Tượng Phật không phù hợp "xâm chiếm" chùa ở Kinh Môn
Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 09:41, 27/08/2021
Tượng Phật bà Quan Âm tay cầm hồ lô dựng tại chùa An Lăng, phường An Phụ (Kinh Môn)
Mặc dù một số ngôi chùa ở thị xã Kinh Môn đặt tượng Phật không phù hợp nhưng việc xử lý đang gặp nhiều khó khăn.
Tồn tại từ lâu
Tại các ngôi chùa, ngoài thờ Phật còn thờ các thần hoặc nhân vật lịch sử gắn liền với địa phương và thường thờ bên trong chùa. Tuy nhiên, một số chùa ở thị xã Kinh Môn những năm gần đây đã đưa tượng Quan Thế Âm đứng cầm bình nước cam lồ vào thờ trong khuôn viên sân chùa không đúng với thuần phong mỹ tục.
Phường An Phụ có 5 chùa ở 5 khu dân cư, trong đó chùa ở các khu dân cư An Lăng và Đông Hà có đặt tượng Quan Thế Âm đứng cầm bình nước cam lồ ở bên ngoài sân. Bà Nguyễn Thị Phố phục vụ tại chùa An Lăng đã 11 năm nay cho biết bà không biết tượng Quan Thế Âm được đặt trên đài sen, bên trên có mái che để ở đây từ khi nào. Kích thước tượng tương đương với một người trưởng thành. Rất nhiều người dân khi đến lễ bái trong chùa đều ra đây thắp hương.
Cũng giống như chùa An Lăng, chùa Báo Ân ở khu dân cư Quảng Trí (phường Phạm Thái) cũng đặt bức tượng như vậy ở trong sân chùa. Theo ông Vũ Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND phường Phạm Thái, đây là đồ cung tiến của người dân cho nhà chùa. Nhiều năm nay, người dân vẫn lễ bái ở khu vực này.
Giữa tháng 5 vừa qua, đồng loạt sau một đêm, các phường, xã gồm: An Lưu, Minh Hòa, Hiến Thành, Long Xuyên, An Phụ, Hiệp Hòa, Hiệp Sơn, An Sinh, Phạm Thái, Phú Thứ và Minh Tân xuất hiện các tấm bia đá có in chữ "Nam mô a di đà Phật". Các tấm bia được đặt trong khuôn viên các chùa, nơi công cộng, ven đường, thậm chí còn đặt ngay cổng UBND của một số phường.
Khó xử lý
Trước sự xâm lấn của các tượng Phật, bia đá không phù hợp vào các chùa và khu vực công cộng, thị xã Kinh Môn đã có những giải pháp chấn chỉnh tình trạng này nhưng trong quá trình thực hiện cũng gặp khó khăn.
Theo bà Nguyễn Thị Kha, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã, ngay sau khi có thông tin nhiều tấm bia đá in chữ "Nam mô a di đà Phật" xuất hiện ở các phường, xã, phòng đã đi kiểm tra và phát hiện những tấm bia này được đưa từ miền Nam ra, không thuộc tín ngưỡng của người miền Bắc. Thị xã Kinh Môn đã yêu cầu các địa phương có biện pháp xử lý ngay những tấm bia này, không để ở cổng UBND hoặc ven đường.
Chị Trịnh Thị Oanh, cán bộ văn hóa thông tin xã Minh Hòa cho biết: "Ở địa phương cũng đã xuất hiện tấm bia đá như trên nhưng Ban hội tự chùa Hương Lai cùng chính quyền cơ sở đã đập bỏ".
Ngày 9.8.2021, Sở Nội vụ yêu cầu các địa phương kiểm tra việc đặt các tấm bia này của người dân. Nếu dựng bia ngoài cơ sở thờ tự, không đúng quy định của pháp luật thì báo cáo về Sở Nội vụ trước ngày 30.8. Những nơi có nhu cầu dựng bia, chính quyền địa phương hướng dẫn chức sắc, nhà tu hành hoặc phật tử đặt trong khuôn viên cơ sở thờ tự và bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Khó khăn nhất hiện nay của thị xã Kinh Môn là xử lý các tượng Quan Thế Âm đứng cầm bình nước cam lồ ở các chùa. Trong văn bản số 2995-BT/BT ngày 15.10.1996 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nêu tình trạng một số chùa miền Bắc tổ chức mua tượng Quan Thế Âm đứng cầm bình nước cam lồ bằng xi măng trắng về đặt trong khuôn viên, không những làm phá vỡ quy hoạch không gian kiến trúc truyền thống mà còn làm mất vẻ đẹp mỹ thuật cổ của hiện vật trong di tích. Bộ yêu cầu cần chấn chỉnh trình trạng này. Mặc dù có chỉ đạo nhưng do nhiều năm trước đây, chính quyền các địa phương thực hiện chưa nghiêm nên vẫn để xảy ra hiện tượng trên. Bên cạnh đó, một số chùa nhận đồ cung tiến nhưng không báo cáo cơ quan chức năng nên địa phương chưa nắm được. "Các tượng Phật đều đã được Ban trị sự các chùa làm lễ hô thần nhập tượng, nhiều người dân coi trọng, thờ cúng. Vì thế, việc yêu cầu các chùa xử lý gặp khó khăn, nhiều nơi vẫn để tồn tại", bà Nguyễn Thị Kha cho biết thêm.
Tình trạng tượng Quan Thế Âm đứng cầm bình nước cam lồ, biểu tượng ngoại lai cũng xuất hiện ở một số nơi trong tỉnh. Để tình trạng này không xuất hiện trong các đình chùa, nơi công cộng, thị xã Kinh Môn yêu cầu các phường, xã tăng cường rà soát, kiểm tra, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác văn hóa và Ban quản lý di tích về tiếp nhận các đồ công đức. Ban trị sự, nhà sư trụ trì các chùa cũng cần định hướng các tăng ni, phật tử ủng hộ việc xây dựng, tôn tạo, tu bổ chùa hoặc mua sắm, hỗ trợ ghế đá, cây cảnh... không nên cung tiến các linh vật, biểu tượng không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
THANH HÀ