Xoay xở "bài toán" thiếu giáo viên

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 10:47, 02/09/2021

Quy mô lớp học tăng làm nhiều trường học trên địa bàn tỉnh thiếu giáo viên, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.


Toàn tỉnh vẫn thiếu gần 2.800 giáo viên trong biên chế và việc tuyển dụng đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh mang tính chất minh họa

Thiếu giáo viên đã trở thành "bài toán" khó của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hải Dương suốt nhiều năm nay. Năm học 2021-2022, rất nhiều trường học đang phải xoay xở đối phó với khó khăn này.

Không bảo đảm tỷ lệ giáo viên/lớp

Năm học này, Trường Tiểu học Văn Tố (Tứ Kỳ) thiếu 13 biến chế, trong đó có 9 giáo viên văn hóa, 3 giáo viên tiếng Anh và 1 giáo viên tin học. Để khắc phục khó khăn, trường phải huy động thêm một số giáo viên đã nghỉ hưu tham gia giảng dạy. Năm học mới đã cận kề nhưng một lớp của trường vẫn chưa có giáo viên chủ nhiệm, đang chờ chuyển từ trường khác về. Cô giáo Đoàn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Tố cho biết: “Nguyên nhân chính do học sinh tăng. Năm học này, trường tăng 2 lớp với 97 học sinh. Hai năm qua, trường mới tuyển được 1 giáo viên trong biên chế nhưng có tới 5 cô đã nghỉ hưu. Việc tìm giáo viên hợp đồng cũng không hề dễ dàng”.

Năm học này, huyện Tứ Kỳ thiếu 103 giáo viên trong biên chế. Việc tuyển dụng, ký hợp đồng khó khăn do nguồn tuyển dụng hạn chế. Ở một số trường tiểu học, phó hiệu trưởng phải kiêm chủ nhiệm lớp và lên lớp giảng dạy với số tiết nhiều hơn quy định.

TP Chí Linh hiện còn thiếu 53 giáo viên trong biên chế ở cấp THCS và 44 giáo viên tiểu học. Năm học 2021-2022, mặc dù đã ký hợp đồng với hàng chục giáo viên nhưng các cơ sở giáo dục ở thành phố vẫn thiếu khá nhiều. Không ít trường phải liên hệ, vận động giáo viên đã nghỉ hưu ký hợp đồng giảng dạy. “Giáo viên văn hóa cấp tiểu học bình thường chỉ dạy lớp chủ nhiệm. Tuy nhiên, do trường thiếu giáo viên nên họ phải dạy tăng tiết toán, tiếng Việt ở những lớp không phải chủ nhiệm”, một lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Chí Linh nói.

Hiện nay, không một địa phương nào ở tỉnh ta có tỷ lệ giáo viên/lớp ở tất cả các cấp học bảo đảm quy định. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở bậc mầm non đạt 1,92, cấp tiểu học 1,31, THCS 1,7, trong khi đó theo quy định lần lượt là 2-1,5 -1,9. 


Tình trạng thiếu giáo viên xảy ra phổ biến ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Trong ảnh: Giáo viên Trường Mầm non Hồng Lạc (Thanh Hà) chăm sóc trẻ dịp hè. Ảnh tư liệu

Sớm khắc phục bất cập

Một trong những khó khăn dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên là do tăng quy mô lớp học. Năm học 2021-2022, mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo trong tỉnh ổn định nhưng quy mô lớp, học sinh tăng mạnh so với năm học trước. Cụ thể, toàn tỉnh có 487.756 học sinh từ cấp mầm non đến THPT, tăng 21.823 em; có 15.170 lớp, tăng 659 lớp so với năm học 2020-2021.

Hiện nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh bị thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên. Nghiên cứu của một số nhà quản lý giáo dục cho thấy số học sinh sau tốt nghiệp THPT tham gia xét tuyển đại học ngành sư phạm đã giảm mạnh so với những năm trước. Điều này xuất phát từ những bất cập trong thực hiện chính sách đối với giáo viên.

Một cán bộ quản lý giáo dục ở huyện Ninh Giang cho rằng bất cập nhất hiện nay là xếp lương cho giáo viên theo vị trí việc làm. Hàng trăm giáo viên mầm non tốt nghiệp đại học cách đây hàng chục năm, đến tuổi nghỉ hưu vẫn chỉ được hưởng lương trung cấp, cao đẳng. Nhiều năm qua, tỉnh Hải Dương mới tổ chức được một đợt xét thăng hạng cho giáo viên từ bậc IV lên bậc III (từ trung cấp lên cao đẳng) vào năm 2020, còn những giáo viên có bằng đại học vẫn chưa được xét. “Nhiều giáo viên sinh ra chán nản, bỏ nghề đi làm công ty vì dù sao lương cũng cao hơn. Chúng ta vẫn khuyến khích giáo viên tích cực học tập, nâng cao trình độ nhưng khi họ học xong lại không quan tâm giải quyết chế độ mà họ xứng đáng được hưởng. Điều này ảnh hưởng tới cả tâm lý và đời sống vật chất của giáo viên”, người này nhận định.

Chị P.T.H., giáo viên một trường tiểu học ở huyện Tứ Kỳ chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp đại học cách đây gần chục năm mà giờ vẫn chỉ được hưởng lương cao đẳng. Thực sự vì yêu nghề nên chúng tôi vẫn cố đứng lớp thôi chứ tính ra thu nhập như vậy không thể bảo đảm được cuộc sống”.

Tìm hiểu cho thấy chế độ đối với giáo viên hợp đồng hiện chưa hấp dẫn. Những giáo viên mới vào nghề chỉ được hưởng mức lương khoảng 3-4 triệu đồng/tháng, thấp hơn so với đi làm công nhân. Giáo viên mầm non đi làm từ sáng đến tối, áp lực công việc lớn, vừa phải dạy, vừa phải sáng tạo đồ dùng, đồ chơi... Bình thường mỗi lớp mầm non có 2 giáo viên, nhưng khi có một cô nghỉ chế độ thai sản là cô còn lại phải ôm tất cả công việc mà không được hưởng chế độ dạy thêm. Trong khi đó, giáo viên tiểu học và THCS dạy tăng tiết lại được hưởng chế độ. Thu nhập thấp, không bảo đảm cuộc sống là một trong những nguyên nhân chính khiến không ít giáo viên không còn hứng thú với nghề, bỏ đi tìm việc khác.

Đợt thi tuyển giáo viên toàn tỉnh dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới được kỳ vọng sẽ tháo gỡ phần nào khó khăn này. Nhưng với yêu cầu người dự tuyển giáo viên mầm non phải có trình độ cao đẳng và giáo viên tiểu học, THCS phải có trình độ đại học trở lên dự báo việc tuyển dụng cũng sẽ gặp khó khăn.

MẠNH ANH