Phát hiện ADN của chủng người chưa từng được biết tới ở Indonesia

Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 10:44, 31/08/2021

Hóa thạch được tìm thấy cùng các đồ tạo tác của người Toalean, nền văn hóa săn bắt hái lượm sơ khai trong khu vực. Đây cũng là lần đầu tiên phát hiện được xương hóa thạch của thời kỳ Toalean.


Phát hiện được xương hóa thạch của thời kỳ Toalean

Theo một nghiên cứu được công bố ngày 25.8 trên tạp chí Nature (Anh), các nhà khảo cổ học của Indonesia và quốc tế đã phát hiện một chủng người săn bắt hái lượm chưa từng thấy ở bất kỳ đâu trên thế giới, thông qua phân tích ADN từ hóa thạch một bộ xương có niên đại 7.200 năm tuổi.

Hóa thạch tương đối nguyên vẹn này là của một thiếu nữ 17 hoặc 18 tuổi, được chôn cất trong tư thế bào thai bên trong Leang Panninge, một hang động đá vôi ở tỉnh Nam Sulawesi của Indonesia.

Hóa thạch được tìm thấy cùng các đồ tạo tác của người Toalean, nền văn hóa săn bắt hái lượm sơ khai trong khu vực. Đây cũng là lần đầu tiên phát hiện được xương hóa thạch của thời kỳ Toalean.

Đây là kết quả của quá trình khảo cổ được bắt đầu từ năm 2015. Theo nhà khảo cổ học Adam Brumm, đồng tác giả nghiên cứu, đây là lần đầu tiên phát hiện được ADN của người cổ đại trên khu vực đảo rộng lớn nằm giữa châu Á lục địa và Australia.

Đây là kết quả quan trọng bởi ADN bị thoái hóa rất nhanh trong điều kiện khí hậu nhiệt đới.

Theo các nhà khảo cổ học, kết quả phân tích ADN của hóa thạch cho thấy người thiếu nữ trên thuộc một nhóm dân cư liên quan đến người Papua hiện nay và người Australia bản địa, được các nhà khảo cổ học gọi là khu vực Wallacean.

Tuy nhiên, bộ gene của hóa thạch này cũng liên quan đến một tộc người chưa từng thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. 

Cũng theo những nhà khảo cổ học trên, phát hiện này ngược với các lý thuyết trước đây về thời gian xuất hiện của các tộc người khác nhau trong khu vực Nam Sulawesi.

Theo nhà khảo cổ Brumm, phát hiện này cho thấy con người ngày nay biết rất ít về giai đoạn sơ khai của loài người ở vùng đảo Wallacean.

Theo TTXVN