Làm gì để mùa Lễ Vu lan 2021 trọn vẹn trong dịch Covid-19?

Xã hội - Ngày đăng : 21:31, 11/08/2021

Tại Việt Nam, lễ Vu lan là một trong những lễ lớn của Phật giáo, không chỉ riêng với các tín đồ Phật tử mà còn đối với mọi người dân Việt Nam.

Lễ Vu lan báo hiếu - Cầu siêu phả độ gia tiên từ lâu đã trở thành truyền thống tốt đẹp trong lòng người dân Việt Nam. Đạo lý ấy hài hoà với truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc.

Theo Phật giáo có 4 ân nặng gọi là tứ trọng ân, trong đó có ân Tam bảo, ân quốc gia dân tộc, ân những bậc nuôi dạy mình nên người, ân chúng sinh vạn loại. Tứ trọng ân này còn là nền tảng đạo đức, truyền thống văn hóa phương Đông.

Lễ Vu lan báo hiếu là một trong những lễ rất quan trọng của đạo Phật được tổ chức hàng năm vào dịp rằm tháng 7 tại các chùa, cơ sở tự viện của Phật giáo, đề cao tinh thần báo ân, hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ, tổ tiên.

Đại lễ Vu lan tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội) năm 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19.

Nếu tổ chức lễ Vu lan phải thực hiện nghiêm quy định 5K

Mùa Vu lan báo hiếu PL.2565 - DL.2021 đang đến gần trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lây nhiễm vô cùng phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố. Năm ngoái, nhiều địa phương trên cả nước khuyến khích tăng ni các chùa, các Ban Trị sự tổ chức lễ hội Vu lan trực tuyến qua các ứng dụng để đồng bào phật tử, bà con nhân dân vẫn bày tỏ được tình cảm tri ân, báo ân của mình mà không phải tập trung đông người để phòng chống dịch.

Đối với những địa phương dịch bệnh được kiểm soát tốt, vẫn tổ chức Đại lễ Vu lan với tinh thần chống dịch, không tập trung đông, giãn cách đúng quy định của chính quyền địa phương.

Nếu tổ chức lễ Vu lan phải thực hiện nghiêm quy định 5K.

Năm nay, trước tình hình dịch COVID-19 căng thẳng, ngày 3.8.2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã ban hành thông bạch về việc tổ chức đại lễ Vu lan báo hiếu, nhấn mạnh việc các chùa, cơ sở tự viện có đông tăng, ni đang cấm túc sinh hoạt chúng và an cư kết hạ trong nội viện, nếu tổ chức Vu lan cần thông báo tới chính quyền địa phương và phải nghiêm túc thực hiện theo nội dung chỉ đạo của GHPGVN.

Trong quá trình tổ chức Vu lan phải thực hiện nghiêm quy định 5K và các quy định phòng, chống dịch COVID-19 theo yêu cầu của Bộ Y tế, thường xuyên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách đảm bảo giãn cách theo quy định.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN cũng đề nghị tăng ni, Phật tử các chùa, cơ sở tự viện tiếp tục thực hiện cấm túc, ai ở đâu ở đấy, tụng kinh Vu lan báo hiếu mẹ cha và hồi hướng tới cửu huyền thất tổ, Anh hùng liệt sĩ, cầu nguyện dịch bệnh sớm tiêu trừ, quốc thái dân an; Không tập trung đông người tổ chức nghi lễ bông hồng cài áo, và các nghi lễ khác trong ngày Vu lan.

GHPGVN cũng kêu gọi, Tăng Ni, Phật tử bằng hành động thiết thực nhất, ý nghĩa nhất trong mùa Vu lan năm nay hãy tiếp tục phát tâm ủng hộ, đóng góp nguồn lực cho các Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 và Quỹ vaccine Covid-19 để chung tay cùng các cấp chính quyền đảm bảo mọi người đều được tiêm vaccine miễn phí và bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân.

Tổ chức lễ Vu lan trực tuyến đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân

Mùa Vu lan báo hiếu đến gần, mỗi người con đều có mong muốn bày tỏ lòng tri ân và báo ân tới tổ tiên, công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, cầu nguyện cha mẹ hiện tiền thì tăng phúc thọ, cha mẹ quá vãng thì được siêu sinh giải thoát miền tây phương cực lạc.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, GHPGVN đề nghị tăng ni trụ trì các chùa, cơ sở tự viện phát huy sáng tạo các hình thức sinh hoạt trực tuyến online trong mùa Vu lan nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào Phật tử và nhân dân.

Trước băn khoăn của nhiều người dân về việc không được có mặt trực tiếp tại các chùa để dự lễ Vu lan thì sẽ không trọn lòng thành, Thượng toạ Thích Đạo Hiển, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội chia sẻ: “Sẽ không có ảnh hưởng gì trong phương thức bày tỏ lòng thành kính bởi lẽ “Phật tại tâm”.

Đức Phật dạy tri ân, báo ân, tưởng niệm trong tâm thức của mình, chứ không phải cách mình bày tỏ ở đâu, như thế nào. Cái chính ở lòng thành, con cháu trong những ngày này nhớ về ông bà tổ tiên, nhớ về truyền thống gia đình, nhớ về những lễ nghĩa tốt đẹp của cha ông để noi theo và thực hiện cho tốt. Gìn giữ được những giá trị đó mới là điều quan trọng”.

Năm nay, cũng như nhiều chùa, cơ sở tự viện trên cả nước, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội sẽ tổ chức lễ Vu lan theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của 500 tăng ni sinh. Buổi lễ sẽ được phát trực tuyến qua các trang Facebook: Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Phật Sự Học Viện, phát lại trên website khuongviet.vn và một số kênh Youtube…, Thượng tọa Thích Đạo Hiển cho biết.

Theo VOV