Đưa phòng cháy chữa cháy vào dạy chính khóa từ bậc mầm non đến đại học?
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 12:21, 19/08/2021
Theo dự thảo thông tư, nếu được thông qua, việc dạy các kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ sẽ được áp dụng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm và các cơ sở có đào tạo giáo viên, các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Hơn 4.000 vụ cháy mỗi năm, nhưng kỹ năng ứng biến trước sự cố còn hạn chế
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Công an) cho biết, theo số liệu thống kê, hằng năm cả nước tính trung bình có khoảng hơn 4.000 vụ cháy nổ, khiến hơn 100 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương mỗi năm. Thời gian gần đây, ý thức và kỹ năng về phòng chống cháy nổ của người dân đã được nâng lên đáng kể, tuy nhiên vẫn có rất nhiều vụ cháy ở các khu dân cư, cơ sở sản xuất, mà nguyên nhân chính do kỹ năng của người dân còn nhiều hạn chế, khi xảy ra cháy nổ còn lúng túng, chưa biết cách xử lý dẫn đến cháy lan, cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng cả về người và tài sản.
Từ thực tế này, với mục tiêu làm sao để mọi người dân ở các độ tuổi khác nhau đều có kỹ năng về phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, các cơ sở giáo dục đã có sự chủ động phối hợp với lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy để bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn mang tính tự phát, chưa được nhân rộng, thiếu tính đồng nhất giữa các trường, các cấp học và các địa phương.
Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, thực tế hiện nay các nội dung về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ đã được lồng ghép vào các môn học cụ thể trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành như môn đạo đức, giáo dục công dân, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, giáo dục quốc phòng an ninh… Tương tự, trong chương trình giáo dục mầm non cũng đã lồng ghép nội dung về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn.
“Tuy nhiên có thể thấy kiến thức về phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn trong chương trình giáo dục phổ thông kể cả kiện hành và cả Chương trình GDPT mới có rất ít và đa phần vẫn là kiến thức về pháp luật, ít những kỹ năng giải quyết vấn đề trong thực tế. Trong tổng số 12 năm học phổ thông, kiến thức về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ chưa đến 15 tiết học. Trong 15 tiết học này lại phân bổ rải rác vào các năm học khác nhau, dẫn đến sự rời rạc kiến thức, học sinh rất khó hình thành các kỹ năng khi có sự cố xảy ra”, ông Linh cho biết.
Theo ông Bùi Văn Linh, thời gian qua, công tác giáo dục về các kỹ năng này cho học sinh chưa đạt được hiệu quả như mong đợi nguyên nhân do các cơ sở chưa tổ chức thường xuyên, liên tục, chưa có tài liệu riêng cho từng bậc học. Đội ngũ cán bộ, giáo viên tại các cơ sở còn hạn chế về chuyên môn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, học sinh chưa được thực hành các tình huống cụ thể, trang thiết bị phục vụ còn thiếu về số lượng, chủng loại…
Áp dụng dạy kỹ năng phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn từ bậc mầm non
Ông Bùi Văn Linh cho biết, khi ban hành thông tư mới, sẽ có quy định cụ thể, thống nhất trong các cơ sở giáo dục cả nước về nội dung kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, đảm bảo thống thống nhất giữa các cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân và không làm thay đổi quy định khung về chương trình giáo dục chính khóa của các cấp học, trình độ đào tạo. Các nội dung này cũng sẽ được kiểm tra đánh giá.
Cụ thể, với bậc mầm non, kiến thức này sẽ được lồng ghép thông qua các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, sử dụng phương pháp giáo dục trực quan, minh họa thông qua hoạt động giáo dục phát triển thể chất.
Đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, lồng ghép trong nội dung các bài học của môn học trong chương trình giáo dục chính khóa, thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp, hoạt động giáo dục kỹ năng sống và trong các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hè. Đối với giáo dục đại học, lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa, phối hợp với các đơn vị có chức năng trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tổ chức hoạt động đào tạo, thực hành, diễn tập phù hợp với nội dung chương trình đào tạo của các nhà trường.
Bên cạnh chương trình chính khóa, học sinh sẽ được học các kiến thức, kỹ năng bổ trợ trong các hoạt động ngoài giờ, được thực hành, diễn tập hình thành các kỹ năng ứng phó với các tình huống nguy hiểm.
Về kỹ năng cần đạt, ông Bùi Văn Linh cho biết, những kiến thức kỹ năng cần đạt được xây dựng dựa trên năng lực nhận thức và năng lực hành vi của mỗi đối tượng. Với trẻ mầm non là biết nhận biết được nguồn lửa, biết cách phòng tránh nguồn lửa, có hành động phù hợp khi nghe các tín hiệu báo động cháy...
Đối với học sinh tiểu học, ngoài kỹ năng nhận biết, còn có kỹ năng báo động khi xảy ra cháy, biết kỹ năng thoát nạn, sử dụng thiết bị bảo vệ cơ thể khi xảy ra cháy, nổ. Sử dụng và thực hành dập tắt đám cháy với thiết bị chữa cháy mô hình, thực hành kỹ năng thoát nạn trong môi trường khói, khí độc, biết cách phòng tránh, sơ cấp cứu các tai nạn, sự cố thường gặp.
Đối với học sinh THCS là nhận biết được nguyên nhân và các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và phòng ngừa sự cố, tai nạn thông thường, biết các kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy, nổ...
Đối với học sinh THPT, ngoài những kỹ năng trên còn biết một số kỹ năng cơ bản để tìm kiếm nạn nhân, cứu người bị nạn, sơ cấp cứu người bị nạn khi xảy ra cháy, nổ và các sự cố, tai nạn, biết sử dụng bình chữa cháy xách tay và thiết bị chữa cháy thông thường, sử dụng được một số phương tiện chữa cháy ban đầu với các nguồn cháy khác nhau.
Đối với sinh viên, sử dụng được các phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cơ bản và các thiết bị có tại gia đình, nhà trường và các khu vực công cộng.
Trường hợp sinh viên có nhu cầu được cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện theo quy định.
Theo VOV