Đùa nơm, từ nghề mưu sinh hướng đến trò chơi dân gian

Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 14:17, 23/08/2021

Hoạt động đùa nơm đang được xã An Thanh (Tứ Kỳ) xây dựng thành một trò chơi dân gian trong lễ hội truyền thống hằng năm nhằm lưu giữ một nghề đặc thù, gắn bó với người dân nơi đây từ mấy chục năm trước.


Niềm vui của người dân khi bắt được cá

Ký ức tuổi thơ

Không ai còn nhớ, nghề đùa nơm, giăng đó, thả lưới ở xã An Thanh có từ khi nào. Chỉ biết rằng nghề này đã gắn bó và mang lại thu nhập chính cho nhiều gia đình ở đây. So với những xã khác của Tứ Kỳ, nơi đây được thiên nhiên ưu đãi khi có sông Thái Bình chảy qua nên đã cung cấp nguồn nước tưới phong phú, góp phần hình thành nên nhiều con sông nhỏ trong cánh đồng như Sồi, Hệ, Mầm, Vực Lá... Để khai thác được nguồn lợi của thiên nhiên, nhiều gia đình đã làm thêm nghề chài lưới, đùa nơm, thả đó. 

Ông Phạm Đình Chân năm nay gần 60 tuổi ở thôn An Định có nửa cuộc đời gắn bó với nghề đùa nơm, giăng lưới. Cách đây 40-50 năm, do cuộc sống khó khăn, cả nhà 8 người chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên những lúc rảnh rỗi, anh em ông thường mang dậm, nơm đi bắt tôm cá phụ giúp gia đình. ''Hồi đó, tôi hay đi bắt tôm cá ở khu Rộc Chuôm, Gốc Đa, bãi Triều... Chỉ cần đi một lúc là được đầy giỏ mang về. Ăn không hết, mẹ tôi thường mang ra chợ bán. Mùa nào chúng tôi cũng đi đánh bắt tôm cá, nhưng vào khoảng tháng 5-6 là bắt được nhiều nhất'', ông Chân nói. 

Cũng giống như ông Chân, nhiều người giờ đã ngoài 50 tuổi ở xã An Thanh đều nhớ rất rõ những ngày tháng đánh bắt cá trên sông. Trong trí nhớ của ông Phạm Ánh Đuốc ở thôn Thanh Kỳ, ngày đó sông ngòi sạch sẽ nên có nhiều tôm cá. Ông thường tranh thủ lúc trưa và tối, khi không phải làm đồng thì mang đơm, đó đi bắt tôm cá. Chỉ bắt một lúc là cả gia đình có thức ăn cho cả ngày. ''Với mỗi loại thủy sản chúng tôi lại dùng các dụng cụ bắt khác nhau như: dùng nơm úp cá, vó thì bắt được cá, tôm, cua, còn rọ bắt cà ra, rạm... Mùa nào thức đó, nhiều vô kể. Gia đình tôi gần như không bao giờ thiếu thức ăn'', ông Đuốc cho biết.


Đông đảo người dân xã An Thanh tham gia hoạt động đùa nơm trên sông Sồi

Khôi phục

Những năm gần đây, người dân thường xuyên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để chăm bón cây trồng làm ô nhiễm nguồn nước ở các sông, ngòi. Bên cạnh đó, nhiều ao hồ bị lấp để xây các khu dân cư mới nên nguồn tôm cá tự nhiên đã giảm đáng kể. Từ 30 năm nay, người dân xã An Thanh không thường xuyên đánh bắt tôm cá tự nhiên mà chuyển sang nuôi thả ở các khu vực chuyển đổi.

Là người con quê hương và đang đầu tư cấy lúa hữu cơ trên vùng đất bãi, anh Nguyễn Văn Tuân (thôn Thanh Kỳ) luôn có ý định sẽ xây dựng một khu du lịch trải nghiệm ngay tại quê hương với các hoạt động cộng đồng mang tính đặc thù của vùng quê An Thanh. Theo anh Tuân, đùa nơm, đánh đó không xa lạ với người dân nông thôn nhưng so với địa phương khác, ở An Thanh đặc trưng hơn bởi có nhiều người làm và gắn bó trong thời gian dài. Nếu khôi phục thành hoạt động đặc trưng của địa phương có thể sẽ thu hút được du khách đến tham quan, trải nghiệm. Với ý tưởng như vậy và sau khi tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của một số người cao tuổi trong làng, anh Tuân cùng một người bạn lên ý tưởng tổ chức thử nghiệm hoạt động đùa nơm. Anh và bạn bè  đã đăng trên trang Facebook cá nhân, trang wesbite ''Cư dân An Thanh - Tứ Kỳ'', nơi có nhiều người An Thanh tham gia và nhận được sự tán dương, ủng hộ của không ít người.

Anh Tuân chọn tổ chức hoạt động đùa nơm bắt cá trên sông Sồi, nơi có nhiều tôm cá và gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều người dân nơi đây vào một ngày chủ nhật giữa tháng 7 vừa qua. Hoạt động này đã thu hút đông đảo người dân xã An Thanh đang sinh sống ở TP Hải Dương, Hà Nội, Hải Phòng... về tham dự. Trên dòng sông Sồi, không khí đánh bắt tôm cá khá nhộn nhịp với giàn lưới, vó, đội úp nơm và những người đi mò... Anh Tuân chia sẻ: ''Không ngờ hoạt động này được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ đến vậy. Hôm đó có khoảng 200 người trực tiếp thả lưới, úp nơm, cất vó dưới sông, trong đó có những cụ đã 80 tuổi vẫn hăng hái tham gia. Trên bờ cũng có hàng trăm người đứng cổ vũ. Chúng tôi đang có ý định tổ chức lại hoạt động này vào một ngày không xa khi dịch bệnh được kiểm soát theo mong muốn của nhiều người dân''.

Được bố mẹ đưa về tham dự hoạt động trên, em Nguyễn Hà Phương (14 tuổi) ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) rất thích thú. ''Trước đây, cháu chỉ xem đùa nơm, giăng lưới bắt cá trên ti vi, qua sách báo nên chưa cảm nhận được sự khéo léo của người sử dụng các dụng cụ này. Cháu thấy đây là một hoạt động thiết thực để chúng cháu hiểu biết thêm về một nghề truyền thống của cha ông xưa''.

Mặc dù là tự phát nhưng hoạt động đùa nơm bắt cá trên sông đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người dân. Chị Nguyễn Thị Hoa, cán bộ văn hóa xã An Thanh cho biết trước sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo người dân, địa phương đang xây dựng kế hoạch để đưa hoạt động này trở thành một phần trong lễ hội truyền thống nhằm lưu giữ một nghề đặc thù, gắn bó với người dân nơi đây.

THANH HÀ