Không chấm điểm một số môn ở trung học: Giáo viên nói gì?
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 17:15, 21/08/2021
Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) trong một giờ học theo nhóm
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành thông tư quy định mới việc đánh giá học sinh trung học sẽ thực hiện ngay với lớp 6 trong năm học 2021 - 2022. Theo đó, một số môn không chấm điểm mà giáo viên phụ trách chỉ phê "đạt", "không đạt".
Các nhà quản lý giáo dục, giáo viên bày tỏ sự ủng hộ, nhưng cũng băn khoăn về quy định mới đánh giá học sinh trung học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
* Thầy Nguyễn Tùng Lâm - chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, chủ tịch hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội):
Cần rõ hơn tiêu chí đánh giá hạnh kiểm
Khi tham gia phản biện dự thảo quy định đánh giá học sinh mới, tôi đã rất lưu tâm đến việc bỏ cách xếp loại hạnh kiểm trước đây, trong đó có mức yếu, kém. Trong khi các tiêu chí để xếp loại cũng không sát với yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất học sinh.
Ở quy định mới không có "xếp loại hạnh kiểm" mà chỉ có điểm rèn luyện, tôi ủng hộ thay đổi này. Tuy nhiên cần rõ hơn các tiêu chí để đánh giá. Ở nhiều nước khác, học sinh phổ thông bắt buộc phải tham gia một số hoạt động mang tính cộng đồng.
Và trong đánh giá rèn luyện của học sinh có mục ghi nhận việc này. Điều đó rất nên vì không chỉ khích lệ học sinh học giỏi mà cần khích lệ học sinh có ý thức cộng đồng, biết chia sẻ, cống hiến nữa.
Không phải không có lý do khi nhiều trường đại học nước ngoài khi xét học bổng cho người muốn xin học bổng du học rất quan tâm tới việc ứng viên tham gia các hoạt động cộng đồng, hoạt động từ thiện, hay truyền cảm hứng cho mọi người… Bởi đó là một trong những minh chứng cho năng lực.
Là người coi trọng giáo dục đạo đức học sinh ở bậc phổ thông nên tôi ủng hộ cách đánh giá tăng nhận xét, khích lệ sự tiến bộ của học sinh. Đặc biệt cho học sinh những cơ hội để được "làm lại".
Trong quy định mới có phần học sinh có thể có cơ hội rèn luyện trong hè, kiểm tra lại các nội dung một số môn học chưa đạt trong hè để có thể xem xét lên lớp nếu trong năm học, học sinh chưa đạt điểm rèn luyện và học tập. Đây là nội dung tốt. Vì trong năm học có thể học sinh bị ốm, tâm lý không ổn do các tác động tiêu cực, do hoàn cảnh gia đình có vấn đề khiến cho các bài kiểm tra trong một thời điểm nhất định không tốt.
Nếu có cơ hội để làm lại, các em có thể có kết quả khác. Và như thế việc đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh mới chính xác.
Tôi có xem phần phụ lục của thông tư đánh giá học sinh mới, phần để giáo viên ghi nhận xét ít quá. Nêu công bố mẫu cho các nhà trường tham khảo thì cần để ô đó rộng hơn. Điều ấy cũng để giáo viên hiểu và quen với việc "đánh giá nhận xét".
Việc quá coi trọng điểm số trong đánh giá là tâm lý chung của giáo viên, phụ huynh và điều đó nên dần thay đổi.
* Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội):
Đổi mới có kế thừa
Thực ra những điểm mới trong đánh giá như tăng nhận xét, đa dạng hóa các phương pháp đánh giá, phù hợp với phương pháp dạy học tích cực… là những nội dung đã quy định trong thông tư 26 ban hành trước đó.
Về kiểm tra định kỳ với yêu cầu xây dựng đề theo ma trận là khó khăn của nhiều trường phổ thông nhưng từ kinh nghiệm thực tế, tôi thấy khi kiểm tra định kỳ đúng với đặc tả ma trận được Bộ GD-ĐT quy định thì đánh giá chất lượng sát hơn. Cũng một đề kiểm tra 1 tiết hoặc 2 tiết (45 phút, 90 phút) nhưng không theo ma trận sẽ khó đánh giá được năng lực học sinh.
Nhưng hiện nay đa số trường phổ thông không có sự chuẩn bị cho ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa. Việc xác định nội dung đánh giá tương ứng với các mức độ giao cho tổ bộ môn, cho giáo viên xây dựng dựa trên chương trình, tiến bộ dạy học chứ không từ ngân hàng câu hỏi sẵn có. Bộ cần có hướng dẫn để các nhà trường có năng lực xây dựng đề kiểm tra theo ma trận.
Cô Ngô Thị Thành, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội):
Giáo viên sẽ thêm việc
Tôi đồng ý với thông tư quy định một số môn đánh giá bằng nhận xét vì đây là những môn học thiên về năng khiếu và kỹ năng, do đó đánh giá bằng nhận xét là phù hợp.
Nhưng đối với việc kết hợp đánh giá bằng nhận xét và bằng điểm số - nếu là quy định bắt buộc và phải thể hiện trong hồ sơ sổ sách chắc chắn sẽ thêm việc cho giáo viên.
Bản thân mỗi giáo viên khi đánh giá kết quả học tập thường xuyên cho học sinh cũng đã có nhận xét nếu cần, do đó không nhất thiết phải đưa việc nhận xét chi tiết vào đánh giá kết quả cuối cùng của mỗi môn học. Những môn có thể định lượng được thì nên đánh giá bằng điểm số.
Việc đánh giá bằng nhận xét/hay điểm số chỉ là một cách thức thực hiện - một thang đo đối với học sinh. Do đó, nói rằng việc đánh giá bằng nhận xét làm giảm động lực của thầy cô (học sinh) thì không hợp lý. Vì nó có trở thành động lực hay không lệ thuộc vào cách làm cụ thể của giáo viên tác động tích cực hay chưa tích cực đến học sinh.
Theo Tuổi trẻ