Phi địa giới hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính: Hướng đi phù hợp

Tin tức - Ngày đăng : 06:06, 11/08/2021

Phi địa giới hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính không chỉ là hướng đi mới, tiện lợi cho người dân mà còn góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19.


Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa bàn, địa giới hành chính sẽ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trong ảnh: Người dân đến giao dịch tại bộ phận "một cửa" TP Hải Dương (ảnh tư liệu)


Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng không phụ thuộc vào địa bàn, địa giới hành chính là hướng đi mới nhằm nâng cao chất lượng giải quyết TTHC.

Mong muốn của người dân 

Là một nạn nhân da cam, sức yếu, di chuyển khó nên mỗi lần muốn giải quyết các TTHC, ông Nguyễn Văn Quý ở khu 17, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) đều phải nhờ người giúp để đến bộ phận "một cửa" của phường, thành phố hoặc đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ông cho rằng nếu người dân chỉ cần đến nơi gần nhất, thuận tiện nhất mà có thể giải quyết  được TTHC, không phụ thuộc vào việc họ có hộ khẩu ở nơi đó hay không thì sẽ thuận tiện hơn, giảm việc phải đi lại nhiều lần.

Nhiều người dân mong muốn chỉ cần đến bộ phận "một cửa" nơi gần nhất là có thể giải quyết được TTHC ở các cấp, thậm chí là những TTHC phức tạp, liên quan đến nhiều giấy tờ, hồ sơ như đất đai, tài sản... Đối với những địa bàn có đông dân số nhập cư, lao động tạm trú thì việc giải quyết TTHC không phụ thuộc địa giới hành chính sẽ giúp người dân đỡ phải đi lại, giảm khó khăn. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc giải quyết các TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính càng cho thấy tính ưu việt, cần sớm xúc tiến vì góp phần hạn chế đi lại...

Tuy chưa rõ nét về mô hình, cách thức tiếp nhận, giải quyết TTHC theo hướng phi địa giới hành chính, nhưng hiện nay, việc giải quyết một số TTHC không phụ thuộc vào địa bàn, địa giới hành chính đang tạo nhiều thuận lợi cho nhân dân. Điển hình như hiện nay với đầy đủ giấy tờ, hồ sơ gốc, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục chứng thực tại bộ phận "một cửa" của bất kỳ địa phương nào hoặc tại các văn phòng công chứng. Đây chính là thực hiện giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân, đồng thời giảm tải áp lực về số lượng người đến giao dịch tại các bộ phận "một cửa".

Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp với việc thực hiện liên thông các thủ tục đăng ký và quản lý hộ tịch được triển khai nhiều năm qua cũng là một ví dụ hiệu quả trong giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Thông qua hệ thống, người dân ở bất kỳ địa phương nào, thậm chí người Việt Nam ở nước ngoài cũng có thể thực hiện nhiều TTHC trong các lĩnh vực: khai sinh, kết hôn, nuôi con nuôi... 

Tiếp nhận và giải quyết các TTHC theo hướng phi địa giới hành chính cũng là mong muốn của rất nhiều người, nhất là đối với nhóm người già, người yếu thế không có điều kiện, khả năng sử dụng thành thạo các thiết bị thông minh, hoặc đi lại khó khăn. 

Đẩy nhanh chuyển đổi số

Theo Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết TTHC giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, trong năm nay, hướng đi này lần đầu tiên được đề xuất triển khai bên cạnh các nhiệm vụ về chuyển đổi số. Trong nhóm công việc liên quan đến đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các bộ phận "một cửa" các cấp, tỉnh sẽ đánh giá, đề xuất triển khai việc tiếp nhận, giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, trước mắt là triển khai đối với TTHC về hộ tịch và các TTHC đáp ứng yêu cầu của đề án.

Nội dung này được giao cho Văn phòng UBND tỉnh và cơ quan phối hợp là các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã, cơ quan, đơn vị ngành dọc quản lý. Sản phẩm mà UBND tỉnh yêu cầu phải có trong năm nay gồm cả việc quyết định danh mục TTHC giải quyết phi địa giới hành chính. 

Trong cả nước, mô hình này được triển khai chưa nhiều, nhưng ở một số tỉnh, thành phố đã thực hiện cho thấy hiệu quả bước đầu tích cực. Ví dụ ở Đồng Nai, việc giải quyết TTHC phi địa giới được áp dụng giữa các bộ phận “một cửa” ngang cấp, từ trên xuống hoặc từ dưới lên trên. Khác với giải quyết TTHC theo hình thức trực tuyến, việc tiếp nhận, giải quyết TTHC phi địa giới hành chính phù hợp, hỗ trợ cho đông đảo người yếu thế, người thiếu thông tin, không sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ... Người dân chỉ cần đến bộ phận "một cửa" gần nhất để nộp hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC ở bất kỳ lĩnh vực nào. Thậm chí, chỉ cần ở nhà, người dân có thể được dịch vụ bưu chính hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại nhà.      

Ông Lê Đắc Đức, Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND TP Hải Dương cho rằng việc tiếp nhận, giải quyết TTHC phi địa giới hành chính có thể thực hiện song song với việc duy trì các bộ phận “một cửa” như hiện nay trong điều kiện có hệ thống dữ liệu dùng chung đồng bộ. Như vậy cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ chuyển đổi số, nâng cấp, số hóa toàn bộ hệ thống thông tin giải quyết TTHC liên thông trong toàn tỉnh, đồng bộ thông tin, dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia để làm cơ sở cho việc giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa bàn, địa giới hành chính. 

LINH AN