Nhà văn làm "văn công" cho Đại tướng
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 13:16, 22/08/2021
Ngay từ cuối năm 1953, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi (tác giả bài hát Người Hà Nội) đã lên đường đi Điện Biên, thuộc quân số của Trung đoàn Thủ đô (Đại đoàn 308). Đại đoàn của ông đã dàn quân suốt dọc chân núi phía tây Điện Biên Phủ. Đơn vị được phổ biến kế hoạch trận đánh. Tinh thần là sẽ đánh nhanh, giải quyết nhanh trong vòng 3 - 5 ngày.
Trung đoàn của Nguyễn Đình Thi có nhiệm vụ phải xuyên thẳng một mũi vào đến tận khu trung tâm, không dừng lại đánh cứ điểm nào bên đường. Bất kể thương vong thế nào, dù chỉ còn một đại đội, một trung đội cũng phải xuyên vào được tới khu chỉ huy sở của địch, cắm tại đó. Các đơn vị bạn sẽ phối hợp hai bên mà tiến vào. Nghe phổ biến nhiệm vụ như vậy, Nguyễn Đình Thi thầm nghĩ: "Thật là nhiệm vụ cho Trung đoàn quyết tử của Hà Nội năm xưa".
Trong khi toàn quân đang nóng lòng chờ nghe súng lệnh thì thật bất ngờ, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Điện Biên Phủ quyết định thay đổi phương châm đánh nhanh, thắng nhanh thành đánh chắc, tiến chắc, giành thắng lợi. Đại đoàn 308 được lệnh đi gấp sang Lào, theo hướng Luông Pha-băng, vừa để thu hút không quân địch vừa là cách nghi binh, làm lạc hướng phán đoán của chúng. Sau đó, khi công việc hoàn tất, Đại đoàn 308 sẽ bí mật về Điện Biên Phủ.
Một ngày, khi tới cơ quan chính trị của Mặt trận, Nguyễn Đình Thi được thông báo Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho gọi ông lên. Ông cấp tốc đi theo người giao liên. Bước vào căn phòng rộng của cơ quan tham mưu, ông thấy Đại tướng ngồi ghế chủ tọa. Hai bên chiếc bàn lớn là mấy cố vấn Trung Quốc.
Trông thấy nhà văn, Đại tướng vui vẻ bảo: "Xin giới thiệu với các đồng chí, đây là một văn nghệ sĩ của chúng tôi". Rồi quay sang Nguyễn Đình Thi, Đại tướng hỏi: "Anh hát bài Người Hà Nội được chứ? Anh hát đi". Mặc dù bỡ ngỡ chưa hiểu sự thể thế nào, song vâng lệnh Đại tướng, Nguyễn Đình Thi đã cất tiếng hát khúc mở đầu bài Người Hà Nội. Một tràng vỗ tay nổi lên, xen lẫn tiếng cười vui. Đại tướng tới bên Nguyễn Đình Thi, bảo: "Đại đoàn 316 sẽ làm đường, anh đến sớm ở đó, theo dõi và viết bài cho tờ báo của Mặt trận".
Sau này, theo Nguyễn Đình Thi phân tích, hẳn là trong phút căng thẳng thay đổi kế hoạch đánh địch (khác với ý của các cố vấn Trung Quốc), Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho gọi ông lên "làm văn công tạm cho buổi họp nhẹ nhõm đi một chút".
TRẦN VĂN LỢI(st)