Sơ tán công dân tại Afghanistan - bài toán khó đối với các nước
Thế giới - Ngày đăng : 07:21, 24/08/2021
Người dân Afghanistan trèo qua bức tường rào để vào sân bay quốc tế ở Kabul với hy vọng được sơ tán khi Taliban tuyên bố giành quyền kiểm soát đất nước, ngày 16.8.2021. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)
Italy khẳng định nhu cầu tị nạn và di cư của người dân Afghanistan sẽ gia tăng, do đó, Liên minh châu Âu (EU) cần có phản ứng thống nhất với các đối tác trong khu vực.
Ngày 23.8, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio cho rằng sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đồng minh là rất cần thiết và cấp bách trước tình hình tại Afghanistan và cần một chiến lược chung vì lợi ích của người dân Afghanistan.
Ông nhấn mạnh Italy sẽ tiếp tục nỗ lực sơ tán các công dân Afghanistan muốn rời khỏi nước này.
Cho đến nay, Italy đã sơ tán khoảng 1.600 công dân Afghanistan, và theo kế hoạch sẽ sơ tán khoảng 2.500 người tới Italy.
Hiện Thủ tướng Italy Mario Draghi cũng đang nỗ lực triệu tập một hội nghị bất thường của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), thảo luận một chiến lược tổng thể về tình hình Afghanistan.
Trong khi đó, quân đội Đức thông báo đã sơ tán được gần 3.000 người từ Thủ đô Kabul.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Berlin, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức cho biết nước này ước tính hiện còn khoảng vài trăm người dân Đức còn ở lại Afghanistan.
Đức cũng đang xem xét các cách để sơ tán người từ Afghanistan ngoài việc sử dụng sân bay Kabul để chuẩn bị cho thời gian sau khi Mỹ rút toàn bộ lực lượng và trao trả sân bay quốc tế tại Thủ đô Kabul.
Theo người phát ngôn này, khi tình hình thực địa cho phép, Đức muốn mở các cầu hàng không để sơ tán người từ sân bay này.
Tuy nhiên, Berlin cũng đang cân nhắc những giải pháp thay thế sau khi giai đoạn này kết thúc và cũng đã đàm phán với lực lượng Taliban để cho phép những người muốn rời khỏi Afghanistan được đi sơ tán.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 23.8 khẳng định Paris tin tưởng cần phải tiếp tục nhiệm vụ sơ tán tại Afghanistan kể cả sau thời hạn chót ngày 31.8 khi quân đội Mỹ phải rút toàn bộ lực lượng tại nước này.
Phát biểu tại căn cứ quân sự Al-Dhafra ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nơi Pháp thiết lập cầu hàng không để sơ tán người từ Kabul, ông Le Drian cho biết quốc gia này đang lo ngại rằng cần phải có thêm thời gian để thực hiện các chiến dịch sơ tán.
Trong khi đó, ngày 23.8, máy bay vận tải C-130 Hercules đầu tiên của Bỉ cất cánh từ sân bay ở Kabul đã hạ cánh xuống Thủ đô Islamabad của Pakistan với hơn 100 người được sơ tán khỏi Afghanistan.
Thông báo của Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Bỉ cho biết nước này sẽ tiếp tục cung cấp các chuyến bay để bảo đảm sơ tán các công dân của mình cùng với những phiên dịch viên người Afghanistan, phóng viên và những đối tượng khác, với thời gian lâu nhất có thể.
Ba máy bay vận tải C-130H đã được triển khai tới Islamabad, đóng vai trò là hậu cứ cho lực lượng Bỉ gồm khoảng 100 người tham gia chiến dịch sơ tán. Các máy bay này có thể thực hiện 3-4 chuyến bay mỗi ngày và đưa khoảng 400 người rời khỏi Kabul.
Cho đến nay, những người được sơ tán chủ yếu là người Bỉ, cùng với gia đình của họ, đôi khi là người Afghanistan hoặc công dân châu Âu. Tuy nhiên, rất ít cộng tác viên người Afghanistan được đưa khỏi Kabul.
Theo Quốc vụ khanh Bỉ phụ trách tị nạn Sammy Mahdi, việc sơ tán những người Afghanistan này rất khó khăn vì họ phải vượt qua được sự kiểm soát của Taliban, khi lực lượng này chỉ cho phép người châu Âu được qua.
Hiện, giới chức Bỉ đang thảo luận với phía Mỹ để cố gắng bảo đảm cho những cộng tác viên Afghanistan cũng được sơ tán.
Hiện dòng người muốn rời khỏi Afghanistan sau khi lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát đất nước vẫn là bài toán khó với các quốc gia muốn hỗ trợ.
Jordan nhất trí cho phép khoảng 2.500 công dân Afghanistan sang quốc gia này để bay đến Mỹ.
Dù cho biết đây là thỏa thuận đã được Jordan và Mỹ nhất trí trên tinh thần nhân đạo nhưng Bộ Ngoại giao Jordan không nêu rõ khi nào thỏa thuận này sẽ có hiệu lực.
Theo TTXVN