Cổ phiếu "vua" có còn hấp dẫn trong những tháng cuối năm?

Kinh tế - Ngày đăng : 20:26, 03/09/2021

Sau 6 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh mẽ, nhóm cổ phiếu ngân hàng liên tiếp bị điều chỉnh và có sự phân hóa rõ rệt kể từ đầu tháng 7 đến nay.

Tâm lý thị trường dường như có phần thận trọng hơn với nhóm cổ phiếu này, khi các phân tích đều bày tỏ mối lo ngại về sự suy giảm chất lượng tài sản của các ngân hàng hậu đại dịch.

Chú thích ảnh

Giao dịch chứng khoán tại sàn Maybank KIM ENG, TP Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa)

Hồi phục chậm hơn VN-Index

Sau khi thiết lập mức đỉnh lịch sử 1.420,27 điểm vào ngày 2.7.2021, thị trường chứng khoán đã có nhịp điều chỉnh sâu với việc VN-Index “bốc hơi” hơn 100 điểm, tương đương với mức giảm gần 7%, chỉ còn 1.310,05 điểm vào cuối tháng. Thay vì dẫn sóng thị trường như danh xưng “cổ phiếu vua”, thì cổ phiếu ngân hàng trở thành một trong những nhóm kéo chỉ số giảm mạnh nhất.

Bước sang tháng 8, dù chỉ số VN-Index đã hồi phục đáng kể khi kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng với 1.331,47 điểm, tăng 1,64% so với tháng trước. Nhiều nhóm cổ phiếu ngành đã có sự hồi phục, thế nhưng chỉ số nhóm ngành tài chính (VNFIN) vẫn tiếp tục “lạc lỏng” với diễn biến thị trường chung khi giảm tới 3,23%. Nhiều cổ phiếu ngân hàng tiếp tục có sự biến động mạnh trong khoảng thời gian này.

Trong số các cổ phiếu ngân hàng, diễn biến của CTG – cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) có lẽ gây thất vọng nhiều nhất đối với giới đầu tư. So với phiên giao dịch cuối tháng 6.2021, mã cổ phiếu này đã giảm gần 40%, từ mức 52.700 đồng/cổ phiếu xuống còn 31.800 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên cuối cùng của tháng 8. Trong 2 tháng qua, sắc đỏ hầu như bao phủ lên mã cổ phiếu này, thậm chí còn có phiên giảm sàn.

Cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng có diễn biến tương tự, khi giảm mạnh hơn 36% so với cuối tháng 6. Hiện giao dịch ở mức 27.900 đồng/cổ phiếu. Dù trong nửa đầu năm nay, MB báo lãi trước thuế tăng tới 56%, với hơn 7.986 tỷ đồng. Tổng nợ xấu cuối quý II.2021 giảm 22% so với đầu năm.

Sau những kỳ vọng về dàn lãnh đạo mới, cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt cũng không tránh khỏi đà giảm của thị trường. Đóng cửa phiên 31.8, LPB “bốc hơi” gần 7 điểm, tương đương với mức giảm 23% so với mức giá đóng cửa phiên ngày 30/6. Khối lượng giao dịch khớp lệnh cũng giảm mạnh, chỉ còn khoảng 5-6 triệu cổ phiếu, trong khi có thời điểm con số này lên tới 35 triệu cổ phiếu.

Không chỉ 3 cổ phiếu trên, quan sát cho thấy, ngoại trừ NVB (Ngân hàng TMCP Quốc dân) duy trì đà tăng tích cực, thì thị giá cổ phiếu các ngân hàng còn lại đều sụt giảm đáng kể từ đầu tháng 7 đến nay. Một số cổ phiếu rơi vào mức giá đáy trong nhiều tháng trước đó.

Dĩ nhiên, việc nhiều cổ phiếu ngân hàng bị điều chỉnh mạnh phải kể đến yếu tố pha loãng sau khi chia cổ tức, do tháng 7-8 là thời điểm các ngân hàng triển khai kế hoạch tăng vốn, chia cổ tức bằng cổ phiếu…. Tuy vậy, nếu không tính khoản chênh lệch do cổ phiếu bị pha loãng, nhìn chung nhóm cổ phiếu này cũng biến động mạnh hơn so với chỉ số VN-Index.

Thậm chí, ngay cả thông tin Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (Mã: SHB) bán công ty tài chính SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG – Nhật Bản với định giá khoảng 156 triệu USD, cũng không tạo sự bứt phá cho cổ phiếu này. Hay như Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mã: MSB) chuẩn bị chia cổ tức khủng 30%, thì thị giá cổ phiếu vẫn hầu như đi ngang…

Liệu có còn hấp dẫn?

Theo ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích Đầu tư Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, sở dĩ nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu sự điều chỉnh mạnh trong thời gian qua là do kỳ vọng tăng trưởng trong nửa cuối năm không còn được tốt như khoảng thời gian trước đó. Lợi nhuận của các ngân hàng khó có thể bùng nổ trong bối cảnh nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng liên đới.

Với tình hình dịch như hiện nay cộng thêm việc nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng trong quý III/2021 sẽ chậm lại, các ngân hàng sẽ phải đặt vấn đề quản trị rủi ro lên hàng đầu để đảm bảo chất lượng tài sản.

Mặt khác, diễn biến dịch kéo dài đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp, khiến áp lực trích lập nợ xấu của các ngân hàng tăng mạnh.

Trong năm 2021-2022, lợi nhuận của các ngân hàng phần nào phụ thuộc vào khả năng thu hồi nợ từ những khoản nợ vay tái cơ cấu. Nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp sẽ phải tăng thêm dự phòng, từ đó làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng.

Dù chịu nhiều ảnh hưởng, song một số phân tích vẫn lạc quan về triển vọng của ngành ngân hàng trong thời gian tới.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Cấp cao Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, không thể phủ nhận những tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với ngành ngân hàng, tuy nhiên nếu so với nhiều ngành kinh tế khác, mức độ ảnh hưởng của dịch vẫn thấp hơn nhiều. Dù bị giãn cách xã hội, song hoạt động ngân hàng vẫn được duy trì nhờ nền tảng giao dịch trực tuyến, cộng thêm những khoản thu nhập ngoài lãi sẽ giúp các ngân hàng duy trì tăng trưởng lợi nhuận khả quan.

“Khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động của doanh nghiệp sẽ hồi phục trở lại, nhu cầu tín dụng sẽ tăng trở lại. Ngành ngân hàng sẽ được hưởng lợi nhờ nhu cầu “bơm vốn” hồi phục kinh tế. Giao dịch của nhóm cổ phiếu ngân hàng theo đó sẽ sớm sôi động trở lại và sẽ tiếp tục dẫn sóng thị trường trong những tháng cuối năm và cả năm 2022”, ông Phương nhận định.

Mặt khác, việc các ngân hàng gia tăng dự phòng trong thời gian gần đây cũng giúp giảm rủi ro liên quan đến đại dịch gia tăng. Thống kê của Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho thấy, tổng dự phòng trong quý II.2021 của các ngân hàng niêm yết ước khoảng 33.400 tỷ đồng, tăng 55% so với quý I.2021 và tăng 83% so với cùng kỳ 2020.

Theo Yuanta Việt Nam, việc trích lập dự phòng một cách thận trọng sẽ giúp các ngân hàng có sự chuẩn bị tốt hơn và giảm áp lực dư luận về việc công bố tăng trưởng lợi nhuận quá cao trong bối cảnh khách hàng, doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 01/2021/NHNN ngày 13.3.2020 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho dòng tiền, hỗ trợ thị giá cho nhóm cổ phiếu này trong những tháng cuối năm. Bởi trong dự thảo sửa đổi, thời gian tái cơ cấu nợ sẽ được kéo dài đến ngày 30.6.2022, thay vì như kế hoạch ban đầu là ngày 31.12.2021.

Mặt khác, với khả năng quản trị rủi ro tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước, cộng thêm các ngân hàng ngày càng có nhiều sản phẩm tài chính đa dạng như trái phiếu, bảo hiểm hay phát triển thanh toán thẻ, ngân hàng số… sẽ là những yếu tố hỗ trợ, tạo sự tăng trưởng bền vững cho ngành ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

Theo TTXVN