Vì sao khó đầu tư nhà máy đốt rác phát điện?
Môi trường - Ngày đăng : 12:05, 02/09/2021
Xây dựng nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện là giải pháp tối ưu, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thu hồi năng lượng
Tuy nhiên, việc xây dựng nhà máy sử dụng công nghệ này trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn.
Chưa có dự án triển khai
Năm 2019, đã có một nhà đầu tư đề xuất đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác, thu hồi nhiệt năng để phát điện tại xã Lương Điền (Cẩm Giàng). Dự án sử dụng công nghệ tiên tiến của châu Âu, bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam, do Liên doanh United Expert Investments Limited và Công ty CP Tài nguyên và Môi trường Âu Việt làm chủ đầu tư. Tổng vốn đăng ký 1.023 tỷ đồng, sử dụng khoảng 10 ha đất, công suất xử lý 500 tấn RTSH/ngày đêm. Dự án đã được sự đồng thuận, nhất trí cao của Đảng bộ, chính quyền và đa số người dân trong tỉnh với kỳ vọng có thể giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm RTSH trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án đã vấp phải sự phản đối của người dân địa phương. Người dân cho rằng khoảng cách từ vị trí xây dựng nhà máy đến khu dân cư, trường học quá gần, không bảo đảm quy định. Người dân cũng lo ngại nhà máy sẽ gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển, lưu trữ, xử lý RTSH. Vì vậy, mặc dù lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và huyện Cẩm Giàng, xã Lương Điền cùng chủ đầu tư rất quyết tâm, nỗ lực nhưng dự án vẫn chưa thể triển khai xây dựng.
Ngày 15.7.2021, Tập đoàn Hitachi Zosen Nhật Bản đã đề xuất với Tỉnh ủy cho xây dựng 1 nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt rác phát điện trên địa bàn. Lãnh đạo Tỉnh ủy đánh giá cao công nghệ mà tập đoàn này giới thiệu, đồng ý với đề xuất nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy tại Hải Dương. Tỉnh cũng sẽ cung cấp những dữ liệu cần thiết, dành những điều kiện tốt nhất để tập đoàn tiến hành nghiên cứu khả thi. Nhưng đến nay vẫn chưa rõ chủ đầu tư sẽ đề xuất quy mô, công nghệ xử lý, giá thành cho mỗi tấn rác, vị trí xây dựng, việc kết nối hệ thống truyền tải điện quốc gia ra sao. Dự án mới dừng ở bước đề xuất, khả năng trở thành hiện thực trong thời gian ngắn không cao.
Theo đánh giá của lãnh đạo Chi cục Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) khó khăn nhất trong triển khai xây dựng nhà máy xử lý RTSH bằng công nghệ đốt rác phát điện là vị trí xây dựng và giá thành xử lý cho mỗi tấn rác thải. Trong đó, lựa chọn vị trí xây dựng nhà máy là khó khăn nhất vì hầu hết đều gặp phải sự phản đối của người dân địa phương khi triển khai. Vị trí xây dựng cũng phải phù hợp cho việc thu gom, vận chuyển rác của các địa phương để giảm chi phí. Bên cạnh đó, kinh phí nhà nước hỗ trợ xử lý cho mỗi tấn rác cũng khiến các nhà đầu tư băn khoăn. Nếu giá hỗ trợ thấp thì không thu hút được nhà đầu tư, cao quá thì ngân sách nhà nước không đáp ứng được.
Cần có cơ chế thu hút đầu tư phù hợp
Năm 2020, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.270 tấn/ngày, dự báo đến năm 2025 tăng lên khoảng 1.387 tấn/ngày. Hiện nay, khoảng 93% RTSH của khu vực đô thị đã được thu gom. Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 85%. Tuy nhiên, RTSH được xử lý bằng phương pháp đốt chỉ đạt khoảng 27,7%. Phần còn lại chỉ được xử lý bằng phương pháp chôn lấp thông thường, dễ gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu tới hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường vấn đề lựa chọn công nghệ phù hợp để xử lý đang là ưu tiên hàng đầu trong quản lý RTSH. Việc lựa chọn công nghệ phải đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí như khả năng tiếp nhận các loại RTSH; quy mô, công suất, mức độ tự động hóa của dây chuyền xử lý; tỷ lệ tái sử dụng, tái chế, chôn lấp chất thải sau xử lý; việc quản lý vận hành và bảo dưỡng, tiết kiệm và thu hồi năng lượng trong quá trình xử lý… Trong đó, lựa chọn những dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, công suất cao, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, trong đó có công nghệ đốt rác phát điện là giải pháp mang tính đột phá trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.
Trong bối cảnh hiện nay, xây dựng nhà máy xử lý rác thải phát điện là một trong những ưu tiên hàng đầu vì thân thiện môi trường, có thể xử lý triệt để rác thải phát sinh, có khả năng thu hồi năng lượng bù đắp chi phí đầu tư xây dựng… Việc lựa chọn vị trí đặt nhà máy cũng phải tính toán kỹ, phù hợp với quãng đường vận chuyển để giảm gánh nặng ngân sách cũng như nhận được sự đồng thuận của người dân. Tỉnh cũng nên xây dựng cơ chế thu hút cụ thể như ưu đãi về đất đai, tiền thuê đất, thủ tục đầu tư xây dựng, giá thành xử lý cho mỗi tấn rác, hệ thống hạ tầng kỹ thuật như giao thông, điện, kết nối với hệ thống truyền tải điện quốc gia… Khi nào nhìn thấy lợi nhuận từ việc xây dựng nhà máy đốt rác phát điện, doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư xây dựng. Chỉ khi thấy việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải không gây ô nhiễm môi trường, giải quyết triệt để lượng rác thải phát sinh hằng ngày, khi đó người dân mới ủng hộ dự án.
VỊ THỦY