Những kỹ năng "cần làm ngay" để chuẩn bị cho trẻ lớp 1 học trực tuyến
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 14:15, 03/09/2021
Khi học tập trực tuyến, sự tập trung chú ý của trẻ còn bị chi phối bởi các thiết bị công nghệ nên trẻ sẽ càng dễ mất tập trung và giảm chú ý nhanh hơn so với học tập trực tiếp
Quá trình chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học là một bước ngoặt quan trọng đối với sự phát triển về tâm lý, cảm xúc xã hội và đặc biệt là sự phát triển tư duy logic của trẻ.
Vào lớp 1 là một dấu mốc cho thời kỳ phát triển tính độc tập về mặt cá nhân và học tập, trẻ dần chuyển từ sự phụ thuộc vào người lớn để trở thành những cá nhân tích cực, tự tin và sẵn sàng khám phá thế giới rộng mở; đó cũng là bước chuyển đánh dấu niềm hạnh phúc của cha mẹ khi chứng kiến con dần khôn lớn, độc tập và tự tin trong cuộc sống.
Trẻ vào lớp 1 trong bối cảnh học tập trực tuyến chắc chắn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn khi trẻ nhập học theo cách truyền thống. Tuy nhiên, nhà trường và cha mẹ cũng có nhiều điều kiện và cơ hội hơn để chuẩn bị hành trang cho trẻ thích ứng và hòa nhập với môi trường học tập mới.
Vậy nhà trường và cha mẹ cần làm gì để giảm thiểu những khó khăn tiềm ẩn và những khó khăn hiện hữu cho trẻ, giúp trẻ nhanh chóng thích ứng và hòa nhập được với nhịp độ hoạt động học tập ở trường học trực tuyến?
Những điều trẻ cần được chuẩn bị khi học lớp 1
Thứ nhất, thiết lập các mối quan hệ xã hội trong môi trường học tập mới. Trẻ cần được biết về ngôi trường các cháu được học, biết tên, đặc điểm để nhận ra thầy cô giáo và các bạn. Điều này dẫn đến việc xây dựng sự tin cậy và sợi dây gắn bó tình cảm của trẻ với các bạn học và thầy cô giáo trong lớp học, là tiền đề để trẻ tự tin, tự khẳng định mình, phát triển bản thân và mong muốn đóng góp cho nhóm bạn học, lớp học.
Thứ hai, trẻ cần được làm quen với sách vở và đồ dùng học tập của học sinh lớp 1, đó là những thứ có khác biệt khá lớn so với những đồ dùng, đồ chơi mà trẻ tìm thấy ở môi trường mầm non. Làm quen với sách vở và đồ dùng học tập mà trẻ sẽ sử dụng đến hàng ngày sẽ giúp cho hoạt động học tập trong môi trường mới trở nên thân thiện và gần gũi hơn với trẻ.
Thứ ba, trẻ cần được rèn luyện sự tập trung chú ý vào các nội dung học tập với nhiều các thao tác phức hợp. Trẻ ở độ tuổi bước vào lớp 1, việc tập trung chú ý vào nội dung bài học trong khoảng thời gian của một tiết học ở tiểu học là một thách thức lớn. Bởi lẽ, ở độ tuổi này, các giác quan của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển, hoàn thiện, sự kết hợp giữa các giác quan trong quá trình tiếp nhận thông tin còn hạn chế.
Những chuỗi hoạt động phối hợp tưởng chừng rất đơn giản như nghe - nói - đọc - viết - tính toán thì cũng là những khó khăn với trẻ đầu lớp 1. Đặc biệt khi học tập trực tuyến, sự tập trung chú ý của trẻ còn bị chi phối bởi các thiết bị công nghệ nên trẻ sẽ càng dễ mất tập trung và giảm chú ý nhanh hơn so với học tập trực tiếp.
Việc rèn luyện với mức độ tăng dần thời gian tập trung chú ý của trẻ sẽ giúp trẻ tránh được các sao nhãng gây trở ngại cho việc hiểu và phân tích logic các nhiệm vụ cũng như các yêu cầu của bài học.
Thứ tư, trẻ cần được rèn luyện nền nếp sinh hoạt điều độ và một số kĩ năng tự phục vụ khi bước vào môi trường học tập mới. Trong môi trường học tập mới, có sự chuyển đổi hoạt động chủ đạo từ vui chơi sang học tập. Do đó, trẻ cần thay đổi thói quen và nền nếp sinh hoạt để thích ứng với những yêu cầu của hoạt động học tập.
Cụ thể, hàng ngày trẻ phải thức dậy đúng giờ để chuẩn bị tới lớp; trẻ cần học cách tự chuẩn bị trang phục, sách vở và đồ dùng học tập; trẻ cần học cách ngồi ngay ngắn và tập trung chú ý vào bài học suốt cả tiết học; trẻ phải thực hiện được đầy đủ các yêu cầu, nhiệm vụ học tập mà giáo viên đưa ra.
Thứ năm, chuẩn bị các kiến thức nền tảng cơ bản làm tiền đề cho việc tiếp thu kiến thức từ các môn học trong chương trình lớp 1. Mặc dù, những kiến thức nền tảng này không nhiều, chỉ đơn giản là việc nhận diện được các chữ cái, viết được các nét cơ bản, đếm và nhận diện số, các hình hình học… nhưng đây chính là cơ sở để trẻ tiếp thu được những kiến thức ở môi trường học tập mới. Có được sự chuẩn bị về tốt về kiến thức nền tảng cơ bản khi bước vào lớp 1, sẽ giúp trẻ có sự khởi đầu thuận lợi, tạo sự tự tin cho cả quá trình học tập lâu dài.
Thứ sáu, trẻ được làm quen với các thiết bị công nghệ và bước đầu có được một số kĩ năng cơ bản để thao tác với các thiết bị đó.
Giáo viên đóng vai trò quyết định
Nhà trường và giáo viên sẽ luôn đóng vai trò chủ đạo, quyết định chủ yếu tới chất lượng, hiệu quả dạy học, giáo dục cho dù đó là trực tiếp hay trực tuyến. Để tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 1, nhà trường cần có một sự chuẩn bị và chuyển đổi mạnh mẽ để đảm bảo dạy học phù hợp và hiệu quả. Cụ thể:
Xây dựng kế hoạch giáo dục của năm học có tính đến phương án dạy học trực tuyến cả trong ngắn hạn và dài hạn. Chọn lọc những nội dung giáo dục phù hợp để tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến. Bên cạnh đó, cần có phương án hỗ trợ, bổ khuyết những kiến thức và kĩ năng thiếu hụt cho trẻ vào thời gian trẻ có thể quay trở lại trường để học trực tiếp.
Cấu trúc lại các bài học để đảm bảo phù hợp với việc tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến. Thời gian cho mỗi tiết học chỉ nên từ 30-35 phút và tổng thời gian học trực tuyến trong ngày không quá 2 tiếng để đảm bảo sự an toàn về thị lực và tránh các vấn đề về tâm lí và sinh học của trẻ.
Các hoạt động học tập trong một tiết học nên được trò chơi hóa tối đa để thu hút sự tập trung chú ý của trẻ. Ngoài ra, trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến, giáo viên cần dành khoảng thời gian 10 - 20 phút đầu buổi học để trò chuyện với trẻ về cuộc sống thường nhật và những điều trẻ quan tâm, nhằm tạo cảm giác gần gũi, thân thiện, giảm áp lực và xua tan lo lắng từ phía trẻ.
Tổ chức tập huấn cho cha mẹ học sinh về dạy học trực tuyến cho trẻ. Một mặt cần thống nhất quan điểm và tìm kiếm sự ủng hộ, cam kết đồng hành của cha mẹ với các con trong quá trình trẻ học tập, lắng nghe những khó khăn của từng gia đình để chuẩn bị các phương án hỗ trợ sao cho sát hợp với tình hình thực tế.
Mặt khác việc làm này của nhà trường còn nhằm giúp cha mẹ biết cách hướng dẫn học sinh các kỹ năng học tập theo môn học, loại bài học đồng thời cung cấp cho cha mẹ học sinh tài liệu học tập các môn học.
Nhà trường và giáo viên cần xây dựng hệ thống các nhiệm vụ cho trẻ thực hiện vào thời gian nghỉ giải lao để trẻ rời màn hình kèm theo các nhiệm vụ thực hành hoặc các dự án nhỏ tại nhà. Việc thực hiện các nhiệm vụ và dự án này có sự tham gia, đồng hành của cha mẹ và người thân nhằm giúp trẻ ôn tập kiến thức đã học và phát triển các năng lực học tập, năng lực hoạt động thực tiễn khác.
Các nhiệm vụ hoặc dự án cần thiết tổ chức cho trẻ thực hiện tại nhà có thể bao gồm: đọc sách, vẽ tranh, làm sách vải, kể chuyện, trò chơi câu đố, hát và biểu diễn, chăm sóc người thân, làm việc nhà,…
Xây dựng kênh kết nối cha mẹ học sinh thường xuyên, liên tục. Kết nối giữa giáo viên và cha mẹ học sinh một cách thường xuyên, liên tục bằng bất kỳ kênh nào đều rất có giá trị. Việc kết nối này có thể thông qua liên hệ trực tiếp (qua điện thoại, mạng xã hội, nền tảng học tập trực tuyến) hoặc bằng cách quay các video ngắn gửi tới cha mẹ và học sinh.
Nội dung kết nối đa dạng theo đặc điểm và nhu cầu của cá nhân hoặc tập thể học sinh. Kênh kết nối hai chiều liên tục giúp giáo viên và nhà trường nắm bắt thông tin tình học tập của trẻ để có những điều chỉnh kịp thời cho hoạt động dạy học và giáo dục.
Cha mẹ cần trang bị thêm kỹ năng để hỗ trợ con vào học lớp 1 trực tuyến
Trong bối cảnh giãn cách và làm việc từ xa của Việt Nam và các nước trên thế giới như hiện nay, mỗi cá nhân lại phải học thêm nhiều kỹ năng và gánh vác thêm nhiều vai trò chưa từng có tiền lệ.
Việc này cũng không ngoại lệ đối với các bậc làm cha mẹ có con trong độ tuổi đi học, mà nhất là những cha mẹ có con vào lớp 1. Cha mẹ của trẻ lúc này nhận thêm nhiều vai trò mới, đó là làm người đồng hành, trợ giảng, người chăm sóc, bạn học và bạn chơi đối với trẻ.
Cha mẹ cũng đột ngột phải học thêm nhiều các kỹ năng mới để thích ứng với nhiều các vai trò và nhiệm vụ trong tình hình mới. Do vậy cha mẹ cần chuẩn bị những điều sau để hỗ trợ con học trực tuyến được thuận lợi và dễ dàng hơn:
Điều đầu tiên cần phải chuẩn bị chính là tâm lý thoải mái, thư giãn và lạc quan: Tâm lý của cha mẹ tác động trực tiếp và tức thời đến tâm lý trẻ, do vậy nếu cha mẹ cảm thấy căng thẳng, áp lực, bùng nổ và thiếu kiểm soát sẽ gây đến cho trẻ sự sợ hãi, lo lắng, căng thẳng.
Nếu cha mẹ thoải mái, bình tĩnh để trao đổi và hỗ trợ trẻ trong mọi tình huống, thì trẻ sẽ luôn cảm thấy an toàn, được động viên, nâng đỡ, nhiều niềm tin và không ngại tham gia các thách thức học tập từ bạn học, giáo viên, cũng như những thách thức trong các hoạt động tại nhà. Cha mẹ là cầu nối cảm xúc quan trọng giữa trẻ, bạn học và giáo viên khi khoảng cách tiếp xúc trực tuyến có nhiều hạn chế.
Cha mẹ cần học một cách nghiêm túc cách sử dụng các phần mềm và ứng dụng công nghệ mà trẻ học trực tuyến để hỗ trợ trẻ trong giai đoạn đầu và cả những sự cố bất chợt trong quá trình học tập sau này.
Trong quá trình hỗ trợ trẻ, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cách giải quyết các sự cố đơn giản trong học tập trực tuyến để trẻ dần độc tập và có kĩ năng tự giải quyết vấn đề của mình.
Đối với việc hỗ trợ về mặt kiến thức trẻ, với hình thức học tập trực tiếp, giáo viên dành toàn thời gian của ngày học, tuần học và năm học để bổ trợ liên tục những thiếu hụt kiến thức và kĩ năng cho trẻ.
Tuy nhiên, đối với việc học tập trực tuyến, cha mẹ cần nắm bắt được một số các kiến thức cơ bản trong chương trình lớp 1 (về đọc, viết và tính toán) để hỗ trợ các con. Việc hiểu và đồng hành cùng trẻ của cha mẹ sẽ giúp trẻ học mọi lúc, mọi nơi trong suốt thời gian ở gia đình, biến những kiến thức trẻ học được trở nên có tính ứng dụng cao trong chính thực tiễn cuộc sống của trẻ.
trong thời gian trẻ học trực tuyến tại gia đình, cha mẹ cần tạo cho trẻ một không gian học tập gọn gàng, yên tĩnh và đủ ánh sáng. Không gian học tập cần giảm thiểu các yếu tố gây nhiễu, làm phiền tới sự tập trung, chú ý của trẻ. Không gian này cũng đủ riêng tư để trẻ dễ dàng học cách sắp xếp sách vở và đồ dùng học tập, qua đó trẻ cũng dần hình thành được nếp sống và thói quen tự lập.
Cần giúp trẻ xây dựng các mối quan hệ tình thân tốt đẹp trong gia đình, với thầy cô giáo và với bạn học. Học tập trực tuyến và giãn cách xã hội khiến cho trẻ luôn cảm thấy thiếu vắng những tương tác giàu cảm xúc.
Do đó, những hoạt động mà cha mẹ nên khuyến khích con tham gia là: tạo các nhóm bạn để học trực tuyến cùng giờ, hẹn giờ cùng đọc sách, livestream để cùng hát, múa và tập thể dục; hoặc gọi điện cho ông bà và người thân ở xa để kể về niềm vui khi con vào lớp 1; kể về bạn học và những câu chuyện thú vị con học được trên lớp; kể về những việc con làm được khi ở nhà;… những việc làm này được tiến hành thường xuyên với đa dạng các hình thức sẽ giúp cho trẻ luôn cảm thấy nhộn nhịp, đông vui, đầy đủ những cảm xúc và tình cảm xã hội; bù đắp những thiếu hụt và làm cân bằng trạng thái tâm lý cho trẻ.
Nhu cầu học tập, khám phá thế giới và giao tiếp xã hội của trẻ không vì đại dịch hay giãn cách mà dừng lại. Trẻ nhỏ cũng sẽ không vì ảnh hưởng của đại dịch mà bị bỏ lại những nhu cầu chính đáng của sự khôn lớn và trưởng thành.
Cha mẹ, nhà trường và cộng đồng cùng có trách nhiệm tạo dựng môi trường học tập trực tuyến sống động, truyền cảm hứng để nuôi dưỡng động cơ học tập không ngừng ở trẻ.
Vậy nên cần có sự đồng hành giữa cha mẹ, nhà trường và cộng đồng trong việc tìm kiếm nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn khi học tập trực tuyến. Khi cha mẹ, nhà trường và cộng đồng cùng chung tay, chúng ta đang tạo ra những cơ hội học tập độc đáo, phá bỏ mọi giới hạn địa lý và tạo cho trẻ năng lực thích ứng "không biên giới" trong thế giới công nghệ học tập của tương lai.
Theo Dân trí