Những ngày cuối vô cùng căng thẳng của Mỹ ở Afghanistan

Bình luận - Ngày đăng : 10:00, 27/08/2021

Trong lúc Mỹ và các đồng minh khẩn trương sơ tán người của mình ra khỏi Afghanistan trước thời hạn 31.8, Taliban tiếp tục hoàn thiện bộ máy nhân sự chính quyền mới.

Những ngày cuối vô cùng căng thẳng của Mỹ ở Afghanistan - Ảnh 1.

Binh sĩ Mỹ đón một em bé Afghanistan được sơ tán đến trại Buehring ở Kuwait ngày 25.8 - Ảnh: AFP

Ngày 26.8, trong bối cảnh hạn chót sơ tán 31.8 của Mỹ đến gần, tình hình Afghanistan căng thẳng hơn sau khi Mỹ cảnh báo công dân tạm thời không đến sân bay quốc tế Hamid Karzai (hay sân bay Kabul) và tránh các cổng vào sân bay. Trong khi đó, Anh và Úc lo ngại "nguy cơ cao" xảy ra tấn công khủng bố.

Bóng ma khủng bố

Hôm 21.8, Đại sứ quán Mỹ tại Kabul từng một lần phát cảnh báo kêu gọi công dân tại Afghanistan tạm thời tránh xa sân bay Kabul do "đe dọa an ninh tiềm ẩn" gần các lối vào. Ngày 25.8, họ tiếp tục phát cảnh báo, lần này cụ thể tới mức bất thường.

"Các công dân Mỹ có mặt lúc này tại cổng Abbey, cổng phía đông hay cổng phía bắc của sân bay nên rời đi ngay lập tức" - thông báo nêu, dẫn lý do "các nguy cơ an ninh" bên ngoài cổng sân bay.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Úc cho biết đang có "nguy cơ tấn công khủng bố rất cao và liên tục", đồng thời yêu cầu "đừng đến sân bay quốc tế Hamid Karzai". Anh cũng phát cảnh báo tương tự, yêu cầu những người đang ở sân bay di chuyển đến nơi an toàn.

Theo Hãng tin Reuters, ngày 26.8, một thành viên Taliban cho biết các chiến binh của họ đang tiếp tục bảo vệ dân thường bên ngoài sân bay Kabul, và họ "cũng đối mặt với đe dọa từ nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)".

Ông Ahmedullah Rafiqzai, một quan chức Afghanistan làm việc tại Tổng cục Hàng không dân dụng ở sân bay Kabul cho rằng rất có thể xảy ra việc một kẻ đánh bom liều chết tấn công vào các đám đông người chờ di tản.

Đài CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Mỹ tin ISIS-K - một nhánh của IS ở Afghanistan và là kẻ thù "không đội trời chung" của Taliban - đang có âm mưu gây hỗn loạn tại sân bay Kabul. Đồng thời, các nguồn tin tình báo cho rằng nhóm này cũng đang lên kế hoạch thực hiện nhiều vụ tấn công.

Khi thông báo về quyết định giữ nguyên hạn chót sơ tán vào ngày 31.8, ông Biden nhấn mạnh cần hoàn tất chiến dịch di tản càng sớm càng tốt. "Ngày nào chúng ta còn hiện diện tại thực địa là thêm một ngày chúng ta hiểu rằng ISIS-K đang tìm cách tấn công sân bay, các lực lượng Mỹ và đồng minh, và những người dân thường vô tội", ông Biden nói hôm 24.8.

Taliban lo mất nhân tài

Lực lượng Taliban tuyên bố dứt khoát không chấp nhận kéo dài thêm thời hạn sơ tán sau ngày 31.8 cho Mỹ. Tuần này, người phát ngôn Zabihullah Mujahid của Taliban còn yêu cầu Mỹ dừng ngay việc đưa nhân tài của Afghanistan ra khỏi đất nước.

Taliban cáo buộc người Mỹ đang đưa các chuyên gia của họ như kỹ sư, bác sĩ ra khỏi đất nước. "Chúng tôi yêu cầu Mỹ dừng ngay việc này. Afghanistan cần tài năng của họ. Họ không nên bị đưa sang nước khác", ông Mujahid nói.

Taliban muốn giữ lại nguồn lực chất xám trong bối cảnh nhiều thông tin cho biết phong trào này sẽ thành lập một hội đồng gồm 12 thành viên để điều hành đất nước. Cựu Tổng thống Hamid Karzai của Afghanistan được cho là sẽ tham gia hội đồng đó.

Theo tạp chí Foreign Policy, 3 nhân vật quyền lực nhất trong dàn lãnh đạo của Taliban là Mullah Abdul Ghani Baradar (người đồng sáng lập Taliban), Mullah Mohammad Yaqoob (con trai của nhà sáng lập Taliban - Mullah Mohammad Omar) và Khalil Haqqani (thành viên cấp cao trong mạng lưới Haqqani).

Đài Al Jazeera cho biết Taliban đã bổ nhiệm Abdul Qayyum Zakir (cựu tù nhân ở Guantanamo) làm quyền bộ trưởng quốc phòng. Họ cũng đã chỉ định các vị trí bộ trưởng tài chính, lãnh đạo cơ quan tình báo, quyền bộ trưởng nội vụ...

Trong giai đoạn cầm quyền ở Afghanistan trước, từ năm 1996 - 2001, Taliban đã sử dụng luật Hồi giáo Sharia vô cùng hà khắc để điều hành đất nước.

Giờ đây, một số bên đặt hy vọng vào một "Taliban 2.0", cho rằng lực lượng này đã khác xưa. Còn Taliban cam kết sẽ tôn trọng nhân quyền và không cho phép các phần tử khủng bố hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan. Tuy nhiên, nỗ lực cải thiện hình ảnh của Taliban đang vấp phải nhiều hoài nghi, nhất là từ phương Tây.

Cuộc sơ tán của Mỹ qua các con số

88.000 Số người được sơ tán khỏi Afghanistan trên các chuyến bay của quân đội Mỹ và đồng minh từ cuối tháng 7 tới nay.

82.300 Số người được sơ tán khỏi Afghanistan trên các chuyến bay của quân đội Mỹ và đồng minh chỉ từ ngày 14.8.

19.000 Số người được sơ tán khỏi Afghanistan chỉ trong 24 giờ từ ngày 24 tới 25.8 trên 90 chuyến bay của quân đội Mỹ và đồng minh.

6.000 Ước tính số công dân Mỹ muốn rời Afghanistan từ ngày 14.8, gồm 4.500 người đã được sơ tán và khoảng 1.500 người vẫn đang kẹt lại.

39 Cứ 39 phút lại có một máy bay sơ tán cất cánh từ sân bay Kabul hôm 24.8.

Lãnh đạo Nga - Trung điện đàm về Afghanistan

Trong cuộc điện đàm hôm 25.8, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí tăng cường liên lạc về vấn đề Afghanistan. Ông Putin cho biết Nga sẵn sàng hợp tác chặt với Trung Quốc để ngăn các rủi ro an ninh từ Afganistan.

Trong khi đó, ông Tập cho biết Trung Quốc "tôn trọng chủ quyền, độc lập cùng sự toàn vẹn lãnh thổ của Afghanistan, và theo đuổi chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của Afghanistan".

Theo Tuổi trẻ