Ai được rút tiền trong sổ tiết kiệm đứng tên con?

Pháp luật - Ngày đăng : 08:08, 30/08/2021

Hỏi: Vợ chồng tôi mở sổ tiết kiệm chung, đứng tên con. Gần đây, anh định rút tiền để đầu tư riêng nhưng tôi không đồng ý. Vậy tiền có rút ra được không?

NGUYỄN THỊ L(Chí Linh)

Trả lời: Khoản 1 điều 75 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng có thể được thừa kế, được tặng cho riêng hoặc do con kiếm được. Theo đó, nếu cha mẹ mở sổ tiết kiệm đứng tên con thì đó là tài sản riêng của con.

Trường hợp con trên 15 tuổi, cha mẹ muốn rút tiền phải được con ủy quyền bằng văn bản. Nếu không có ủy quyền của con, cha mẹ không thể rút tiền.

Trường hợp con dưới 15 tuổi chưa thành niên, tài sản của con sẽ do người đại diện pháp luật là cha mẹ quản lý. Thậm chí, cha mẹ còn có quyền định đoạt tài sản này.

Về định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên, khoản 1 điều 77 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 15 tuổi có quyền định đoạt tài sản vì lợi ích của con. Nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Theo quy định này, cha mẹ có thể rút tiền trong sổ tiết kiệm nếu số tiền này phục vụ lợi ích của trẻ. Nhưng trên thực tế, pháp luật không quy định cụ thể thế nào là lợi ích và nguyện vọng của con. Do vậy, cha mẹ vẫn có thể rút tiền trong sổ tiết kiệm đó mà không cần chứng minh mục đích.

Xét trường hợp của bạn, nếu việc mở sổ tiết kiệm cho con được thực hiện bởi cả bố và mẹ thì khi rút tiền cần sự có mặt của hai người. Nếu bạn không có mặt hoặc không ủy quyền, chồng bạn không thể rút được tiền.

Nếu bạn ủy quyền cho chồng ngay từ lúc mở sổ thì chồng bạn có thể rút được tiền trong sổ tiết kiệm. Trường hợp này, bạn cần liên hệ với ngân hàng để họ xem xét việc không đồng ý cho chồng tự ý rút tiền vì mục đích riêng.