Vu Lan nhớ cha

Truyện ngắn - Ngày đăng : 09:22, 22/08/2021

Hôm nay là ngày giỗ của ông Thảo. Ông đã đi xa mười năm. Giờ các cháu của ông đều đã lớn, đi xa không về được...


Chiều muộn. Sẩm tối mùa thu năm 1997. Ngồi trên chiếc xe đạp nữ màu xanh dương, Hồng hối hả đạp xe vượt chặng đường dài gần 20 cây số từ trường về nhà. Chiếc xe đạp này là món quà, cũng là phần thưởng, được mẹ Hồng chắt chiu, dành dụm từ việc bán mấy tạ thóc, mua cho Hồng cách đây đã hơn hai năm, lúc cô mới tốt nghiệp Đại học Sư phạm về dạy học ở một ngôi trường vùng nông thôn xa xôi, cách nhà gần 40 cây số. 

Dạy được mấy năm, công việc ổn định, Hồng lấy chồng. Chồng của cô là Hiếu, bộ đội đóng quân ở tận Tây Nguyên xa xôi. Cưới được một tuần, Hiếu trở lại đơn vị. Hồng ở nhà cùng bố chồng - ông cụ Thảo. Ông đã gần 80 tuổi, là cán bộ lão thành cách mạng đang nghỉ hưu.

Ông Thảo tính nết hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ, thông thạo chữ Nho. Tuy đã già yếu, mắt mờ, chân chậm nhưng ông rất chịu khó. Hằng ngày, ông ngồi trên chiếc ghế đã cũ, kê ở giữa nhà, dịch chữ Nho sang chữ quốc ngữ. Lúc dịch giúp người này tấm bia, lúc dịch giúp người kia câu đối… Ông chỉ làm phúc chứ không lấy tiền công của ai. Ông sống đạm bạc với đồng lương hưu. Khi đã dịch xong những bản chữ Nho, ông lại ra vườn nhổ cỏ, nhặt lá rụng, xới đất, trồng cây. Ông chỉ rời nhà khi đi họp hoặc khi có việc cần thiết. Khách đến nhà ông rất nhiều, có cả những người bạn già thời kháng chiến, có cả người làng, người ngoại tỉnh tìm đến nhờ ông dịch chữ. 

Hôm nay, trời đã nhá nhem tối mà chưa thấy con dâu đi làm về, ông đi vào nhà, lấy chiếc gậy ba toong chống ra nhà anh Quang, đứa cháu họ ở đầu làng. Vừa thấy ông, anh Quang đã hỏi ngay:

- Có việc gì mà ông chống gậy ra đây tối thế?

- Giờ này chưa thấy con Hồng về, anh lấy xe máy đi tìm em xem sao. 

- Vâng, được rồi. Ông cứ về đi, để cháu đi cho.

Lại nói về Hồng. Cô mới lấy chồng được hơn hai tháng. Hiếu đóng quân xa, có khi cả tháng mới về qua nhà một hai ngày. Là con gái còn son, vừa bén hơi chồng, lần về phép nào của Hiếu cũng khiến cô vui lắm. Tiếng gõ tay vào cánh cổng, tiếng bước chân của chồng... Những tiếng không cần lời. Từ con tim tinh tế, nhạy cảm của một người vợ yêu chồng, Hồng đều cảm nhận được hết. Mỗi lần Hiếu trả phép trở lại đơn vị, Hồng lại bịn rịn. Tiễn chồng lên xe khách rồi trở về nhà, Hồng lại úp mặt xuống gối khóc thầm vì thương nhớ. Lúc tìm hiểu và hẹn hò, thời gian của họ không có nhiều như những đôi uyên ương khác. Nhưng sau ngày cưới, Hồng cảm nhận được rất rõ tình yêu sâu nặng của mình dành cho Hiếu. Cô nhớ về anh, nhớ khuôn mặt chữ điền vuông tượng đẹp đẽ, sáng sủa. Nhớ nụ cười hiền từ với hàm răng sáng đều như hạt bắp. Nhớ ánh mắt biết nói và những cử chỉ ân cần, dịu dàng của chồng. Nhờ tình yêu đó mà Hồng có đủ nghị lực, sức mạnh và lòng kiên trì vượt quãng đường xa xôi bằng chiếc xe đạp thô sơ để chăm chỉ, đều đều ngày hai bận đi đi về về như thế. Qua đôi bàn chân mạnh mẽ, đầy nghị lực của Hồng, con đường xa cứ lùi lại sau vệt bánh xe lăn.

Hồng quặt xe, rẽ vào làng. Con đường này cách đây mấy tháng vốn xa lạ với Hồng. Vậy mà giờ đây, nó đã bắt đầu trở nên quen thuộc. Vốn có tâm hồn nhạy cảm và giàu trí tưởng tượng, Hồng bất giác nghĩ đến thân phận người con gái trong văn chương và ca dao truyền thống. Cô nghĩ đến câu “thuyền theo lái, gái theo chồng” và một đoạn ca từ trong bài hát “Tàu anh qua núi”... Suy nghĩ đẹp đẽ ấy khiến Hồng thấy lạc quan.

Bỗng Hồng bừng tỉnh khi có người cất tiếng hỏi:

- Có phải thím Hồng đấy không?

Hồng kịp nhận ra đó là anh Quang, người anh họ đang đi xe máy ngược chiều vừa hỏi mình.

- Vâng. Anh đi đâu đấy? - cô hỏi đáp lễ.

- Chưa thấy thím về, ông lo lắng bảo anh đi tìm xem thím có sao không. Về đến đây là yên tâm rồi. 

- Em không sao anh ạ. 

- Ừ, thế thím về đi. Anh cũng về nhà đây. 

- Vâng. Em cảm ơn anh. 

Hồng bỗng thấy lòng mình thật ấm áp. Bởi khi về làm dâu ở nơi đất khách quê người này, Hồng thấy mình không cô đơn mà vẫn được quan tâm và yêu thương. Chiếc bàn đạp dưới chân bỗng trở nên thật nhẹ nhàng. 

Rồi tháng sau, Hồng có mang con so. Vì cơ địa mảnh khảnh, yếu ớt, lại đạp xe đường xa, lên dốc nhiều nên Hồng sảy thai. Nghe tin này, Hiếu xin nghỉ phép trở về. Anh nắm tay vợ, không nói câu nào, chỉ nhìn Hồng bằng ánh mắt dịu dàng, sẻ chia như biết nói. Nhìn ánh mắt ấy và cảm nhận cái nắm tay rất chặt, rất ấm của chồng, Hồng như được an ủi. Tình yêu cuộc sống lại trỗi dậy thật ấm áp, dịu dàng trong lòng cô.

Những năm sau đó, Hồng lần lượt sinh hai con, một gái, một trai. Hồng nhờ bố đặt tên cho cháu nội. Cụ Thảo chọn đặt tên cháu gái là An, cháu trai là Đức. Cụ bảo, cái tên của con người rất quan trọng, nó vừa gửi gắm tình yêu thương, mong ước của ông bà, cha mẹ dành cho đứa trẻ, vừa phần nào đem lại may mắn cho đứa trẻ trong cuộc đời. Vợ chồng Hồng ưng cái tên mà bố đặt cho hai con lắm. Hiếu đóng quân ở xa nên lần nào Hồng sinh nở, anh cũng chỉ về chăm sóc vợ con được mấy ngày. Có lúc tủi thân, Hồng lại hờn mát: “Lấy chồng bộ đội thật là hạnh phúc”. Hiếu động viên vợ: “Nhiều người như thế, đâu phải riêng mình. Anh biết em vất vả nhưng mình cùng nhau cố gắng nhé”. Tuy hờn mát thế nhưng vì yêu chồng, yêu cái gia đình nhỏ bé thân thương này nên Hồng đã lặng lẽ vượt qua tất cả.

Khi Hồng ở cữ tháng đầu, Hiếu về phép chăm vợ con một tuần. Thương con trai và con dâu, ông Thảo sáng nào cũng dậy sớm đun nước sôi, nấu cơm và luộc trứng cho con dâu. Hồng thấy bố làm như thế thì cảm động lắm và có ý ngại. Ông Thảo hiểu ý con dâu, ông nói đừng ngại, đó là việc dễ, bố có thể làm. Rồi ông kể những câu chuyện hồi trẻ đi kháng chiến, những câu chuyện về tình người thời chiến tranh gian khổ. Hồng vừa nghe, vừa mường tượng và cảm nhận ông thật hiền, thật ấm áp, nghĩa tình. Hồng không nói được bằng lời, chỉ thấy trong lòng trào lên một niềm trân trọng và biết ơn vô bờ đối với ông.

Rồi hai đứa cháu nội cũng lớn dần. Con An tròn 5 tuổi, thằng cu Đức tròn 1 tuổi. Ông Thảo thường ăn cơm xong trước rồi trông hai đứa nhỏ để con dâu dọn dẹp. Ông cho chúng nằm võng, vừa đu đưa nhè nhẹ, vừa hát ru cho chúng nghe. Ông hát ru cháu bằng rất nhiều bài hát ru ngộ nghĩnh trong dân gian. Hai đứa trẻ cứ thế ngủ ngon trong tay đưa võng và lời ru của ông. Hồng cũng thấy tâm hồn mình giống như một đứa trẻ, cũng hồn nhiên, trong trẻo và thuần hậu theo lời ru của ông. 

Hồng bồi hồi nhớ lại lúc cô và Hiếu tìm hiểu, hẹn hò. Nghe Hiếu kể bố anh là cán bộ tiền khởi nghĩa, hoạt động bí mật từ trước cách mạng. Cụ nội anh là địa chủ kháng chiến. Bố anh được học hành chu đáo nhưng ông chọn con đường tham gia cách mạng, sau đó tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông từng chỉ huy nhiều trận đánh lớn. Mải đi kháng chiến xa nhà, mãi ngoài 40 tuổi ông mới lấy vợ và sinh anh. Mẹ anh mất từ năm anh học lớp 10. Bố ở vậy, nuôi con khôn lớn.

- Thế thì bố anh chắc là nghiêm khắc và khó tính lắm nhỉ? - Hồng hỏi vẻ lo lắng.

- Không! Bố rất hiền. Hôm nào về thăm nhà anh thì em thấy. 

Hôm theo Hiếu về thăm nhà, Hồng thấy đúng là bố anh thật hiền và nho nhã. Ánh mắt, nụ cười của ông toát lên vẻ hiền hậu, bao dung. Nhưng nghĩ đến việc về làm dâu, sống cùng với ông cụ cách xa mình những hai thế hệ, lòng Hồng không khỏi băn khoăn. 

Cái Hương, bạn thân của Hồng đã cưới được một năm, đang sống chung với bố mẹ chồng quả quyết khuyên Hồng:

- Về làm dâu người già mệt lắm. Các cụ vừa khó tính, khó chiều, suy nghĩ, sinh hoạt lại cách xa bọn mình, tao đã trải rồi nên khuyên mày cân nhắc kỹ. Nhất là đến khi cụ ốm đau nằm một chỗ, một mình mày có xoay xở được không?

Song vì yêu Hiếu, Hồng vẫn quả quyết về làm dâu ông Thảo. Những ngày Hồng về làm dâu, ông cụ cư xử với Hồng vừa thương quý như con gái vừa nho nhã như một người khách quý. Ông Thảo không bao giờ để ý đến những việc vặt vãnh, không khắt khe, câu nệ, cũng chưa một lần nặng lời với con dâu. Là người có cá tính và tâm hồn nhạy cảm, nhưng trước cách cư xử của ông, Hồng dần cảm thấy hòa hợp, an lành và dễ chịu. Hiếu bận bịu việc quân tối ngày, hết đi chống lũ ở miền Trung lại ngược lên Tây Nguyên huấn luyện quân. Nhưng khi nhận tin gia đình êm ấm từ Hồng, anh rất vui và yên tâm.
*
Hôm nay có mấy quả na vừa chín ngoài vườn, thắp hương xong, Hồng hạ xuống mời ông. Ông Thảo không nỡ ăn một mình, ông gọi hai cháu đến bên, bẻ cho các cháu phần nhiều, ông phần ít. Cả ông và cháu cùng ăn và nói chuyện rất vui vẻ. 

Thỉnh thoảng, Hồng thấy ông ngồi trên cái ghế ở trước cửa, tự cầm kéo cắt tóc. Hồng lại nhanh nhảu:

- Bố để con giúp.

Rồi Hồng nhanh nhẹn lấy tấm vải choàng, dùng kéo và lược y như một người thợ. Tuy không chuyên nghiệp nhưng Hồng rất khéo tay. Hồng cẩn trọng cắt tóc cho ông. Có lúc, thấy ông mặc áo bị đứt cúc, sứt chỉ, Hồng lại bảo ông thay áo, rồi lấy hộp kim chỉ khâu lại cho ông. Đến lúc này, Hồng nghĩ mình là con gái của ông rồi. 

Tháng tám năm ấy, ông Thảo mất đột ngột. Ông ra đi thật nhẹ nhàng. Ông mất khi sức già đã cạn kiệt ở tuổi 90. 
*
Hôm nay là ngày giỗ của ông Thảo. Ông đã đi xa mười năm. Giờ các cháu của ông đều đã lớn, đi xa không về được. Hiếu đã chuyển công tác về gần nhà nhưng đã hai tháng nay anh không thể về vì đang cùng đơn vị làm nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch Covid-19. Trước ngày giỗ bố, anh nhắn tin cho vợ: “Em thay anh lo hương khói cho bố nhé!". Dù lòng có hơi buồn nhưng cô vẫn tất bật sắm sửa nhang đèn và đồ cúng lễ rất chu đáo cho bố. Cô thắp hương, đứng trước di ảnh hiền từ của ông, kính cẩn, lặng lẽ gọi từ trong tim những tiếng thật trìu mến, thân thương: “Bố! Bố ơi!”.

Ngoài kia, heo may gọi tiết Vu Lan đang cận kề trong sắc nắng hanh vàng.

 Truyện ngắn của HIỀN HÒA