Chống Covid-19: Chính phủ có cơ sở pháp lý để quyết nhanh, quyết mạnh
Tin tức - Ngày đăng : 06:31, 22/08/2021
Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết 268 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Chính phủ được thực hiện 4 nội dung khác quy định của pháp luật hiện hành. Có thể nói, việc ban hành Nghị quyết này là hết sức cần thiết và cấp bách trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Một là, quyết định thành lập, cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19. Thời hạn hiệu lực của nội dung này chỉ kéo dài đết hết ngày 31.12.2022 và chỉ áp dụng trong trường hợp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, tùy theo điều kiện thực tiễn và kịch bản ứng phó dịch bệnh của mỗi địa phương.
Nội dung này khác với Điều 42 của Luật khám bệnh, chữa bệnh, điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm Quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và giấy phép hoạt động do Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp.
Hai là, giao Bộ Y tế được quy định các thủ tục hành chính trong thông tư theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch.
Nội dung này khác với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo quy định tại khoản 4 Điều 14 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì việc quy định thủ tục hành chính trong thông tư nằm trong nhóm những hành vi bị nghiêm cấm, trừ trường hợp được luật nghị quyết của Quốc hội giao. Tại Khoản 3 của Điều 47 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định việc áp dụng thủ tục rút gọn trong xây dựng Thông tư do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Ba là giao Thường trực HĐND quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất. Nội dung này khác với quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 629 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bốn là, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện theo hướng ngân sách nhà nước có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh liên quan trực tiếp đến điều trị COVID-19. Đối với bệnh nhân mắc COVID-19 có các bệnh khác thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh nhân này phải thực hiện theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật bảo hiểm y tế và các quy định có liên quan khác.
Nội dung này khác với quy định tại khoản 2 Điều 48 và Khoản 2 Điều 60 của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí; ngân sách phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm không được sử dụng vào mục đích khác.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Nghị quyết 268 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ thực hiện 4 nội dung khác quy định của pháp luật hiện hành, tạo cơ sở pháp lý chắc chắn cho Chính phủ trong việc áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Trước đó tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết chung của kỳ họp cho phép Chính phủ được áp dụng các biện pháp cấp bách, đặc thù khác với quy định của luật hoặc chưa được luật quy định để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cho rằng việc ban hành Nghị quyết 268 đã kịp thời cụ thể hóa một bước các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết của Quốc hội về phòng, chống dịch: "Điều này đã thể hiện sự đồng hành, sự thấu hiểu và chia sẻ của Quốc hội với Chính phủ, với người dân cả nước. Tôi đánh giá rất cao sự điều hành chủ động, linh hoạt của Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội. Đây là quyết định phù hợp với tình hình diễn biến thực tế của dịch bệnh."
Theo đại biểu Trịnh Xuân Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, hệ thống pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, một số luật và pháp lệnh do đã ban hành từ lâu nên không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 268 đã kịp thời tháo gỡ vướng mắc về cơ chế pháp luật nhằm giúp Chính phủ ứng phó hiệu quả với các diễn biến của tình hình dịch bệnh.
"Phòng, chống dịch bệnh cần phải có quyết định linh hoạt, kịp thời, quyết liệt và thể hiện trách nhiệm trước nhân dân. Đây là quyết sách hết sức là hợp lý, về cả mặt chính trị và mặt pháp lý. Quyết định này được nhân dân và các đại biểu Quốc hội đánh giá rất cao. Tất cả đã thể hiện sự linh hoạt, nhanh nhạy, trách nhiệm, sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Tất cả vì lợi ích của người dân, vì sự an toàn và phát triển của đất nước." - đại biểu Trịnh Xuân Lan chia sẻ.
Bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cho rằng, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định giao Thường trực HĐND quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND, báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất trong phòng, chống dịch đảm bảo phù hợp với bối cảnh thực tế. Khi rất nhiều địa phương phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt như hạn chế tập trung đông người hay thực hiện giãn cách xã hội,…
"Chúng tôi cũng sẽ căn cứ vào đó để xây dựng những chương trình hiệu quả hơn cho địa phương, nhằm tạo ra những cơ chế thông thoáng, làm sao có thể phòng, chống dịch tốt hơn, hiệu quả hơn và giảm thiểu thủ tục hành chính mà vẫn không vi phạm những quy định của pháp luật"- Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết.
Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần tăng cường sự lãnh đạo, kiểm tra chặt chẽ của cấp ủy các địa phương trong quá trình thực hiện Nghị quyết 268, tránh việc lạm dụng quy định này để quyết định các nội dung không thực sự cấp bách, không trực tiếp liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo VOV