Học sách điện tử thế nào để hiệu quả?

Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 13:31, 23/08/2021

Năm học 2021 - 2022 sắp đến nhưng nhiều học sinh ở một số địa phương đang giãn cách xã hội vẫn chưa có sách giáo khoa mới. Trong khi chờ đợi, các loại sách điện tử đang là một giải pháp tạm thời có thể tính đến.


Sách số nếu tích hợp đa dạng hình thức truyền tải nội dung sẽ tạo hứng thú và hiệu quả cho học sinh trong quá trình học

Tuy nhiên để tận dụng nguồn học liệu số này hiệu quả nhất, học sinh và phụ huynh cần lưu ý những gì?

Thời của sách số

Ông Phạm Thúc Trương Lương, giám đốc Công ty sách điện tử Giáo Dục, chia sẻ đây là thời điểm thích hợp cho việc trải nghiệm và tiếp cận với các loại sách điện tử. Theo ghi nhận của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam, số lượng phụ huynh liên hệ để tìm hiểu về những bộ sách "số" này khá nhiều, lớn nhất là ở các tỉnh phía Nam.

Ông Lương cho biết ở các nước phương Tây, việc dùng sách điện tử đã rất phổ biến. Thứ nhất là món lợi về kinh phí. Thông thường tiền mua sách ở nhiều nước khá đắt đỏ, không giống như ở Việt Nam khi có những gia đình mỗi năm sắm cho con đến hai bộ sách, một cho con học trên lớp, một cho con làm bài tập tại nhà.

Trong khi đó, sở hữu một bộ sách online lại cực kỳ dễ dàng và tiết kiệm. Học sinh cũng không phải đến trường mang theo đầy tài liệu mà thay vào đó có thể chỉ cần một chiếc iPad. Sách điện tử cũng dễ cập nhật, cải tiến nhanh chóng mà không phải qua nhiều công đoạn, ngốn không ít chi phí như với sách truyền thống.

Dù vậy phải nhìn nhận rằng phụ huynh vẫn khá e ngại khi cho con sử dụng sách giáo khoa điện tử. 

Theo ông Trần Mạnh Quân (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), vấn đề có thể nằm ở cảm giác. Dường như khi cầm quyển sách trên tay, trẻ con sẽ thấy chúng đang học nhiều hơn chơi, thay vào đó chiếc iPad lại cho trẻ thấy như đang... chơi nhiều hơn học. 

Chưa kể đó còn là một số thách thức về công nghệ, nền tảng cũng như điều kiện tiếp xúc với trang thiết bị của người học, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.

Cần phụ huynh chung tay

Theo ông Lương, khi sử dụng sách điện tử trước tiên là phải chọn loại thiết bị cho phù hợp. Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng thật ra không hề giản đơn, đặc biệt vướng phải vấn đề kinh tế.

Nếu điều kiện cho phép, phụ huynh nên cho con học sách số trên một thiết bị có màn hình đủ lớn, ít nhất là bằng kích cỡ sách thông thường, như một chiếc iPad. Điều này sẽ giúp trẻ giữ được không khí học tập, không mang lại cảm giác khó chịu như khi đọc sách giấy. 

Hơn nữa, cỡ chữ cũng được căn chỉnh để làm sao có thể nhìn thấy rõ ràng nhất, tránh ảnh hưởng đến mắt.

Kế đó, nên chọn những loại sách đa dạng hình thức truyền tải nội dung. Chẳng hạn trên sách có tích hợp nhiều đồ họa, hình ảnh, âm thanh. Việc này không chỉ giúp nâng cao chất lượng của mỗi buổi học, lại còn tăng cường những trải nghiệm nhớ bài cho học sinh.

Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Thu Huyền, phó hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS), cho biết hiện hơn 400 giáo viên của trường đang hằng ngày dạy bằng sách và tài liệu số. Sự linh hoạt của thầy cô luôn được chú trọng. 

Ở đó, họ sẽ phân chia những phần nào, đoạn nào trẻ có thể tự tìm hiểu bằng việc đọc sách điện tử. 

"Nhìn chung đây là vấn đề bắt buộc phải thích ứng, cũng là một xu thế trong thời gian tới nếu muốn sống tốt trong thời đại số" - TS Huyền nói.

Tuy nhiên tài nguyên số trong giáo dục chỉ có thể phát huy hết hiệu quả nếu có sự chung tay của phụ huynh. Chẳng hạn, thay vì để con tự cầm điện thoại và đọc sách trên điện thoại, phụ huynh có thể tham gia đọc cùng con. Từ đó, con sẽ nhận thêm được một sự hướng dẫn đắc lực từ gia đình, hơn là việc phó mặc hoàn toàn cho các thầy cô. 

Ngoài ra, việc cùng con đọc sách còn có thể tăng sự tương tác trong những ngày giãn cách.

Chủ động nguồn học liệu

Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP Hồ Chí Minh), chia sẻ trên thực tế, ngày nay việc dạy nguyên mẫu như sách giáo khoa đã không còn ở một số môn.

Ở một số môn như toán, lý, hóa... thầy cô thậm chí có những giáo án riêng cho chương trình trực tuyến, chỉ cần người học chú tâm vào từng bài giảng là đã có thể lĩnh hội được kiến thức, không nhất thiết phải "kè kè" quyển sách cạnh bên.

Hay ở những môn đòi hỏi phải đọc nhiều như ngữ văn, trong quá trình dạy online bản thân các thầy cô cũng trích dẫn những câu, đoạn học quan trọng vào các slide. Chưa kể, học sinh có thể tra các file sách nói (audio book) để nghe thêm và tăng sức cảm thụ cho tác phẩm văn học.

Thầy Bảo cho rằng sự chủ động trong học liệu là rất cần thiết, đặc biệt trong điều kiện như hiện nay. Trên Internet, nguồn tài liệu cho các môn rất nhiều, từ sách giáo khoa, sách tham khảo, các bài chuyên sâu. Hầu hết các bài học đều đã được số hóa, thậm chí một số bài ở dạng video, dạng audio book.

Tâm thế thích nghi

Theo các thầy cô, chuyên gia, thay vì loay hoay quanh chuyện không có sách in, học sinh có thể tận dụng nguồn học liệu số. Thậm chí khi được sử dụng tốt, cộng với sự hướng dẫn và thiết kế bài học linh hoạt từ phía giáo viên, chuyện học trong mùa dịch sẽ không còn quá khó khăn.

Điều cốt lõi là phụ huynh cần cho con một tâm thế có thể thích nghi với thời đại số, không nên bước vào thời đại số mà tư tưởng không rộng mở, phải bó buộc vào những quyển sách giấy.

Cha mẹ cần giám sát

Chuyển đổi từ sách giáo khoa giấy sang sách kỹ thuật số, giáo dục kỹ thuật số đã được tiến hành khá lâu trước khi đại dịch diễn ra. Không chỉ là những bản scan, nội dung trong sách được thiết kế đúng nghĩa một ấn bản số. Nhiều công cụ dạy học đã được tích hợp ngay vào các file sách như video, âm thanh, đồ họa, các trò chơi học thuật...

Thậm chí trong thời gian tới, sách trực tuyến sẽ có cả chức năng kết nối, tương tác trực tuyến với các chuyên gia hoặc khả năng hỗ trợ bằng AI như một "gia sư trực tuyến".

NXB Giáo Dục Việt Nam đã đưa toàn bộ sách giáo khoa lên trang hanhtrangso.nxbgd.vn để học sinh sử dụng miễn phí (ảnh chụp màn hình)

Cho dù các tài nguyên kỹ thuật số này tốt đến đâu, chúng cần được tích hợp với tất cả các hoạt động học tập khác.

Ví dụ một lớp học toán có thể tận dụng các video miễn phí có sẵn thông qua các học viện "số" như Khan Academy, sử dụng Zoom để làm việc nhóm hay dùng các ứng dụng của Google để sắp xếp các bài tập và giao tiếp với bạn học và giáo viên.

Để sử dụng sách kỹ thuật số tối ưu, rất cần sự tham gia giám sát của cha mẹ. Với trẻ nhỏ, không thể để con thoải mái trên laptop hay iPad, dù trẻ có nói đọc sách "số" đi chăng nữa. Bởi vì trẻ rất dễ chuyển sang các trò chơi giải trí và video YouTube chỉ với một hoặc hai cú nhấp chuột.

Kiểm soát của phụ huynh có thể hữu ích. Cha mẹ có thể giám sát thủ công hoặc dùng thêm các công cụ truy vết mà nhiều hệ điều hành cung cấp. Có như thế việc học những nội dung số mới có sự hiệu quả.

Cần nhớ rằng nếu muốn việc học của trẻ được như ở trường, phụ huynh hãy đồng hành cùng con, không thể phó mặc hết cho thầy cô giáo.


Theo Tuổi trẻ