Chủ nhà hàng, quán ăn đi làm công nhân
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 10:07, 08/08/2021
Do dịch kéo dài, đời sống khó khăn nên vợ chồng chị Bùi Thị Thắm đã phải trả mặt bằng quán ăn
Xoay xở tìm việc làm
Vợ chồng chị Bùi Thị Thắm, quê ở Ninh Giang thuê mặt bằng mở quán lẩu nướng tại xã Tân Trường (Cẩm Giàng) đến nay được gần 4 năm. Thời gian đầu, quán kinh doanh khá ổn định, nhưng hơn 1 năm gần đây hầu như phải đóng cửa để phòng chống dịch. Đóng cửa nhưng tiền thuê mặt bằng hằng tháng vợ chồng chị vẫn phải trả. Muốn trả mặt bằng cũng khó vì hợp đồng đã ký thuê 2 năm. Đến đợt dịch đầu năm nay khi không thể trụ được, vợ chồng chị đã quyết định đóng cửa nhà hàng đi tìm việc làm thêm. Do cả hai vợ chồng đều trên 40 tuổi nên tìm việc làm tại các doanh nghiệp cũng không dễ dàng. Hơn nữa, thời điểm dịch không có nhiều công ty có nhu cầu tuyển dụng lao động.
Mãi đến đầu tháng 5 vừa qua, vợ chồng chị Thắm mới tìm được công việc thời vụ tại Công ty TNHH Điện tử UMC ở khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng). “May mắn vừa qua chủ cho thuê mặt bằng đồng ý thanh lý hợp đồng trước hạn cho vợ chồng tôi nên cũng đỡ lo chi phí. Đi làm công nhân, mỗi tháng vợ chồng tôi cũng có thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Dịch bệnh thế này, tìm được việc làm có thu nhập, tôi thấy mình cũng còn may mắn. Mong là dịch bệnh sớm qua để chúng tôi được quay trở lại kinh doanh ăn uống”, chị Thắm chia sẻ.
Mới mở quán ăn từ cuối năm 2019 thì đầu năm 2020 dịch Covid-19 bùng phát khiến quán ăn của vợ chồng anh Phạm Văn Cường ở phố Mai Hắc Đế (TP Hải Dương) cũng liên tục phải dừng hoạt động. Anh Cường bán bún cá rô đồng vào buổi sáng, buổi chiều bán bia hơi. Hai đợt dịch đầu của năm 2020, vợ chồng anh tạm dừng rồi mở cửa trở lại khi TP Hải Dương cho phép. Nhưng từ sau đợt dịch thứ ba vào đầu năm 2021, vợ chồng anh Cường quyết định đóng hẳn quán ăn để tìm việc làm mới. Chị Đỗ Thị Hiên, vợ anh hiện đã tìm được việc làm tại Công ty TNHH Shinheung Vina ở khu công nghiệp Đại An, còn anh Cường đi làm nhôm kính cùng một người bạn. “Dịch bệnh hiện vẫn rất phức tạp, dịch vụ ăn uống tại chỗ liên tục bị cấm bán, nếu không tự xoay xở tìm việc làm khác thì vợ chồng tôi không có thu nhập để cáng đáng cả gia đình. Công việc nào cũng khó khăn, vất vả nhưng thời điểm này tìm được việc làm, có thu nhập cũng là may mắn rồi”, anh Cường nói.
Anh Trương Văn Suyên, chồng chị Thắm hiện làm công nhân thời vụ, cả gia đình phải ở trọ
Mong sớm dập được dịch
Quán cơm - bia hơi của chị Phạm Thị Hồng ở thị trấn Phú Thái (Kim Thành) đóng cửa liên tục từ đợt dịch thứ ba đến nay mặc dù trước đó đã có thời gian được phép hoạt động trở lại. Không có nguồn thu từ quán, chị Hồng tìm được công việc tại một xưởng may ở xã Kim Anh (Kim Thành). "Mong sao dịch bệnh sớm được khống chế để mọi thứ trở lại bình thường như trước, tôi được trở lại với công việc bán hàng ăn hằng ngày”, chị Hồng nói.
Trong những đợt dịch trước, chị Hồng cũng là một trong những tình nguyện viên nhiệt tình của thị trấn Phú Thái tham gia các hoạt động phòng chống dịch tại địa phương như nấu cơm, mang đồ uống tặng cho các lực lượng tuyến đầu. Bản thân gia đình chị thuộc diện được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch nhưng chị đã từ chối để nhường cho những người khác khó khăn hơn mình.
Mặc dù phải đóng cửa, trả mặt bằng thuê nhà hàng, hai vợ chồng cùng đi làm công nhân nhưng vợ chồng chị Bùi Thị Thắm vẫn đam mê kinh doanh dịch vụ ăn uống. Mỗi chủ nhật được nghỉ, vợ chồng chị lại chở nhau từ khu nhà trọ ở xã Tân Trường (Cẩm Giàng) lên TP Hải Dương tìm địa điểm kinh doanh. “Trước khi mở nhà hàng ở xã Tân Trường, vợ chồng tôi đã có gần 10 năm kinh doanh ăn uống ở TP Móng Cái (Quảng Ninh) nên rất yêu thích công việc này. Biết là bây giờ không thể trở lại kinh doanh ngay được nhưng nếu tìm được mặt bằng, vị trí ưng ý, vợ chồng tôi sẽ cân nhắc để chuẩn bị địa điểm cho công việc kinh doanh sau này. Điều mong muốn nhất bây giờ là dịch sớm được đẩy lùi”, chị Thắm nói.
Dịch Covid-19 đã tác động nặng nề lên mọi mặt của đời sống, từ những ông chủ, bà chủ nhà hàng, quán ăn khi phải đóng cửa triền miên, họ phải tự xoay xở, vận động tìm kế sinh nhai để vượt qua đại dịch. Họ cũng như tất cả mọi người đều mong muốn dịch bệnh sớm được đẩy lùi.
TRƯƠNG HÀ