6 bài thuốc nam trị đau đầu
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 12:38, 09/08/2021
Theo y học cổ truyền, nguyên nhân gây đau nhức đầu là do ngoại tà xâm nhập vào kinh lạc, dẫn lên đầu, khí thanh dương bị ngăn trở. Hoặc do công năng của các tạng phủ bị mất điều hoà, khí huyết hư tổn làm cho não bị hư yếu, thường liên quan đến can, thận và tỳ.
Nếu đau đầu đột ngột và kéo dài vài ngày là do ngoại cảm. Khi đau khi không và đau âm ỉ là nội thương. Tuy vậy phải kết hợp với triệu chứng toàn thân thì chẩn đoán mới chính xác.
Các vị trí đau đầu
Đau nhức đầu vùng thái dương: Thường xảy ra có nguyên nhân từ một số bệnh cấp tính (cảm cúm, sốt nhiễm khuẩn) hay mạn tính (tăng huyết áp)...
Đau nhức đầu vùng đỉnh: Thường thuộc kinh Quyết âm can, hay gặp trong các bệnh: Viêm gan, đau vùng gan, thiếu máu đau mắt, rối loạn tiền đình, thiên đầu thống.
Đau nhức đầu vùng trán: Thường thuộc kinh Dương minh vị, gặp trong bệnh loét dạ dày, hành tá tràng hoặc ăn uống tiêu hóa kém.
Nhức đầu vùng gáy: Thường thuộc kinh Thái dương (bàng quang). Hay gặp trong bệnh viêm não, lao màng não, thương hàn, xơ vữa động mạch não…
Đau nhức nửa đầu bên trái hoặc bên phải: Thường thuộc kinh Thiếu dương đởm. Hay gặp trong suy nhược thần kinh thể hưng phấn. Ví dụ như rối loạn thần kinh thực vật, thần kinh chức năng, đau túi mật, thần kinh tim, rối loạn tiền đình.
Một số bài thuốc chữa đau đầu
Đau nhức đầu vùng thái dương
Nguyên nhân chủ yếu do cảm cúm, sốt. Dùng một trong các bài thuốc:
Bài 1 - Thuốc uống gồm: Củ ráy dại (sao) 20g, sắn dây hoặc dây đỗ ván 15g, lá tía tô 15g, cúc hoa 10g (hoặc rau má 20g), rễ và cây cúc tần 15g (hoặc diếp cá), hoa kinh giới 10g. Nếu mồ hôi ra nhiều, bỏ lá tía tô, thay bằng lá dâu; nhức đầu có kèm chóng mặt, thêm mần tưới 6g (15 lá). Sắc uống 2 lần trong ngày.
Bài 2 - Thuốc xông gồm: Lá sả 50g, tỏi 3 – 5 củ, lá tía tô 50g, kinh giới 50g, ngải cứu 50g. Nấu với khoảng 4 – 5 lít nước, xông cho ra mồ hôi. Để bệnh nhân ngồi cạnh nồi nước xông, trùm chăn kín. Trước khi xông, ăn cháo nóng; sau khi xông, lau người, thay quần áo sạch và ủ kín
Bài 3- Thuốc đắp: Dùng lá thầu dầu tía hoặc lá khoai nước, giã nát giã nát đắp lên trán. Hoặc lá thanh táo thêm ít nước vò nát đắp lên trán cho ra mồ hôi sẽ nhẹ dần.
Đau nhức đầu vùng thái dương đau nhức lan ra sau vùng gáy
Nguyên nhân chủ yếu do tăng huyết áp, suy nhược thần kinh, rối loạn thần kinh tim. Ngoài ra còn do vữa xơ động mạch. Dùng một trong các bài:
Bài 4- Thuốc uống: Cúc hoa 10g, ngưu tất 12g, bạch chỉ 12g, câu đằng 12g, xuyên khung 12g, đương quy 12g, sinh địa 15g, mạn kinh tử 10g. Sắc uống.
Gia giảm: Nếu hay đau nhói vùng tim, thêm chỉ thực 10g, xương bồ 10g, tinh tre 10g. Nếu đau cơ và khớp, thêm uy linh tiên 12g. Nếu người béo phệ , thêm trần bì 12g, bán hạ chế 12g. Nếu mất ngủ, thêm táo nhân sao đen 12g.
Bài 5-Thuốc uống: Câu đằng 15g, mạch môn 10g, cúc hoa 10g, bạc hà 10g (hay củ sả), vỏ quýt 10g, bán hạ chế 15g. Sắc uống. Dùng 15 ngày.
Cúc hoa là vị thuốc trị đau nhức đầu do do tăng huyết áp, suy nhược thần kinh tim, vữa xơ động mạch.
Đau nhức nửa đầu, tức ngực buồn nôn hoặc nhức hai vùng thái dương, khung mắt
Nguyên nhân chủ yếu do suy nhược thần kinh hưng phấn. Ngoài ra cỏn do rối loạn thần kinh thực vật, thần kinh chức năng.
Bài 6- Thuốc uống: Tinh tre 15g, bán hạ chế 15g, vỏ quýt 15g, bạc hà 4g (hay củ sả), rau má hoặc hoa cúc 15g, chỉ thực (vỏ quả chấp) 15g. Nếu mất ngủ thêm nhân hạt táo (sao đen) hoặc tâm sen, lá vông. Sắc uống.
Theo Sức khỏe và Đời sống