Khẩn trương hỗ trợ người khó khăn

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 06:07, 17/08/2021

Tuy còn một số vướng mắc nhưng các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai nhằm sớm đưa Nghị quyết 68 vào cuộc sống, giúp người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh bớt khó khăn.

Người lao động không có giao kết hợp đồng, gặp khó khăn do dịch sẽ được hỗ trợ trong đợt này


Với mong muốn người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 sớm được hỗ trợ, các cấp, ngành, địa phương đã và đang chủ động đẩy nhanh tiến độ đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống.

Chủ động triển khai

Thanh Hà là huyện đầu tiên lập danh sách đề nghị hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch theo Nghị quyết 68. UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách huyện đề nghị, với kinh phí 58,2 triệu đồng hỗ trợ đợt 1 cho 21 trường hợp.

Trước đó, ngay khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, huyện đã nhanh chóng thành lập hội đồng thẩm định, giao rõ nhiệm vụ cho từng phòng, ban, đơn vị. Ông Hoàng Văn Đại, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Thanh Hà cho biết ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, phòng đã lập nhóm Zalo chung, trong đó có nhiều chủ doanh nghiệp. Qua đó, cán bộ cập nhật các văn bản, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh và huyện để họ nắm bắt được. Đồng thời giải đáp, hướng dẫn và giới thiệu doanh nghiệp tới các phòng, ban, đơn vị có thẩm quyền để giải quyết nhanh chóng các vấn đề phát sinh. Hiện Thanh Hà đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục để chuyển tiền tới các đối tượng.

Sở Y tế là đơn vị cấp sở đầu tiên sớm đề xuất và đã được UBND tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ 113 trường hợp F0, F1 đang điều trị hoặc cách ly y tế với tổng kinh phí hơn 333 triệu đồng. TP Hải Dương cũng đã rà soát được hơn 7.000 trường hợp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với kinh phí hỗ trợ gần 10,8 tỷ đồng...

Với tinh thần vào cuộc khẩn trương, từ ngày 1.7 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 6 kế hoạch, công văn, tờ trình. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành 18 công văn, tờ trình hướng dẫn, triển khai thực hiện Nghị quyết 68.

Ngày 12.8, Thường trực Tỉnh ủy đã nhất trí hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng, gặp khó khăn do dịch bệnh theo Nghị quyết 68. Theo đó, những người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách; xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động... được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đang khẩn trương xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh để sớm triển khai thực hiện.

Theo rà soát sơ bộ từ ngày 1.5-25.7.2021, toàn tỉnh có 10.313 người đủ điều kiện được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 16,1 tỷ đồng. Nhiều nhất là TP Hải Dương với trên 5.000 người.

Người lao động mong muốn sớm nhận được sự hỗ trợ theo Nghị quyết 68 để giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh

Còn khó khăn

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7.7.2021 của Thủ tướng Chính phủ còn có một số nội dung không quy định cơ quan nào phê duyệt phương án đào tạo như khoản 5 và 6 điều 12 (chương 3), phương án đào tạo có cần phê duyệt hay không?...

Ông Trương Văn Lừng, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hải Dương cho biết đối với quy định hỗ trợ người lao động đang mang thai cũng có vướng mắc. Ví dụ hồ sơ đề nghị có giấy tờ chứng minh người lao động đang mang thai nhưng không quy định rõ giấy tờ này do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp hay do cơ quan nào xác nhận. Hay lao động tự do là người tỉnh ngoài đang ở Hải Dương hoặc người Hải Dương ở tỉnh ngoài cũng chưa được hướng dẫn cụ thể để đề xuất hỗ trợ.

Đại diện một số Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện cho biết đối với các quy định hỗ trợ người lao động làm việc tại các cơ sở “phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch Covid-19” cũng không quy định rõ cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ cấp nào. Hay đối với các cơ sở, do vi phạm các quy định về phòng chống dịch, mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu dừng hoạt động để khắc phục vi phạm thì có được hỗ trợ hay không...

Tất cả những khó khăn trên đã được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo, kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giải quyết.

Nghị quyết 68 nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. So với gói hỗ trợ lần 1 năm 2020, lần này mở rộng cả phạm vi, hình thức và đối tượng hỗ trợ.

12 chính sách theo hỗ trợ Nghị quyết 68 gồm: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng; hỗ trợ bổ sung và trẻ em; hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19; hỗ trợ một lần đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV, hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch; hỗ trợ hộ kinh doanh; cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất;  hỗ trợ lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác.


THẾ ANH