Khi đội tuyển Việt Nam phải chống bóng bổng

Trong nước - Ngày đăng : 15:35, 15/08/2021

Huấn luyện viên Park Hang Seo và các cộng sự đã chuẩn bị những giải pháp chống bóng bổng. So với trước, hàng phòng ngự của đội tuyển Việt Nam có thể nói là đang có thể hình vào loại tốt nhất, với chiều cao trung bình xấp xỉ 1m80.
Khi ĐT Việt Nam phải chống bóng bổng

“Australia đã đánh bại một Jordan kiên cường với tỷ số 1-0 nhờ cú đánh đầu ở phút 75 của Harry Souttar. Đây là bàn thắng thứ 6 trong 5 trận gần đây của trung vệ đang khoác áo Stoke City”, trang Stokesentinel của Anh đã miêu tả như vậy về chiến thắng của Australia ở trận cuối vòng loại thứ hai World Cup 2022 gặp Jordan trên sân trung lập tại Kuwait.

Thật không thể tin nổi, dù là trung vệ nhưng Harry Souttar lại là người ghi nhiều bàn thắng nhất cho Australia ở vòng loại World Cup 2022 và hầu hết đều từ những cú đánh đầu. Cầu thủ 22 tuổi cao 1m98 này sẽ là một trong những đối thủ cần phải ngăn chặn của đội tuyển Việt Nam trong hai cuộc đối đầu tới đây. Hẳn nhiên, để không bị Harry Souttar đánh đầu tung lưới, đấy là bài toán hóc búa với Quế Ngọc Hải và các đồng đội.

Thực tế, huấn luyện viên Park Hang Seo và các cộng sự đã chuẩn bị những giải pháp chống bóng bổng. So với trước, hàng phòng ngự của đội tuyển  Việt Nam có thể nói là đang có thể hình vào loại tốt nhất, với chiều cao trung bình xấp xỉ 1m80. Quế Ngọc Hải và Đỗ Duy Mạnh đều “dày cơm”, có chiều cao 1m80.

Người thường xuyên được bố trí đá trung vệ, Bùi Tiến Dũng dù chỉ cao 1m74 nhưng khả năng bật nhảy và chọn điểm rơi của anh cực tốt. Những trung vệ dự bị đều có chiều cao khá tốt như Nguyễn Thành Chung (1m80), Trần Đình Trọng (1m73), Trương Văn Thiết (1m77).

Trợ lý Park Choong Kyun hướng dẫn Tuấn Tài tập luyện - Ảnh: ĐỨC CƯỜNGT
Trợ lý Park Choong Kyun hướng dẫn Tuấn Tài tập luyện

Người có thể theo những tình huống bóng bổng với Harry Souttar không ai khác là Đoàn Văn Hậu (1m86), nhưng cầu thủ này có nguy cơ phải vắng mặt 2 trận đầu tiên của vòng loại cuối, trong đó có cuộc đối đầu với Australia ở lượt trận thứ hai.

Viễn tưởng về những cuộc không chiến với các đối thủ là có thật. Bóng bổng đã trở thành “vũ khí” giúp Australia vượt qua vòng loại thứ hai một cách dễ dàng. Những đội còn lại như Trung Quốc, Oman cũng có thể hình vượt trội so với đội tuyển Việt Nam và bóng bổng đương nhiên là phương án tấn công hữu hiệu của họ.

Như đã nói ở trên, trước những đối thủ cao hơn một cái đầu, chúng ta không thể bật lên tranh bóng liên tục, cũng chẳng thể để mỗi cá nhân rơi vào cảnh “một đấu một”. Đội tuyển  Việt Nam cần có cái nhìn thực tế về sự thua thiệt hình thể để đưa ra giải pháp phù hợp.

Lấy ví dụ, để kèm những cầu thủ như Harry Souttar thì chẳng có phương án nào tốt hơn là ngăn chặn những pha xuống biên. Chúng ta cần hết sức lưu ý đến những khu vực phạm lỗi, hay hạn chế những tình huống đối thủ giành quyền đá phạt góc…

Đội tuyển  Việt Nam dưới “triều đại” huấn luyện viên Park Hang Seo lấy phòng ngự làm bệ phóng cho những thành công. Sự thật, đội bóng của ông Park luôn chơi rất hay khi được xếp ngồi “mâm dưới”. Để chọc thủng lưới đội tuyển Việt Nam là điều không hề dễ chút nào ngay cả với những đội bóng hàng đầu châu lục như Nhật Bản.

Chắc chắn, những phương án phòng ngự chống bóng bổng của đội tuyển Việt Nam cần được cải thiện hơn nữa. Sự cải thiện ấy chỉ có thể đến từ những bài tập để tăng thêm cơ bắp và điều quan trọng hơn cả là huấn luyện viên Park Hang Seo cần tập cho các học trò tư duy chơi phòng ngự, cả cá nhân lẫn tập thể.

Theo Bongdaplus