhưng là những câu hỏi tình huống đơn giản. Đề có ba câu hỏi ở mức độ vận dụng cao, là những tình huống phức tạp, dài, có độ nhiễu cao nhưng lại là dạng bài quen thuộc, thí sinh có thể đã được các thầy cô luyện đi luyện lại nhiều lần.

Nhận định chung tổng thể về đề thi các môn của đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các giáo viên cho rằng đề phù hợp với mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh và đảm bảo được sự tương đồng với đề thi đợt 1.

Theo Vietnam+