Điều chỉnh tỉ lệ cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với UBND cấp tỉnh
Pháp luật - Ngày đăng : 10:31, 17/08/2021
Trong đó, sửa đổi Khoản 1 Điều 21 tỉ lệ cho vay lại đối với UBND cấp tỉnh. Cụ thể, địa phương có tỉ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên, tỉ lệ cho vay lại là 10% vốn vay ODA, vay ưu đãi (theo quy định cũ, tỉ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA, vay ưu đãi).
Địa phương có tỉ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% đến dưới 70%, tỉ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA, vay ưu đãi (theo quy định cũ, tỉ lệ cho vay lại là 40% vốn vay ODA, vay ưu đãi).
Địa phương có tỉ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương dưới 50%, tỉ lệ cho vay lại là 50% vốn vay ODA, vay ưu đãi.
Địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương (trừ thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh), tỉ lệ cho vay lại là 70% vốn vay ODA, vay ưu đãi.
Thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh: Tỉ lệ cho vay lại là 100% vốn vay ODA, vay ưu đãi.
Đối với một số chương trình, dự án liên quan đến phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu của một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà Chính phủ cần hỗ trợ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 1.4.2021 sẽ do Chính phủ quyết định tỉ lệ cho vay lại nhưng không thấp hơn 10%.
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 16 về bảo đảm tiền vay. Cụ thể, trị giá tài sản bảo đảm tiền vay tối thiểu bằng 120% dư nợ của khoản vay lại trong trường hợp cho vay lại doanh nghiệp và bằng 100% dư nợ của khoản vay lại trong trường hợp cho vay lại đơn vị sự nghiệp công lập. Trong quá trình thực hiện khoản vay lại, trường hợp giá trị của tài sản bảo đảm tiền vay giảm thấp hơn so với mức quy định nêu trên, bên vay lại có trách nhiệm bổ sung tài sản đảm bảo tiền vay nhằm bảo đảm mức tối thiểu.
Nghị định 79/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 1.10.2021.
Theo TTXVN