Công khai thông tin và quyền riêng tư

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:37, 29/08/2021

Việc các trường đưa thông tin cá nhân của phụ huynh, học sinh lên mạng xã hội giúp phụ huynh và nhân dân giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp bất thường nhưng lại vi phạm quy định của pháp luật.

Trước thềm năm học mới, chuyện trường lớp luôn là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Hai năm trở lại đây, TP Hải Dương đã và đang thể hiện rõ quyết tâm loại bỏ việc "chạy trường, chạy lớp" bằng các biện pháp mạnh, trong đó có việc chia lớp bằng phần mềm và bốc thăm giáo viên chủ nhiệm. Công tác kiểm tra việc học sinh cư trú trên địa bàn là thực hay ảo cũng được tăng cường, tránh việc học sinh đăng ký tạm trú/thường trú tại một nơi nhưng thực tế lại sống ở nơi khác để hợp lý hóa tiêu chuẩn hộ khẩu khi xét tuyển vào một số trường.

Bước đầu, cách làm này được đánh giá khá hiệu quả. Tuy nhiên, sự việc trở nên quá đà khi một số trường thực hiện công khai danh sách học sinh vừa được tuyển sinh theo lớp với các thông tin cá nhân như địa chỉ, điện thoại, tên bố, tên mẹ... lên website, fanpage của trường. Mục đích của việc công khai thông tin được lý giải là để thông báo kết quả chia lớp cho phụ huynh, giúp phụ huynh nắm được con mình học lớp nào. Những năm trước, danh sách này thường được niêm yết tại trường, song năm nay do dịch Covid-19, việc đưa lên mạng sẽ giúp phụ huynh nắm thông tin nhanh hơn mà không phải tới trường.

Có ý kiến cho rằng việc công khai thông tin này còn giúp phụ huynh và nhân dân giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp bất thường, tưởng như là học sinh đúng tuyến nhưng thực chất lại trái tuyến.

Lý do đưa ra như trên cũng có lý xét theo góc độ của nhà trường, song nhìn từ quyền bảo mật thông tin cá nhân thì cách làm này lại vi phạm quy định của pháp luật. Mới đây, trả lời trên tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã khẳng định việc các trường đưa thông tin cá nhân của phụ huynh, học sinh lên mạng xã hội là vi phạm Luật Trẻ em, vi phạm các quy định của Chính phủ về bảo vệ trẻ em.

Ngày 26.8, khi tìm kiếm những danh sách học sinh với các thông tin cá nhân như đã nói ở trên đều thấy thông tin này đã được gỡ bỏ trên website, fanpage của nhiều trường. Động thái này cho thấy, ngành giáo dục và đào tạo TP Hải Dương đã cầu thị, tiếp thu ý kiến của cơ quan chức năng cũng như ý kiến mà báo chí nêu.

Chuyện lộ lọt thông tin cá nhân của học sinh không phải chỉ ở vụ việc cụ thể vừa qua. Trong vài năm trở lại đây, tôi thường rất ngạc nhiên khi sau mỗi kỳ khai giảng hoặc các cuộc họp phụ huynh đầu năm lại thường xuyên nhận được điện thoại của các trung tâm tiếng Anh mời đưa con đến học thử các chương trình. Giật mình bởi mình chưa từng đăng ký hay để lại bất kỳ thông tin nào tại trung tâm đó, song câu đầu tiên mà nhân viên của trung tâm gọi đến luôn là chị có phải là chị A., phụ huynh của cháu B, học lớp X., trường Y. hay không? Và thông tin mà họ đưa ra chính xác tới 100%. Thậm chí tôi nhớ rằng, tại nhiều cuộc họp phụ huynh, khi giáo viên gửi tờ rơi của các trung tâm ngoại ngữ để điền thông tin tôi đã để trống không ghi bất cứ thông tin nào, nhưng cuối cùng thì các trung tâm này vẫn biết. Ai đã cung cấp thông tin cá nhân của tôi cho họ? Không khó để đoán câu trả lời nhưng cũng thật khó để cáo buộc người đã làm lộ, lọt thông tin đó.

Cho đến nay, việc làm lộ thông tin cá nhân này mới chỉ gây hậu quả ở mức phụ huynh thỉnh thoảng bị quấy rầy bởi các cuộc điện thoại không mong muốn, chưa có vụ việc nghiêm trọng nào xảy ra. Tuy nhiên, không thể vì thế mà các trường coi thường quy định của pháp luật về quyền riêng tư, quyền bảo vệ thông tin cá nhân của học sinh, phụ huynh học sinh. 

HOÀI ANH