Virus SARS-CoV- 2 lây qua hệ thông gió?
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 20:32, 12/08/2021
Phó giáo sư Trần Đắc Phu
Lý giải về vấn đề này, Phó giáo sư Trần Đắc Phu, Cố vấn Cao cấp trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: Với việc thực hiện giãn cách, khả năng virus SARS-CoV-2 lây qua giọt bắn (dịch hầu họng, nước bọt của người mắc bệnh) là rất nhỏ.
Tuy nhiên, do virus biến thể mới có thể sống lơ lửng trong không khí một thời gian lâu hơn nên có khả năng phát tán gây lây lan mạnh trong môi trường kín sử dụng điều hòa như thang máy, phòng họp...
Với ý kiến virus lây qua hệ thống thông gió, Phó giáo sư Trần Đắc Phu cho rằng: "Nếu virus có lan qua các đường ống thông gió thẳng đứng thì khi ở ngoài trời, lượng không khí di chuyển rất nhiều sẽ khuếch tán vào không gian nên không đủ tải lượng virus để lây lan. Virus bị tiêu diệt một cách tự nhiên ở nhiệt độ cao, vì thế cần điều tra rõ ràng để đánh giá khách quan", Phó giáo sư Phu nhấn mạnh.
Trên thực tế, virus chỉ lây lan nếu như gió thông thẳng một không gian nào đó mà người khác lại đi vào. Chẳng hạn đường thông gió nhưng lại thông vào hành lang chung cư hay một khu vực kín, người khác vào đó hít phải. Virus có thể lây từ nhà nọ sang nhà kia theo đường không khí nhưng hiện nay đường thông khí ở các khu chung cư không thiết kế thông từ nhà nọ sang nhà kia nên virus không thể lây lan qua hệ thống này.
Phó giáo sư Phu phân tích trong trường hợp khi có một ca mắc COVID-19 trong tòa nhà, các con đường lây nhiễm khả thi có thể nghĩ tới là thông qua không gian chung như hành lang kín, thang máy hay gián tiếp tiếp xúc bằng các nút thang máy hoặc có sự tiếp xúc gần trong quá trình đi cùng thang máy, nói chuyện…, do đó phải có sự điều tra dịch tễ kỹ càng.
“Với SARS-CoV-2, phải có sự tiếp xúc giữa người với người. Virus lây lơ lửng trong không khí và trong giọt bắn rất nhỏ thổi từ buồng nọ sang buồng kia mà người khác hít phải không khí mới có thể lây bệnh”, ông Phu chỉ rõ.
Theo ông Phu thì thường các thiết kế của các khu chung cư, hệ thống thông gió thẳng và chỉ hút khí từ các nhà và đường ống, sau đó đưa thẳng lên trời và hút lên, không khí từ nhà nọ không chuyển động vào nhà kia thì virus cũng không thể từ nhà nọ sang nhà kia, nên không thể lây lan qua đường thông gió. Tương tự, với cơ chế quạt của nhà vệ sinh là hút không khí ra ngoài.
Theo ông Phu, nếu quạt của các nhà vệ sinh lại thông với đường thông gió chính để hút không khí ở đường thông gió chính vào buồng vệ sinh (điểm giao lưu) thì cũng có nguy cơ lây bệnh và cần phải điều tra làm rõ. Còn nếu hệ thống thông khí đó hút ra ngoài thì không thể khẳng định không khí ở đường thông gió chung có thể quay trở lại vào nhà vệ sinh.
Theo các chuyên gia thiết kế điều hòa của các công trình lớn thì giải đáp của Phó Giáo sư Phu là hoàn toàn hợp lý trên đặc điểm thiết kế của của hệ thống điều hòa, thông hơi các tòa nhà cao tầng hiện nay.
Chuyên gia này cũng cho biết thêm: với một số thiết kế, hệ thống hút không có quạt trung tâm, sẽ có thể dẫn đến việc thông hơi từ các phòng áp âm tràn sang các khu vực lân cận. Hoặc trong trường hợp thiết kế dùng chung hệ thống thông gió thu hồi nhiệt ở hệ thống điều hoà trung tâm cũng khiến việc không khí các phòng thông sang nhau, tuy nhiên thời gian để lan chuyển virus (còn sống) đủ để lây nhiễm là rất nhỏ.
Vì vậy, các chuyên gia đều thống nhất rằng, với thiết kế ở các chung cư hiện nay thì virus SARS-CoV-2 có thể không lây qua đường không khí vào nhà từ quạt thông gió ở các nhà vệ sinh của căn hộ hoặc từ cống thoát nước. Do đó, việc cư dân tự ý tắt quạt thông gió, bít kín lại hoặc bịt luôn đường thoát nước ở nhà vệ sinh khi không sử dụng là không cần thiết.
Nhưng để giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở các chung cư, nhà cao tầng theo ông Trần Đắc Phu, các ca bệnh COVID-19 cách ly tại nhà cần mở cửa sổ thông thoáng, hạn chế sử dụng điều hòa.
Theo Vietnam+