Ca khúc ra đời trên Quảng trường Nhà hát Lớn đúng ngày 19.8

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 09:19, 13/08/2021

Sáng 19.8.1945, Nhạc sĩ Xuân Oanh cùng đồng đội từ phía nam Hà Nội tiến thẳng về Quảng trường Nhà hát Lớn trong biển người náo nức...

Nhạc sĩ Xuân Oanh sinh năm 1922 ở Hải Phòng. Năm 19 tuổi, ông lên Hà Nội và được giác ngộ để trở thành cán bộ Việt Minh, hoạt động ở Thanh Trì - ngoại thành Hà Nội. Sáng 19.8.1945, ông cùng đồng đội từ phía nam Hà Nội tiến thẳng về Quảng trường Nhà hát Lớn trong biển người náo nức, sôi động, hừng hực khí thế cách mạng như tức nước vỡ bờ. 

Được hòa mình trong dòng thác cách mạng đó, được chứng kiến những giờ phút thiêng liêng hào hùng của đất nước, người thanh niên 23 tuổi Xuân Oanh bắt đầu nhẩm hát giai điệu đầu tiên để ghi lại không khí ngày khởi nghĩa. “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày. Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai...” và cứ thế, “xuất thần” những câu tiếp sau.

Nhạc sĩ Xuân Oanh vừa sáng tác vừa hát lên để quần chúng đi trong đoàn biểu tình hát theo. Tới Nhà hát Lớn thì ca khúc “Mười chín tháng Tám” đã hoàn chỉnh. Giữa Quảng trường Nhà hát Lớn trong mùa thu, rực rỡ cờ sao, nhân dân phấn khởi, tự hào, hát vang bài ca được sáng tác tại chỗ, kịp thời nhất: "...Người Việt Nam đều thống nhất reo vang lời thề: Mười chín tháng Tám, chớ quên là ngày khởi nghĩa. Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam”.

Sau đó ít ngày, bài hát được Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm và phát sóng liên tục cả tuần tiếp đó, vào đúng dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945, nên bài hát càng có ý nghĩa sâu sắc và đọng lại mãi trong lòng mọi người.

Với giai điệu ngắn gọn, giản dị, hùng tráng, lời ca sống động, dễ nhớ, dễ thuộc, “Mười chín tháng Tám” là ca khúc để đời của nhạc sĩ Xuân Oanh, có sức cổ vũ, động viên quần chúng vùng dậy đấu tranh giành tự do, độc lập cho đất nước. 

HOÀNG NGÂN(st)