Coi chừng "bẫy" điểm sàn

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 09:32, 23/08/2021

Từ ngày 29.8 đến 5.9, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học theo phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Trước đó, vào ngày 24 và 25.8, thí sinh được phép thử điều chỉnh nguyện vọng.

Theo các chuyên gia hướng nghiệp và tuyển sinh, thí sinh không nên lầm tưởng điểm sàn là điểm trúng tuyển để rồi rớt oan uổng.

Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (cơ sở TP Hồ Chí Minh) vừa thông báo 2 mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển là 18 và 20. So với điểm chuẩn năm 2020, mức điểm chênh lệch giữa điểm sàn với điểm chuẩn có ngành lên tới hơn 6 điểm.

Cụ thể, với ngành marketing, năm nay trường nhận hồ sơ xét tuyển từ 20 điểm nhưng điểm chuẩn năm 2020 lần lượt là 24,8 (chương trình chất lượng cao) và 26,1 (chương trình đại trà), mức chênh lệch cao nhất lên tới 6,1 điểm.

Coi chừng bẫy điểm sàn - Ảnh 1.

Ngày 24 và 25.8, thí sinh được phép thử điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học (ảnh minh họa)

Tại Đại học Kinh tế - Luật (thành viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), năm nay nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh từ 20 điểm trở lên (mức điểm dành cho thí sinh khu vực 3, không nhân hệ số, cho các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn thi/bài thi). Trong khi đó, điểm chuẩn năm 2020 của 31/40 ngành từ 25 đến hơn 27 điểm…

TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, cho biết mức điểm sàn mà các trường công bố là điều kiện cần để thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển. Nếu thí sinh có điểm dưới mức điểm sàn mà vẫn nộp hồ sơ để xét tuyển thì hồ sơ bị loại vì không đủ điều kiện. Thí sinh có điểm thi từ điểm sàn trở lên sẽ được tham gia xét tuyển và các trường xét tuyển từ cao xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Theo các chuyên gia hướng nghiệp và tuyển sinh, các trường khi công bố điểm sàn xét tuyển đều căn cứ vào số lượng nguyện vọng, thứ tự nguyện vọng và điểm thi của thí sinh. Tuy vậy, nhiều trường thường đưa ra mức điểm sàn thấp hơn nhiều so với mức điểm chuẩn dự kiến để bảo đảm lượng hồ sơ dồi dào khi xác định điểm chuẩn.

Thí sinh đừng thấy điểm sàn thấp mà vội đăng ký, cần tập hợp cho mình nhiều thông tin về ngành, điểm chuẩn tham khảo các năm trước ở những trường mình thích trước khi đặt bút đăng ký.

TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cho rằng bối cảnh thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và 2021 khá tương đồng nên thí sinh cần tham khảo điểm chuẩn năm 2020 làm cơ sở đăng ký xét tuyển.

Theo TS Lê Thị Thanh Mai, khi đăng ký xét tuyển, thí sinh cần chọn ngành trước; sau đó tham khảo điểm cùng ngành ở các trường khác nhau (nên chọn 3 nhóm trường), căn cứ điểm thi với điểm chuẩn năm 2020 để lựa chọn. Trong đó, nguyện vọng 1 và 2 đặt vào những trường mình thích nhất và có cơ hội đậu; nguyện vọng 3 và 4 đặt vào trường có khả năng trúng tuyển cao; nguyện vọng 5 và 6 đặt vào những trường có điểm chuẩn năm 2020 thấp hơn khá nhiều so với điểm thi mình có để bảo đảm đậu.

Theo Người lao động