Phương pháp dạy con để thành công

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:56, 09/08/2021

Những gia đình có con cái thành công đều xuất phát từ bố mẹ có chung quan điểm về những giá trị cần dạy con.

Dạy con thế này đứa trẻ nào cũng thành công - Ảnh 1.
Cha mẹ hãy dạy cho con biết cách giải quyết mọi vấn đề ngay từ khi còn nhỏ

Dạy con kỹ năng giải quyết vấn đề

Kỹ năng giải quyết vấn đề là một trong những kỹ năng quan trọng mà cha mẹ cần trang bị cho con. Bởi mọi tình huống trở ngại đều có thể ập đến bất ngờ trong suốt cuộc đời của con. Cha mẹ không thể ở bên con mọi lúc mọi nơi, càng không thể bảo vệ con đến suốt cuộc đời.

Thế nên, các bậc cha mẹ hãy dạy cho con biết cách giải quyết mọi vấn đề ngay từ khi còn bé. Không những thế, đây còn là một trong những kĩ năng cần thiết để tạo nền tảng vững chắc cho con trong tương lai. Bởi một nhà lãnh đạo phải có khả năng phân tích, đánh giá vấn đề một cách khoa học nhất.

Nếu cha mẹ thường xuyên kiểm soát con có thể khiến trẻ sau này khó tìm được hạnh phúc. Cha mẹ hãy luôn tin tưởng con, cho con được quyết định mọi vấn đề.

Đồng thời, khi con gặp rắc rối với bạn bè, khi con gặp khó khăn…hãy để con tự giải quyết vấn đề của mình. Điều này sẽ giúp trẻ dần trở nên độc lập và hiểu được những mong muốn của bản thân.

Truyền tải cho con giá trị thực của cuộc sống

Nếu muốn đề cao lòng tốt hay sự tử tế, hãy mang tới nhiều cơ hội cho con chú ý vào nó, bắt đầu từ việc thay đổi những câu hỏi thường ngày chúng ta đặt ra cho con. Trong bữa cơm tối, thay vì hỏi con về điểm số, về bài vở..., hãy hỏi xem con đã làm được gì để giúp đỡ bạn bè, thầy cô hay những người con đã gặp trong ngày.

Có thể con chưa trả lời được ngay, hoặc có thể câu trả lời sẽ rất ngắn gọn. Nhưng nếu chúng ta kiên trì hỏi con mỗi ngày, sau một thời gian những chia sẻ của trẻ sẽ chi tiết hơn, cụ thể hơn. Như là: "Con mở nắp hộp ăn trưa giúp bạn A", hoặc: "Con cho bạn B ăn đồ ăn vặt vì bạn ấy quên mang hôm nay", hay là: "Bạn C làm sai một bài tập, con đã giải thích cho bạn ấy hiểu".

Không chỉ dừng lại ở những câu hỏi, chúng ta cũng nên chia sẻ những kinh nghiệm mình từng trải qua khi giúp đỡ người khác với con, đồng thời thể hiện quan điểm trong những tình huống mình không thể giúp đỡ người khác.

Ví dụ, hãy nói với con về cảm giác hối hận khi không thể đứng ra bảo vệ một người bạn thân bị bắt nạt hồi bạn còn đi học. Hay là khoảnh khắc khi đang chơi trò chơi đồng đội mà bạn lại bỏ cuộc và khiến đội mình bị tan rã để dạy con về tính trách nhiệm trong tập thể.

Mục đích của những việc này không phải để biến trẻ thành những người tốt hay trao phần thưởng cho những việc làm tốt của con, mà để nhấn mạnh với con những giá trị thực sự của cuộc sống này.

Hãy để con làm việc nhà

Đây là lời khuyên từ giảng viên Julie Lythcott-Haims đến từ đại học Stanford (Mĩ), đồng thời cũng là tác giả quyển How to Raise an Adult (Cách nuôi dạy con thành người) – một cuốn sách bán chạy theo tờ New York Times. Vị giảng viên này đã trích dẫn trong nghiên cứu của đại học Harvard rằng con người cần hai điều để thành công trong cuộc sống: thứ nhất là tình yêu thương và thứ hai là tinh thần lao động.

Vậy làm thế nào để phát triển tinh thần lao động cho trẻ ngay từ nhỏ? Đó chỉ cần xuất phát từ công việc như: rửa bát, lau nhà, đổ rác, dắt chó đi dạo, dọn phòng,... - những việc mà cha mẹ thường phải càm ràm, nhắc nhở con cái mỗi ngày. Bằng việc để con trẻ làm việc nhà, chúng sẽ nhận ra rằng con cần phải làm việc để mình trở thành một phần của cuộc sống.

Không chia sẻ quá nhiều về con trên mạng xã hội

Trong thời đại bùng nổ internet, rất nhiều đứa trẻ phải đối mặt với một dạng bạo lực mới là bạo lực về thông tin cá nhân: bố mẹ của chúng chia sẻ quá nhiều hình ảnh và thông tin của con mình lên mạng xã hội.

Hiện nay có rất nhiều "hot mom" nổi tiếng trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý khi đăng tải những bức ảnh đáng yêu và quá trình lớn lên của con mình, kể cả khi chúng ngày càng lớn lên. Điều này có thể làm cho đứa trẻ cảm thấy không thoải mái và hệ lụy lâu dài là ảnh hưởng đến lòng tự trọng của chúng.

Theo Gia đình