Ngôi làng đàn ông và phụ nữ nói 2 ngôn ngữ khác nhau

Chuyện lạ - Ngày đăng : 10:32, 05/09/2021

Người dân làng Ubang, Nigeria, tin rằng Chúa ban cho họ hai ngôn ngữ khác hẳn nhau, một dành cho đàn ông, một dành cho phụ nữ.


Ở cùng ngôi làng, có những từ cùng một nghĩa nhưng có cách nói, cách viết khác nhau. Ảnh: BBC

Không rõ tỉ lệ các từ ngữ khác nhau dành riêng cho nam giới và nữ giới tại ngôi làng Ubang chính xác là bao nhiêu, nhưng có đủ ví dụ chứng minh điều đó. Chẳng hạn, đối với từ "quần áo", nam giới sẽ nói là "nki", phụ nữ nói "ariga", từ "cây cối" sẽ được nam đọc là "kitchi", còn phụ nữ nói là "okweng".

Những từ ngữ này chung nghĩa nhưng khác nhau về cách phát âm, cách viết. Nhà nhân chủng học Chi Chi Undie, người có nhiều nghiên cứu về Ubang cho biết: "Nó gần giống như hai từ vựng khác nhau. Có những từ mà đàn ông và phụ nữ nói chung, sau đó lại có những từ khác hoàn toàn tùy thuộc vào giới tính".

Rất may là cả hai giới ở Ubang đều hiểu người khác giới nói gì. Vì sống cùng cha mẹ, bé trai và bé gái học được cả hai ngôn ngữ. Đến 10 tuổi, các bé trai sẽ nói bằng ngôn ngữ dành cho nam giới.

"Đến một độ tuổi nhất định, bé trai phát hiện ra cần phải nói ngôn ngữ nam nên chủ động thay đổi. Khi cậu ấy nói ngôn ngữ đàn ông, có nghĩa cậu đã trưởng thành", trưởng làng Oliver Ibang cho biết.

Không ai biết làm thế nào và tại sao bắt nguồn hai ngôn ngữ này ở Ubang, nhưng hầu hết người dân địa phương tin vào truyền thuyết: Chúa tạo ra Adam và Eva là người Ubang, ban cho họ hai ngôn ngữ khác nhau. Chúa định cung cấp cho mỗi nhóm dân tộc hai ngôn ngữ, nhưng nhận ra không đủ nên chỉ dừng lại ở làng Ubang - biến nơi đây thành ngôi làng khác biệt với thế giới.

Nhà nhân chủng học Chi Chi Undie tin rằng hai ngôn ngữ này là kết quả của một "nền văn hóa hai giới tính", nơi đàn ông và phụ nữ hoạt động trong hai lĩnh vực riêng biệt, sống trong thế giới riêng biệt. Tuy nhiên, vị này thừa nhận đây là một lý thuyết yếu, vì văn hóa hai giới tính hiện diện ở nhiều vùng của châu Phi.

Hiện hai ngôn ngữ ở Ubang đang có nguy cơ tuyệt chủng vì không được viết ra hoặc nghiên cứu. Dân làng chỉ có thể truyền lại cho thế hệ sau bằng hình thức truyền miệng, trong khi tiếng Anh đang trở thành thứ ngôn ngữ phổ biến trong giới trẻ Nigeria.

Theo VnExpress