Kết nối việc làm trực tuyến trong mùa dịch
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 20:40, 15/08/2021
Sinh viên tìm hiểu việc làm tại sàn giao dịch việc làm lưu động ở Trường Cao đẳng Hải Dương
Để bảo đảm an toàn trong mùa dịch, hoạt động giao dịch việc làm trực tuyến thực tế đã được triển khai trong thời gian vừa qua và đang trở thành công cụ hữu hiệu để các Trung tâm Dịch vụ việc làm thích ứng, đạt mục tiêu vừa phòng dịch vừa kết nối hỗ trợ việc làm hiệu quả cho doanh nghiệp và người lao động.
Trên thị trường lao động, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng do nhiều công nhân thuộc diện phải cách ly hoặc phải thực hiện các biện pháp giãn cách của địa phương,... người lao động phải ngừng việc, nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động,... trong số đó nhiều người vẫn đang có nhu cầu tìm việc làm mới. Nỗ lực hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, nhiều Trung tâm Dịch vụ việc làm đã chủ động kết nối việc làm cả trong và ngoài địa phương mình. Mới đây, 11 Trung tâm Dịch vụ việc làm của các địa phương gồm: Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh và Tuyên Quang đã phối hợp tổ chức kết nối phiên giao dịch việc làm trực tuyến. Phiên giao dịch việc làm đã thu hút được 95 doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng lên đến 29.077 lao động, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông tập trung trong các ngành nghề điện tử, may mặc, sản xuất nhựa,…
Tại phiên giao dịch, có tổng số 232 lao động tham gia vào các luồng phỏng vấn với nhà tuyển dụng ở các địa phương khác nhau. Trong phiên lần này, Hải Dương và Thái Nguyên là 2 địa phương có nhiều lao động tham gia phỏng vấn online đi các tỉnh khác. Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên là các địa phương được nhiều lao động lựa chọn phỏng vấn để đến làm việc. Kết quả tại phiên đã có 91 lao động trúng tuyển ngay trong ngày diễn ra phiên giao dịch việc làm, có 73 lao động đựợc hẹn phỏng vấn tại doanh nghiệp.
Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 11 địa phương nêu trên, cũng như các phiên giao dịch việc làm trực tuyến riêng biệt tại từng địa phương là hoạt động góp phần hình thành sự liên thông thị trường giữa các địa phương, giúp người lao động tiếp cận thông tin nhu cầu tuyển dụng rộng hơn, có nhiều cơ hội lựa chọn công việc phù hợp.
KT (tổng hợp)