Thiếu phòng học kéo dài
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 07:05, 10/08/2021
Trường THCS Hồng Lạc (Thanh Hà) phải chuyển các phòng bộ môn làm phòng học do thiếu 7 phòng
Thiếu từ thành thị tới nông thôn
Thật bất ngờ khi TP Hải Dương - trung tâm của tỉnh lại đang thiếu khá nhiều phòng học. Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Châu Phạm Thanh Nga cho biết khoảng 3 năm nay trường phải sử dụng 6 phòng bộ môn làm phòng học dẫn tới thiếu phòng bộ môn. "Mỗi năm học sinh của trường tăng khoảng 100 em. Sĩ số có lớp lên đến 46 học sinh, không bảo đảm quy định. Không có phòng bộ môn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục", bà Nga nói.
Năm học 2021-2022, Trường THCS Tân Bình (TP Hải Dương) có hơn 2.100 học sinh nhưng chỉ có 28 phòng học, 5 phòng bộ môn. Không đủ phòng học, trường buộc phải cho học sinh học 2 buổi/ngày. "Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm. Dạy hai buổi/ngày khiến cán bộ, giáo viên rất mệt mỏi, căng thẳng nhưng chẳng còn cách nào", Hiệu trưởng Trường THCS Tân Bình Vũ Thị Thùy Hương chia sẻ.
Tứ Kỳ hiện là địa phương thiếu nhiều phòng học nhất tỉnh và tình trạng này đã kéo dài suốt từ năm này qua năm khác. Thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho thấy địa phương còn thiếu 140 phòng học. Năm học 2021-2022, học sinh nhiều trường trong huyện vẫn phải tiếp tục đi học nhờ trong nhà văn hóa các thôn hoặc học tạm trong phòng chức năng khác. Như hai Trường Mầm non và Tiểu học An Thanh có tổng cộng 10 phòng học nhờ, 18 phòng học tạm. Hai Trường Tiểu học Hà Kỳ và Hà Thanh, mỗi nơi có 3 phòng học nhờ... Những phòng đó thường không bảo đảm diện tích hoặc các điều kiện khác như ánh sáng, quạt mát. Đa số những lớp học nhờ là nhà văn hóa các thôn. Những hoạt động của người dân xung quanh khiến việc học tập của học sinh không thể tập trung như ở trường.
Tình trạng thiếu phòng học diễn ra phổ biến ở khắp các địa phương. Ngay cả huyện Cẩm Giàng, nơi có cơ sở vật chất giáo dục được đầu tư đồng bộ, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao trong tỉnh nhưng cũng đang thiếu khoảng 15 phòng học. Tương tự, huyện Thanh Hà cũng đang thiếu hàng chục phòng học. Ở những nơi thiếu, các trường buộc phải chuyển phòng bộ môn sang làm phòng học. Không có phòng bộ môn, học sinh không được thực hành, thực nghiệm, ảnh hưởng lớn đến nhận thức, tư duy và chất lượng học tập của các em. "Không có phòng bộ môn, thầy và trò phải bê cả những vật dụng thí nghiệm từ kho lên lớp. Học xong thì lại mang xuống nên rất vất vả. Việc lớp này học tiết âm nhạc phát ra âm thanh làm ảnh hưởng đến những lớp xung quanh là chuyện thường thấy ở những nơi thiếu phòng học", giáo viên một trường THCS ở Thanh Hà chia sẻ.
Ưu tiên xóa phòng học tạm, học nhờ
Các địa phương trong tỉnh đã và đang dành nguồn lực lớn để hoàn thiện hạ tầng cho các cơ sở giáo dục, trong đó ưu tiên xóa phòng học tạm, học nhờ.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hải Dương Lê Thị Mỹ Phương cho biết thành phố sẽ dành nguồn lực cho việc này theo hướng ưu tiên xóa những phòng học xuống cấp, mất an toàn trước, tiếp đến là xây phòng học cho những đơn vị còn thiếu, hướng tới đạt chuẩn quốc gia. Trong năm nay, thành phố đầu tư xây nhà lớp học mới cho 8 trường như Mầm non Nguyễn Trãi, Mầm non Bình Minh, Tiểu học Nguyễn Lương Bằng, Tiểu học Hải Tân...
Nhiều xã ở các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà cũng đang đầu tư mở rộng diện tích trường học, xây thêm phòng chức năng, nhà hiệu bộ, nhà lớp học cho các trường. Tuy nhiên, do kinh phí dành cho những công trình này lớn nên việc huy động nguồn lực gặp không ít khó khăn. Hầu hết các địa phương đều đang chờ nguồn kinh phí thu được từ bán đấu giá quyền sử dụng đất, song việc này không thể tiến hành ngay trong thời gian ngắn.
Năm 2020, UBND tỉnh đã triển khai Đề án xây dựng, bổ sung phòng học thiếu tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025. Trong giai đoạn này, tỉnh sẽ xây dựng 1.012 phòng học kiên cố đạt chuẩn thay thế cho những phòng học tạm, học nhờ, với tổng kinh phí dự kiến 764 tỷ đồng. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2022 sẽ xây 556 phòng học mới để xóa các phòng học tạm, học nhờ, đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục đang xây dựng trường chuẩn quốc gia lần đầu. Các năm từ 2023-2025, tỉnh sẽ xây thêm 456 phòng học, bảo đảm các cơ sở giáo dục trong tỉnh có đủ phòng học kiên cố.
Theo phản ánh của các địa phương, việc giải ngân nguồn vốn trên hiện còn chậm. Các địa phương kiến nghị tỉnh sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn này để chấm dứt tình trạng thiếu phòng học tồn tại trong nhiều năm qua.
BÌNH MINH