Mùa thu bừng lên nền dân chủ cộng hòa
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 11:28, 15/08/2021
Nhớ mùa thu độc lập
|
Mùa thu độc lập luôn trở thành mạch nguồn cảm hứng đặc biệt của các nhà thơ. Từ hồn nước bay lên với những vần thơ mùa thu hào sảng, lung linh tỏa sáng trong thơ Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh…; đến lượt mình, nhà thơ Lê Anh Phong đã bồi đắp thêm sắc diện cảm hoài để cất lên thành những âm điệu mùa thu với những vần thơ chứa chan tinh thần yêu nước, tự hào về thế hệ cha anh một thời cứu nước hào hùng.
Mở đầu bài thơ “Nhớ mùa thu độc lập”, khác với âm điệu nhẹ nhàng, tha thiết của tình thu, hơi thu thường thấy trong các thi phẩm viết về mùa thu đất trời, tạo vật, người đọc bắt gặp ở đây một giọng thơ hào hùng, “cuồn cuộn” trên những ngả đường giải phóng núi sông. Hình ảnh người nông dân, người công nhân hòa chung nhịp bước “đã vùng lên làm chủ cuộc đời”. Quả vậy, qua đoạn thơ này, tác giả Lê Anh Phong đã giúp cho người đọc hình dung về một mùa thu độc lập của 76 năm trước. Với khí thế sục sôi của phong trào cả nước xuống đường đấu tranh giành lại giang sơn gấm vóc, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, tất cả đồng lòng để đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi vũng bùn nô lệ:
Cuồn cuộn những ngả đường
Áo nông dân, áo thợ
Nắng chan hòa màu cờ đỏ hồng tươi
Rầm rập bước chân mùa thu Tháng Tám
Đã vùng lên làm chủ cuộc đời.
Từ khí thế hừng hực của mùa thu Cách mạng, nhà thơ đã biểu đạt tư tưởng của Bác Hồ trước thế nước nghìn năm có một để cứu lấy vận mệnh quốc gia. Sau cả nghìn năm chế độ phong kiến và trăm năm thuộc địa thực dân Pháp, có thể xem thời khắc lịch sử của mùa thu Tháng Tám là “Giờ quyết định”, lấy sức mạnh của toàn dân giải phóng núi sông, đạp đổ chế độ thực dân - phong kiến, xây dựng nên nền Dân chủ Cộng hòa. Nhờ đó, lời thơ ở đây cũng mạnh mẽ, gân guốc như một thái độ quyết tâm sắt đá của toàn dân đoàn kết một lòng:
“Giờ quyết định vận mệnh toàn dân tộc
Đem sức ta mà giải phóng cho ta”
Cả dân tộc thoát vòng nô lệ
Nước Việt bừng lên nền “Dân chủ Cộng hòa”.
Chỉ có người nông dân, người công nhân - hai giai cấp vô sản với bước chân “thần tốc” đã tạo thành những “bước chân lịch sử” với khí thế và tinh thần quật khởi oai hùng chưa từng có để Việt Nam giành độc lập.
Thần tốc
Những bước chân lịch sử
Không xóa nhòa theo năm tháng hư vô
Thắm mãi đức tin khi toàn dân đoàn kết
Sẽ trào sôi như thác nước tràn bờ.
Hai khổ thơ cuối bài như một lời chiêm nghiệm và bài học về sức mạnh nhân dân trong công cuộc đấu tranh giành lại độc lập, giang sơn cho Tổ quốc. Không những thế, nhà thơ Lê Anh Phong, bằng tấm lòng biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ, với thế hệ tiền nhân từ mùa thu Cách mạng 1945, đã lắng lòng tưởng niệm về những ngày mùa thu trong cảm xúc bồi hồi, nhớ thương tha thiết. Vọng về quá khứ, biết ơn quá khứ để vững tin vào cuộc sống hiện tại, đồng thời có khát vọng tốt đẹp hướng đến tương lai chính là mạch nguồn cảm hứng chung của “Nhớ mùa thu độc lập”. Nhưng độc lập phải gắn liền với dân chủ, độc lập càng bền lâu thì dân chủ phải càng được nâng cao hơn như niềm mong ước của Bác Hồ. Nhờ vậy, trải qua thời gian 76 năm kể từ mùa thu độc lập để dân tộc ta trường tồn cho đến hôm nay, chính nhân dân đã làm thành sức mạnh “nâng dậy dáng thuyền”, đưa Việt Nam vượt qua phong ba bão táp, cập đến bờ bến vinh quang. Thơ chính luận nhưng lại dạt dào và đầy ắp cảm xúc cũng nằm ở chỗ này:
Giờ tưởng niệm mùa thu Cách mạng
Cờ hồng reo như sóng dậy, triều lên
Tổ quốc thiêng liêng ngàn năm bền vững
Vinh quang nhân dân nâng dậy dáng thuyền.
“Nhớ mùa thu độc lập” của nhà thơ Lê Anh Phong là thi phẩm giàu màu sắc chính luận song vẫn tràn đầy cảm xúc tự hào và lòng biết ơn về thế hệ cha anh đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử - cuộc cách mạng thay đổi vận mệnh dân tộc ta, đất nước ta suốt hơn bảy thập niên qua. Bài thơ đi từ mạch nguồn quá khứ chuyển sang hiện tại một cách tự nhiên với ngôn ngữ bình dị, mộc mạc vẫn đủ trái tim mỗi người lay thức về một tình yêu nước non mãnh liệt. Thơ ca dù viết về đề tài nào, song phải để lại nơi trái tim người đọc một hàm ngôn về lòng biết ơn, về ý thức công dân tích cực, điều đó sẽ có ý nghĩa hơn những sáo rỗng câu từ, lênh loang bóng chữ mà thiếu một tâm tình với đất nước cần lao. Thơ Lê Anh Phong thấm đượm tâm tình công dân sâu sắc chính là ở chỗ đó, chí ít là ở bài thơ này.
LÊ THÀNH VĂN