Giải bài toán dạy và học lớp 1 online: Khó nhưng cần phải thích nghi

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 07:01, 24/08/2021

Việc dạy học trực tuyến với học sinh lớp 1 sẽ có nhiều khó khăn, tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh, cả giáo viên, phụ huynh và học sinh đều phải tìm cách thích nghi.

Học sinh lớp 1 học trực tuyến cần sự hỗ trợ của phụ huynh. (Ảnh: TTXVN)

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc dạy học trực tuyến là bất khả kháng với rất nhiều địa phương cả nước trong những ngày đầu năm học mới. Làm sao dạy học trực tuyến hiệu quả, đặc biệt với lớp 1 là câu hỏi của rất nhiều phụ huynh khi các em còn quá nhỏ, chưa có kỹ năng sử dụng máy tính và hiếu động, khó tập trung.

Thách thức với học sinh lớp 1

“Mẹ ơi, con mỏi tay!”, “Mẹ ơi, con muốn đi vệ sinh!”, “Mẹ ơi, con nhức mắt!”… Giờ học online của cậu con trai học lớp 1 của chị Nguyễn Thị Quyên (Hoàng Mai, Hà Nội) liên tục bị ngắt quãng bởi những lời than thở, đề nghị.

Chị Quyên cho hay năm nay con chị vào lớp 1. Vì học trường tư nên con đã vào học được vài tuần, sớm hơn so với các học sinh trường công lập. “Con học trực tuyến, bố mẹ cũng phải thay nhau ngồi kèm cặp ngay bên cạnh nhưng con vẫn rất khó để có thể tập trung được,” chị Quyên thở dài nói.

Tâm sự của chị Quyên cũng là băn khoăn của các phụ huynh có con vào lớp 1 năm nay ở nhiều tỉnh, thành, khi học sinh sẽ phải học trực tuyến ngay từ đầu năm học mới, trong khi các em còn quá nhỏ, ham vận động và chưa quen với nề nếp học tập ở bậc phổ thông.

Theo phó giáo sư Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, kết quả khảo sát năm học vừa qua cho thấy 74% trẻ em không thích học trực tuyến vì các em phải dành quá nhiều thời gian trước màn hình, 57% thấy bài giảng khó hiểu hơn khi phải học từ xa so với học trực tiếp, 60% các em cho rằng cho rằng những trục trặc về kỹ thuật làm giảm hứng thú khi học trực tuyến.

Phân tích từ góc nhìn tâm lý giáo dục, ông Nam cho hay khi học trực tuyến, các em bị ngắt khỏi những trải nghiệm và cảm giác trực tiếp của trường học như gương mặt bạn bè quen thuộc, mặt bảng láng mịn… là những yếu tố tạo nên sự hứng thú và sự kết nối của các em với trường học. Các em cũng dễ bị xao nhãng, mất tập trung vì các hoạt động trong gia đình. Năng lực vận động tinh của các em, nhất là năng lực vận động các ngón tay chưa đủ để điều khiển bàn phím máy như gõ chữ, đưa biểu tượng giơ tay, nộp bài… và các chức năng khác.

Việc phải ngồi tập trung nhìn màn hình trong nhiều giờ trong ngày còn dẫn đến các vấn đề về lưng, cổ, mắt cho trẻ. Học online cũng dẫn đến mất cân bằng trong các hoạt động giúp các em giải tỏa căng thẳng, không còn những giờ tập thể dục trên sân hay chạy chơi với các bạn.

Giai bai toan day va hoc lop 1 online: Kho nhung can phai thich nghi hinh anh 2

Trong bối cảnh dịch COVID-19, những lớp học trực tiếp sẽ khó có thể được tổ chức ở nhiều địa phương trong những ngày đầu năm học mới. (Ảnh: TTXVN)

“Sau hơn một năm hoc online, có nhiều số liệu cho thấy học sinh, nhất là lớp 1, 2 sẽ có những vấn đề về giấc ngủ do các em nhìn quá nhiều thiết bị màn hình có ánh sáng xanh, có em có dấu hiệu chợp mắt liên tục, đau nhức mắt, khó tập trung…,” phó giáo sư Trần Thành Nam cho hay.

Bật chế độ thích nghi

Theo ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình, những băn khoăn lo lắng của phụ huynh cũng là trăn trở của ngành giáo dục. “Với học sinh lớp 1, tốt nhất là các em có thể được học trực tiếp nhưng trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, đây là điều bất khả kháng. Vì thế, học sinh, giáo viên và phụ huynh phải tìm cách thích nghi và hỗ trợ lẫn nhau,” ông Thuận chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Lê, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì, Hà Nội cho hay để dạy trực tuyến lớp 1 cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh và giáo viên. Phụ huynh phải đồng hành như một người bạn cùng con trong giờ học để kịp thời hỗ trợ các em về thiết bị, nhắc nhở học sinh tập trung và thực hiện các yêu cầu của giáo viên. “Vì thế, dạy trực tuyến lớp 1 bắt buộc phải tổ chức vào buổi tối, khi phụ huynh ở nhà, dù giáo viên sẽ vất vả hơn,” bà Lê cho hay.

Về phương pháp dạy học, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho rằng đặc thù của lớp 1 là các em mới từ bậc mầm non lên, nên phải học mà chơi. Giáo viên phải giúp học sinh làm quen với việc học thông qua các trò chơi, hoạt động vận động… Các hoạt động này phụ thuộc nhiều vào sự sáng tạo của mỗi giáo viên.

Để hỗ trợ thầy cô, ông Thành cho hay Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đang có kế hoạch sẽ thực hiện các video hướng dẫn nội dung, phương pháp học tập đối với lớp 1 để phụ huynh và giáo viên có thể biết cách kết hợp trong việc dạy học sinh.

Từ thực tiễn giảng dạy, cô Nguyễn Thị Hồng Minh, giáo viên dạy lớp 1 Trường Tiểu học May-May Academy cho rằng việc dạy học trực tuyến đương nhiên sẽ có những thách thức mới, đòi hỏi giáo viên phải thay đổi trong cách dạy. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, giáo viên không có lựa chọn nào khác là phải bật chế độ thích nghi, không thể đợi chờ đến khi có thể dạy trực tiếp.

“Phụ huynh cũng cần thay đổi quan điểm lớp 1 là giáo viên cầm tay luyện chữ. Trên thực tế, kể cả khi dạy trực tiếp, giáo viên cũng chỉ cầm tay những bạn chưa tự tin đưa nét, còn đa số các con sẽ làm theo hướng dẫn. Vì thế lớp 1 tuy khó hơn, nhưng hoàn toàn có thể dạy trực tuyến với sự hỗ trợ của gia đình, chỉ cần giáo viên soạn giáo án phù hợp với tâm, sinh lý của trẻ,” cô Minh nói.

Chia sẻ những điểm giáo viên cần lưu ý khi dạy lớp 1 trực tuyến, phó giáo sư Trần Thành Nam cho hay học sinh sẽ thấy an tâm và tập trung học hơn nếu giáo viên bình tĩnh và có các hoạt động dạy học một cách sáng tạo. Vì thế, giáo viên cần lưu ý sắp xếp tài liệu bài học chu đáo trước buổi dạy. Giáo viên cũng cần thiết lập không gian lớp học nhất quán với đầy đủ thiết bị để dạy học, người nhà không được làm phiền.

Do đây là giai đoạn phát triển thể chất cao của trẻ nên học sinh rất hiếu động, khá ồn ào, nhất khi không được ra ngoài trời chơi đùa, không có chỗ xả năng lượng cho các em. Vì thế trong các giờ học online giáo viên nên kết hợp các hoạt động thể chất.

"Giáo viên cũng nên tích hợp các hoạt động học với hoạt động đọc, vẽ, đóng kịch…, game hóa các bài học thể thu hút sự hứng thú của học sinh," phó giáo sư Trần Thành Nam nói.

Theo Vietnam+