Xúc tiến thương mại trực tuyến: Bài cuối: "Chìa khóa vàng" để vượt bão
Kinh tế - Ngày đăng : 13:06, 19/08/2021
>>> Bài 1: Mở "luồng xanh" đưa hàng Việt Nam ra thế giới
>>> Bài 2: Cánh tay phải của người khổng lồ
>>> Bài 3: Đòn bẩy cho doanh nghiệp kết nối, xây dựng thương hiệu
Khởi động “Chương trình đưa vải thiều Thanh Hà và nông sản Hải Dương lên sàn thương mại điện tử” thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia
Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhằm chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và những chiến lược cụ thể giúp doanh nghiệp xuất khẩu hiệu quả qua hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến.
Thời gian qua, dịch Covid-19 đã bùng phát ở nhiều nơi khiến hoạt động xúc tiến thương mại bị ảnh hưởng. Xin ông chia sẻ những thuận lợi khó khăn trong bối cảnh vừa phòng chống dịch, vừa phải đảm bảo hoạt động xúc tiến thương mại không bị ngưng trệ?
Hai năm trở lại đây, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh trên toàn thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế khiến hoạt động xúc tiến thương mại thực sự gặp nhiều khó khăn.
Phần lớn hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống vốn đòi hỏi sự giao lưu trực tiếp giữa nhà cung ứng, nhà phân phối, người mua hàng, nhà xuất khẩu, nhập khẩu không thể thực hiện được.
Việc lên kế hoạch cho hoạt động xúc tiến thương mại cũng khó triển khai do diễn biến của dịch bệnh không thể lường trước. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đã được các đơn vị tổ chức cũng như doanh nghiệp tham gia chuẩn bị rất công phu nhưng phải hủy đột xuất do các làn sóng Covid-19 đã gây không ít thiệt hai về tài chính, nhân lực...
Tuy nhiên, trong sự khó khăn đó, với nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sự kết nối với đối tác, phát triển thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, Bộ Công thương vẫn nỗ lực tìm giải pháp và nhanh chóng chuyển đổi cách thức xúc tiến thương mại mà cơ bản là ứng dụng công nghệ thông tin.
Trong quá trình triển khai, hệ thống xúc tiến thương mại cả nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp tích cực tham gia và bắt tay vừa tìm hiểu vừa thực hiện.
Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số này đã được các đối tác xúc tiến thương mại cũng như các khách hàng quốc tế đón nhận, sẵn sàng phối hợp.
Việc triển khai hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số cũng gặp thuận lợi khi thu hút được sự tham gia, ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, các địa phương, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị hỗ trợ các dịch vụ xúc tiến thương mại, dịch vụ xuất khẩu... tạo thành hệ sinh thái xúc tiến thương mại tương đối hoàn chỉnh.
Có thể nói, Việt Nam là một trong vài nước đầu tiên trên thế giới đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số, giao thương trực tuyến và đã triển khai thành công mô hình này. Từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục đáng kể những khó khăn về thị trường do hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống không thể triển khai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Xin ông cho biết hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến đã mang lại hiệu quả như thế nào?
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp đã giúp doanh nghiệp Việt Nam vừa tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế vừa bảo đảm phòng chống dịch. Qua đó góp phần bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đóng góp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu cả nước nói chung và tăng trưởng của ngành công thương nói riêng.
Ngay từ khi dịch Covid-19 xảy ra, Bộ Công thương đã nhanh chóng sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để kết nối thường xuyên liên tục giữa doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, hiệp hội ngành hàng, các tổ chức xúc tiến thương mại, thương vụ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nhà nhập khẩu và đối tác nước ngoài.
Thông qua kết nối thông tin thường xuyên liên tục, hàng trăm ngàn dữ liệu về hàng hóa xuất nhập khẩu từ doanh nghiệp đã được cung cấp cho các đối tác nước ngoài.
Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các quốc gia đóng cửa phòng dịch khiến hàng loạt các hoạt động giao thương trực tiếp truyền thống không thực hiện được.
Cục Xúc tiến thương mại là đơn vị tiên phong tại Việt Nam nhanh chóng sáng tạo, ứng dụng các mô hình xúc tiến thương mại trực tuyến và hybrid (trực tiếp kết hợp trực tuyến) tại Việt Nam nhằm chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, đưa các mô hình này lan tỏa tới nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước.
Hàng trăm chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến như các hội nghị giao thương, hội chợ triển lãm trực tuyến, ứng dụng công nghệ livestream quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số… đã đạt được kết quả nhất định.
Điều này đã khẳng định giải pháp đổi mới hoàn toàn phù hợp với bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thay thế cho nhiều hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống bị dừng đột ngột, đồng thời bắt nhịp nhanh nhạy với chuyển đổi số trong nền kinh tế.
Theo ông, doanh nghiệp trong nước cần làm gì để thâm nhập sâu hơn tới các thị trường truyền thống, khai thác thị trường mới thông qua xúc tiến thương mại trực tuyến?
Xúc tiến thương mại trực tuyến và cả mô hình hybrid đang là giải pháp tối ưu để doanh nghiệp tiếp cận thị trường và là “chìa khóa vàng” để vượt “bão” Covid-19. Hoạt động này sẽ là một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái xúc tiến thương mại ứng dụng công nghệ mới, hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp.
Theo quan sát, các doanh nghiệp khi áp dụng chuyển đổi số sẽ dần hiểu được khái niệm và nắm bắt, tiến đến quen với việc khai thác các công năng nền tảng số trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Thế nhưng, muốn tận dụng lợi thế của xúc tiến xuất khẩu trực tuyến, doanh nghiệp cần thường xuyên tìm hiểu, cập nhật xu hướng xúc tiến thương mại trực tuyến.
Cùng với đó, doanh nghiệp phải xác định nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu để tiến tới có chiến lược, lộ trình cụ thể cho hoạt động chuyển đổi số của mình.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khá lúng túng khi chưa biết bắt đầu từ đâu, hay còn tâm lý “ngại thay đổi” vì chưa thực sự hiểu rõ về bản chất của hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến xuất khẩu thành công.
Vì vậy, doanh nghiệp phải cải thiện tốc độ, năng lực giao tiếp. Điều này có thể hiểu là tổng hợp các yếu tố gồm thành thạo ngoại ngữ, khả năng trao đổi trực tiếp, rõ ràng, hiệu quả trong thời gian ngắn để tạo ấn tượng, “ghi điểm” với khách hàng về sự chuyên nghiệp, tin cậy trong kinh doanh.
Mặt khác, doanh nghiệp cần nâng cao kỹ năng tìm kiếm, phân tích thông tin và nghiên cứu thị trường trên môi trường mạng, từ đó, nâng cao năng lực nhận biết và quản trị rủi ro trong thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, xúc tiến xuất khẩu trực tuyến ngoài việc mang lại nhiều lợi thế về thời gian, chi phí và tương tác thì cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro về xác thực thông tin mà những doanh nghiệp ít kinh nghiệm có thể chưa nhận biết được.
Do đó, ngoài việc làm chủ các kỹ năng xúc tiến thương mại trực tuyến, doanh nghiệp cần linh hoạt vận dụng và phối kết hợp các hình thức trực tiếp và trực tuyến để luôn có được góc nhìn đa chiều về khách hàng, thị trường và tăng năng lực chủ động ứng phó với các tình huống trong kinh doanh.
Thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ thực hiện hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến và hybrid cũng như vận động doanh nghiệp trên cả nước trải nghiệm chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại và hưởng lợi từ những lợi ích thiết thực của mô hình này.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo TTXVN