Bật mí chiến lược điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2021

Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 10:30, 18/08/2021

Theo lãnh đạo các trường đại học, sắp xếp nguyện vọng theo ba bậc: Cao hơn, ngang bằng và thấp hơn điểm thi sẽ giúp thí sinh không bỏ lỡ cơ hội với trường cao, cũng không mất cơ hội đỗ đại học.

Thí sinh xét tuyển vào các trường đại học năm nay đang cần những thông tin thiết thực để điều chỉnh nguyện vọng trong thời điểm này

Điều chỉnh nguyện vọng như thế nào để có cơ hội đỗ cao nhất vào ngành mình yêu thích và phù hợp với điểm số đạt được đang là câu hỏi của rất nhiều thí sinh và phụ huynh, đặc biệt là trong bối cảnh điểm thi tốt nghiệp THPT ở một số môn năm nay cao hơn năm ngoái.

Cách chọn ngành, chọn trường phù hợp

Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay lời khuyên của ông với thí sinh là trước hết, các em phải chọn được ngành yêu thích, phù hợp với đặc điểm tính cách của bản thân.

Phân tích vấn đề sâu hơn vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sỹ chuyên ngành tâm lý học Phạm Mạnh Hà, Khoa Quản lý Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết thí sinh cần phải xem bản thân mình đủ điều kiện về năng lực, tính cách, sức khỏe... để đáp ứng yêu cầu của nghề nào. Nếu thích khám phá, thích đi đây đó, các em có thể đăng ký ngành du lịch, hướng dẫn viên; nếu hay lọ mọ sửa chữa đồ đạc thì phù hợp với ngành kỹ thuật, kỹ sư; nếu là người thích đọc sách, thích yên tĩnh, thích so sánh, đối chiếu sẽ phù hợp với nhóm ngành nghiên cứu…

“Nếu còn băn khoăn về tính cách bản thân, các em có thể tìm hiểu qua các bộ công cụ giúp khám phá ra năng lực, tính cách của mình để sàng lọc công việc phù hợp được đăng tải miễn phí trên internet. Các bộ công cụ này thường được thiết kế dưới hình thức trắc nghiệm nên rất thuận lợi để thí sinh tự kiểm tra nhanh chóng bằng cách trả lời các câu hỏi. Thí sinh có thể truy cập trang web danhgiatamly.edu.vn của Trường Đại học Giáo dục là một địa chỉ uy tín, tin cậy,” phó giáo sư Phạm Mạnh Hà chia sẻ.

Ngành học cũng cần phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động để có cơ hội việc làm tốt hơn. Theo giáo sư Nguyễn Đình Đức, các ngành thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, nhóm ngành kỹ thuật là những ngành có nhu cầu nhân lực lớn.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 237 trường đại học. Vì thế, một ngành có thể được đào tạo ở rất nhiều trường. Mỗi trường lại có đặc thù riêng, điểm chuẩn đầu vào khác nhau, nhiều khi chênh lệch rất lớn giữ những trường tốp đầu, tốp giữa và tốp dưới. Vì thế, theo các chuyên gia, sau khi chọn ngành, thí sinh cần tìm hiểu và liệt kê danh sách các trường có đào tạo ngành này.

Chiến lược xếp nguyện vọng thác nước

Theo giáo sư Nguyễn Đình Đức, sau khi có danh sách các trường đào tạo ngành học, thí sinh có thể vào trang web của từng trường để biết thông tin về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, truyền thống đào tạo, uy tín thương hiệu, điểm chuẩn, vị trí địa lý, học phí…. Từ dữ liệu này, thí sinh xếp danh sách các trường theo thứ tự ưu tiên về sự yêu thích, thương hiệu, điểm chuẩn, sự phù hợp về học phí, vị trí địa lý…

Với nhiều năm kinh nghiệm làm công tác tuyển sinh, phó giáo sư Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho hay thí sinh có lợi thế rất lớn khi các em được đăng ký xét tuyển không giới hạn số lượng nguyện vọng. Các nguyện vọng lại cạnh tranh hoàn toàn bằng điểm, không yêu cầu nguyện vọng sau phải cao hơn điểm nguyện vọng trước.

“Vì thế, thí sinh nên chia các nguyện vọng của mình thành ba nhóm: Nhóm có điểm chuẩn cao hơn điểm thi mình đạt được, ngang bằng thi và nhóm thấp hơn so với điểm thi, sắp xếp các nguyện vọng theo dạng thác nước từ cao xuống thấp. Thí sinh nên mạnh dạn đăng ký nguyện vọng 1, 2 ở ngành, trường có điểm chuẩn cao hơn so với điểm thi mình đạt được để nếu may mắn có thể trúng tuyển. Các em cũng nên dành một số nguyện vọng cho nhóm trường có điểm chuẩn thấp hơn điểm thi để chắc chắn khả năng đỗ, tránh điểm cao mà vẫn trượt,” Phó hiệu trưởng Đại học Ngoại thương chia sẻ.

Đây cũng là lời khuyên của phó giáo sư Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải. “Sắp xếp nguyện vọng theo ba bậc: cao hơn, ngang bằng và thấp hơn điểm thi sẽ giúp thí sinh không bỏ lỡ cơ hội với trường cao, cũng không mất cơ hội đỗ đại học,” thầy Chương nói.

Chia sẻ về cách căn điểm chuẩn năm nay, thầy Chương khuyên thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn trong hai năm gần đây của các ngành, trường dự kiến xét tuyển. “Năm nay, điểm thi một số môn cao hơn năm ngoái nên điểm chuẩn có thể tăng. Thí sinh có thể cộng thêm 0,5 đến 1 điểm vào điểm chuẩn năm 2020 để có thể ước lượng điểm chuẩn năm nay, từ đó đối sánh với điểm thi để có sự sắp xếp thứ tự nguyện vọng phù hợp,” phó giáo sư Nguyễn Thanh Chương chia sẻ.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 29/8 đến 5/9, thí sinh sẽ thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học theo phương thức trực tuyến.

Theo Vietnam+