Thói quen không tốt khiến trẻ dễ mắc bệnh tai mũi họng
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 17:32, 19/08/2021
Các thói quen khiến trẻ dễ mắc bệnh tai mũi họng có thể đến như sau:
Cắn móng tay, mút ngón tay
Tay và móng tay chứa rất nhiều virus, vi khuẩn. Cắn - mút ngón tay sẽ khiến trẻ mắc bệnh tai mũi họng như: Viêm amydal cấp, viêm loét họng do virus… Ngoài ra, trẻ có thể mắc các bệnh về răng miệng, tiêu hóa, bệnh truyền nhiễm…
- Đối với trẻ nhỏ hay mút tay, bố mẹ cần thường xuyên vệ sinh tay trẻ sạch sẽ, có thể cho trẻ dùng núm vú để thay thế.
- Đối với trẻ lớn nên dặn dò trẻ không cắn móng tay, mút tay. Vệ sinh, cắt móng tay trẻ sạch sẽ.
Ăn uống đồ lạnh
Vào mùa hè nắng nóng, nếu trẻ thường xuyên ăn kem, uống nước đá lạnh… có thể khiến cho nhiệt độ ở họng giảm thấp, gây hiện tượng co các mạch máu trong họng, làm giảm các hoạt động của các tuyến tiết dịch.
Dẫn đến tình trạng họng khô, rát, đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus có sẵn trong họng phát triển.
Nhất là những trẻ có cơ địa dị ứng, họng sẽ rất dễ bị viêm do không thích ứng được với sự chệnh lệch nhiệt độ.
Bố mẹ cần làm gì?
- Hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn, thức uống quá lạnh.
- Hướng dẫn trẻ khi ăn, uống đồ lạnh nên ngậm trong miệng 5 giây rồi mới nuốt để làm giảm bớt độ lạnh khi đi qua họng.
- Sau khi ăn, uống đồ lạnh nên uống 1 cốc nước ấm để cân bằng nhiệt độ ở họng và cơ thể.
Hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn, thức uống quá lạnh
Ngoáy tai
Thường gặp ở các trẻ lớn hoặc bố mẹ ngoáy tai cho trẻ.
Ngoáy tai là hành động tuyệt đối không nên ở cả trẻ em và người lớn. Ngoáy tai sẽ đưa vi khuẩn, nấm vào trong tai, đồng thời gây xước xát da ống tai tạo điều kiện cho vi trùng phát triển.
Do đó, ngoáy tai là nguyên nhân chính gây các bệnh lý ở tai ngoài: Viêm, nấm ống tai, nhọt ống tai…
Để phòng tránh các bệnh lý tai ngoài bố mẹ nên:
- Làm gương cho con, tuyệt đối không ngoáy tai, dặn dò trẻ không được ngoáy tai.
- Chỉ vệ sinh ở bên ngoài vành tai.
- Đưa trẻ đi khám nếu trẻ ngứa, đau, khó chịu trong tai.
Theo Sức khỏe và Đời sống