Chí Linh phát triển các vùng chuyên canh tập trung

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:00, 21/08/2021

Với hơn 6.700 ha cây ăn quả, Chí Linh đang triển khai nhiều biện pháp để quy hoạch, phát triển các vùng chuyên canh tập trung, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.


Vùng chuyên canh nhãn Hoàng Tiến đã được cấp 4 vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu

Khởi động lại

Trong số hơn 6.700 ha cây ăn quả ở Chí Linh có 733 ha nhãn, 839 ha na, 176 ha thanh long... Riêng cây vải chỉ còn khoảng 2.500 ha, giảm gần 40% so với năm 2019. Không ít diện tích vải thiều đã được chuyển sang trồng những loại cây ăn quả khác. Những nơi sườn đồi dốc thì nông dân chuyển sang trồng cây keo, bạch đàn.

Việc sản xuất tự phát, làm theo phong trào trước đây khiến nhiều loại nông sản rơi vào tình trạng bấp bênh, được mùa, mất giá, khó tiêu thụ. Vì thế trong các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp thời gian qua ở Chí Linh, nhiều cử tri kiến nghị thành phố cần quy hoạch lại các vùng chuyên canh tập trung, hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, đổi mới phương thức sản xuất, xác định cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu.
Trước tình hình đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXIII, Đề án "Nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản đặc trưng Chí Linh giai đoạn 2021-2025" đã được triển khai. 

Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Chí Linh khẳng định: "Đề án trên nhằm khởi động lại hướng phát triển vùng chuyên canh tập trung hiệu quả, phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Mục tiêu là góp phần mở rộng tiêu thụ nông sản, đặc biệt hướng tới sản phẩm xuất khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội".

Thực tế cho thấy, các vùng chuyên canh tập trung đã tạo thuận lợi trong áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm hàng hóa có khối lượng lớn, giá trị kinh tế cao. Nhiều vùng chuyên canh tập trung cũng đang góp phần nâng cao trình độ sản xuất, tạo sức lan tỏa lớn trong thay đổi tư duy sản xuất của nông dân.


Phường Đồng Lạc xác định vùng chuyên canh cây chuối ở bãi Ngàn, bãi Giữa

Điều chỉnh quy hoạch

Thực hiện đề án, lãnh đạo TP Chí Linh tập trung kiểm tra, rà soát việc điều chỉnh các quy hoạch phân khu của từng xã, phường theo định hướng đề án phát triển thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc này cũng nhằm đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội toàn thành phố, đồng thời là cơ sở để phát triển hợp lý các vùng chuyên canh tập trung.

Ông Nguyễn Văn Đương, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường Hoàng Tiến cho biết sau khi quy hoạch phân khu mới được duyệt, phường xác định lại các vùng chuyên canh tập trung phù hợp với yêu cầu phát triển mới, nhất là đáp ứng việc thu hút các dự án lớn. Theo đó, hơn 1.000 ha của các phường Hoàng Tiến, Bến Tắm sẽ được trồng cây dược liệu dưới tán rừng; khoảng 70 ha quanh hồ Láng Chẽ được Tập đoàn TH đầu tư dự án đa chức năng với trung tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vườn ươm cây giống cùng các hạng mục công trình dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, thương mại... Hơn 200 ha na, nhãn được trồng tập trung theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Bên cạnh đó, phường Hoàng Tiến duy trì 50 ha trồng hoa.


Vùng nuôi gà đồi tập trung ở các xã Lê Lợi, Bắc An, Hoàng Hoa Thám, các phường Bến Tắm, Cộng Hòa...

Xã Nhân Huệ cũng quy hoạch 150 ha chuyên canh cà chua, cà rốt, dưa, trong đó 50 ha được trồng theo quy trình VietGAP, 80 ha rau củ được trồng để xuất khẩu. Phường Đồng Lạc quy hoạch 200 ha chuyên canh cà rốt, gần 100 ha chuối ở bãi Ngàn, bãi Giữa, cồn Vĩnh Trụ...

TP Chí Linh quy hoạch lại, duy trì từ 2.300-2.500 ha cây vải và phát triển vùng nhãn rộng khoảng 1.000 ha, tập trung ở các xã Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám, các phường Bến Tắm, Hoàng Tiến... Bên cạnh gần 50 ha với 6 vùng vải thiều đã được cấp mã đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ, EU và Úc, thành phố sẽ xây dựng thêm các vùng chuyên canh theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Thành phố vừa có thêm 12 vùng nhãn được cấp mã đủ điều kiện xuất khẩu, nâng tổng số vùng được cấp mã lên toàn thành phố là 16 vùng, trong đó có 8 vùng đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ, Úc, New Zealand, EU với diện tích hơn 53 ha và 8 vùng đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc với 144 ha.

Những nông sản của Chí Linh như nhãn, na, thanh long, gà đồi, gạo nếp cái hoa vàng...  đã có mặt trong nhiều siêu thị, cửa hàng nông sản hữu cơ và trên một số sàn thương mại điện tử. Thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, liên hệ các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản để kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. 

THÀNH LONG

Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa thu mua 12,5 tấn nhãn xuất khẩu

Sáng 19.8, Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa tổ chức thu mua nhãn của nông dân ở vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại xã Hoàng Hoa Thám (TP Chí Linh).

Đợt này, công ty sẽ thu mua 12,5 tấn nhãn tươi để xuất sang thị trường các nước thuộc khối EU, Anh và Úc.

Năm nay, doanh nghiệp dự kiến thu mua từ 30 - 40 tấn nhãn để chế biến thành các sản phẩm như nhãn ngâm đường, long nhãn xuất khẩu. Hiện công ty này đang cung ứng nhiều mặt hàng nông sản cho hơn 300 siêu thị ở các nước EU.

TP Chí Linh có 740 ha nhãn, tổng sản lượng ước đạt 4.000 tấn. Hơn 40 ha nhãn được trồng theo tiêu chuẩn quốc tế với sản lượng 250 tấn. Hiện mới có khoảng 15 tấn nhãn được thu mua và xuất khẩu.

TRẦN HIỀN