Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em
Văn hoá-Xã hội - Ngày đăng : 08:00, 28/10/2021
Từ đầu tháng 9, trẻ em tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã bắt đầu năm học mới. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19 vẫn đang là mối đe dọa lớn, trong đó tỷ lệ trẻ em mắc bệnh và tử vong vì COVID-19 có xu hướng tăng cao. Để bảo vệ trẻ em trước đại dịch vẫn đang lây lan, những chương trình tiêm chủng cho trẻ em và đối tượng thanh thiếu niên đang được một số quốc gia đẩy mạnh hơn bao giờ hết.
Hiện nay, trẻ dưới 18 tuổi chiếm một tỷ lệ lớn trong dân số trên toàn cầu. Bảo vệ cho nhóm đối tượng chiếm phần đông dân số này là điều cần thiết khi chúng ta muốn tiến tới kiểm soát đại dịch. Các bằng chứng gần đây cho thấy trẻ em có khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 thấp hơn người lớn, nhưng nguy cơ không phải là con số 0. Nếu mắc COVID-19, trẻ em cũng phải chịu các tác dụng phụ nghiêm trọng, có khả năng kéo dài với mức độ tương tự như người lớn, ngay cả khi trẻ chưa bao giờ có triệu chứng hoặc chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ tại thời điểm nhiễm bệnh. Nhiều trẻ còn tiếp tục bị mệt mỏi, đau đầu, đau bụng, đau cơ và khớp, khó ghi nhớ và xử lý thông tin. Khi trường học mở cửa, trẻ được học trực tiếp là rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, nhưng việc có một nhóm lớn trẻ em chưa được tiêm chủng và dễ mắc bệnh, có thể khiến các ca bệnh trong cộng đồng tiếp tục gia tăng.
Theo các chuyên gia, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, các nhà quản lý cần giám sát chặt chẽ các quy trình tiêm chủng cho đối tượng này. Hiện Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ mới chỉ khuyến nghị tiêm vaccine COVID-19 cho người từ 12 tuổi trở lên với vaccine của Pfizer, còn những lứa tuổi khác vẫn đang được nghiên cứu. Đa phần các quốc gia trên thế giới cũng khá thận trọng trong việc tiêm chủng cho toàn bộ trẻ nhỏ mọi lứa tuổi.
Các chuyên gia cho rằng, trẻ em là những cơ thể khác biệt, không phải là "những người lớn trong kích cỡ nhỏ bé", bởi vậy, đây có lẽ là tiêu chí quan trọng nhất khi các quốc gia tiến hành tất cả các hoạt động nghiên cứu và chủng ngừa vaccine COVID-19 cho đối tượng trẻ em.
Việc thực hiện các thử nghiệm vaccine cho trẻ cũng phức tạp hơn so với các thử nghiệm dành cho người lớn do các vấn đề đạo đức và một loạt các yếu tố chỉ dành cho trẻ em. Trẻ em có những khác biệt nổi bật trong quá trình trao đổi chất và miễn dịch so với người lớn. Trẻ nhỏ hơn có các phản ứng miễn dịch tích cực hơn chuyển thành các phản ứng mạnh hơn, như sốt cao hơn và các phản ứng tại chỗ. Do đó, dữ liệu an toàn lâu dài của vaccine phải được nghiên cứu tỉ mỉ trước khi đưa ra các khuyến nghị triển khai vaccine ở trẻ em.
Mặc dù vậy, hiện trên khắp thế giới, ngày càng có nhiều bằng chứng về tầm quan trọng và hiệu quả của việc tiêm vaccine cho trẻ em và phụ nữ mang thai. Nhiều sản phẩm vaccine COVID-19 được phép sử dụng khẩn cấp ở người lớn (AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Moderna...) cũng đã được thử nghiệm ở trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Các thử nghiệm lâm sàng so sánh tính an toàn và hiệu quả của vaccine với giả dược. Những nghiên cứu này, xác nhận vaccine an toàn để sử dụng cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Hiện một số công ty cũng đã chuyển sang thực hiện các thử nghiệm lâm sàng ở trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi và khả năng vaccine cho những trẻ dưới 12 tuổi có thể được cung cấp vào cuối năm nay.
Tại châu Âu, dù chiến lược tiêm chủng ngừa COVID-19 ở trẻ em chưa được áp dụng đồng bộ trên khắp khu vực vì lo ngại tác dụng phụ, song nhiều nước đã tiên phong tăng độ phủ vaccine đến nhóm dân số nhỏ tuổi. Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) khẳng định tiêm chủng cho trẻ em sẽ thu lại lợi ích lớn hơn nhiều so với rủi ro. Hồi tháng 5.2021, EMA đã cấp phép sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ em trong độ tuổi 12-15 và vaccine Moderna cho đối tượng trong độ tuổi 12-17. Trong cả hai nghiên cứu với lần lượt trên 2.000 và 3.000 thanh thiếu niên tham gia, không trường hợp nào xuất hiện các triệu chứng của COVID-19 sau khi tiêm vaccine.
Các quốc gia châu Âu như Italy, Pháp, Anh và Đức hiện áp dụng chiến lược tiêm chủng quyết đoán. Italy cho phép người từ 12 đến 18 tuổi tiêm vaccine không cần đặt lịch từ ngày 16.8, đặt mục tiêu phủ vaccine phần lớn thanh thiếu niên cả nước cho năm học mới. Tính đến ngày 14.9, khoảng 74% tổng dân số trên 12 tuổi của Italy đã được tiêm vaccine COVID-19.
Pháp là một trong những nước châu Âu đầu tiên cho trẻ trên 12 tuổi tiêm chủng, bắt đầu từ ngày 15.6. Sau hai tháng, hơn 56% số người trong nhóm 12-17 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vaccine, hơn 32% tiêm đủ liệu trình. Từ cuối tháng 9, những người dưới 18 tuổi ở Pháp khi đến nơi công cộng phải xuất trình thẻ xanh COVID-19, thể hiện chứng nhận tiêm chủng hoặc thông tin xét nghiệm âm tính trong 72 giờ trước.
Tại Anh, chính quyền nước này cũng đã cho phép trẻ vị thành niên 16-17 tuổi tiêm vaccine COVID-19 từ ngày 23.8. Trẻ từ 12-15 tuổi thuộc diện nguy cơ mắc COVID-19 cao hoặc sống với người lớn có nguy cơ bệnh nặng cũng được khuyến khích tiêm chủng. Từ giữa tháng 9, Anh đã đưa ra khuyến nghị tiêm cho trẻ 12-15 tuổi để tránh gián đoạn việc học tập.
Đức thời gian đầu cũng chần chừ tiêm chủng trẻ em như Anh, chỉ khuyến nghị tiêm vaccine cho trẻ có bệnh nền. Tuy nhiên, khi biến chủng Delta bùng phát ở châu Âu, cơ quan y tế Đức chấp nhận thay đổi chiến lược và đề nghị tiêm cho mọi trẻ từ 12-18 tuổi.
Romania, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Hà Lan và Ba Lan cũng đã bắt đầu thực hiện tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tuổi. Thụy Điển sau khi tiêm chủng ít nhất 1 mũi cho hơn 80% dân số trên 16 tuổi và tiêm đủ hai mũi cho gần 75%, cũng đã thông báo kế hoạch tiêm cho trẻ em vào mùa thu…
Còn tại Mỹ, chính phủ nước này đã cho phép tiêm chủng vaccine Pfizer/BioNTech cho trẻ trên 12 tuổi với hai mũi cách nhau 21 ngày. Nghiên cứu đã chỉ ra vaccine của hãng Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả 100% trong ngăn ngừa COVID-19 ở trẻ em từ 12-15 tuổi. Nghiên cứu trước đây cho thấy vaccine này có hiệu quả bảo vệ 95% ở những người từ 16 tuổi trở lên, và hiệu quả phòng ngừa bệnh nặng do biến thể Delta lên tới 96%.
Vào tháng 5 vừa qua, Mỹ và Canada là hai nước đầu tiên tiêm chủng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, sau khi số ca mắc COVID-19 mới tăng vọt do biến chủng Delta. Đến cuối tháng 7, 42% trẻ thuộc nhóm tuổi này đã được tiêm ít nhất một mũi, 32% đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine COVID-19. Hiện Mỹ đang chờ nghiên cứu thêm ở độ tuổi từ 5-11 tuổi với vaccine Pfizer/BioNTech. Còn tại Canada, đến giữa tháng 8 đã có 58% trẻ em từ 12-17 tuổi ở nước này được tiêm đầy đủ. Vaccine sử dụng là của hãng Pfizer.
Ngoài ra, một số quốc gia như Cuba, Chile và Trung Quốc… cũng đã triển khai tiêm chủng ngừa COVID-19 ở trẻ em dưới 12 tuổi. Cuba từ ngày 6.9 đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm chủng COVID-19 cho trẻ em từ 2 đến 18 tuổi. Nước này tiến hành tiêm chủng cho toàn bộ trẻ em, thanh thiếu niên trên cả nước bằng các vaccine Soberana 2 và Abdala tự sản xuất, sau khi kết quả phác đồ tiêm chủng kết hợp này cho thấy hiệu quả hơn 90% trong việc bảo vệ trẻ em chống lại COVID-19. Cuba cũng trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiến hành chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 2-11 tuổi.
Chile là một trong những nước đi đầu khu vực Mỹ Latinh trong việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em và trẻ vị thành niên. Chile sử dụng vaccine của hãng Sinovac, đến nay nước này đã tiêm mũi vaccine thứ nhất cho khoảng 1,6 triệu trẻ vị thành niên từ 12-18 tuổi và khoảng 600.000 trẻ trong độ tuổi này đã hoàn tất 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Chile cũng đã khởi động chương trình tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em từ 6-11 tuổi.
Cơ quan quản lý dược phẩm của Nam Phi ngày 11.9 đã cho phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Quyết định trên được đưa ra sau quá trình đánh giá các thông tin cập nhật về an toàn và hiệu quả của loại vaccine này được trình lên hồi tháng 3 năm nay.
Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 2.8 đã phê chuẩn dùng khẩn cấp vaccine phòng COVID-19 của hãng Sinopharm cho trẻ em từ 3-17 tuổi sau khi đã phê chuẩn vaccine của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 12-15 tuổi trong tháng 5.
Israel đã bắt đầu tiêm cho lứa tuổi từ 12 trở lên vào tháng 6. Ban đầu chính sách này chỉ áp dụng cho những trẻ sống cùng với đối tượng nguy cơ cao. Tuy nhiên đến cuối tháng 6, sau một loạt các ổ dịch bùng phát ở trường học, Bộ Y tế Israel đã khuyến nghị tất cả trẻ em từ 12 tuổi trở lên cần tiêm phòng dịch. Vừa qua, nước này đã cho phép hạ độ tuổi tiêm xuống 5 tuổi, song với điều kiện có bệnh nền và dễ bị tổn thương nếu nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trung Quốc từ ngày 7.6 đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19 theo công nghệ bất hoạt cho trẻ từ 3 đến 17 tuổi. Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) xác nhận đây là một phần chiến lược tiêm chủng ít nhất 70% dân số cả nước ở mọi nhóm tuổi và đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng trước cuối năm 2021. Sau quyết định trên, chiến lược tiêm chủng trẻ em ở Trung Quốc được triển khai theo từng bước, chia theo nhóm tuổi và ưu tiên địa phương có rủi ro cao. Mô hình thí điểm được lên kế hoạch triển khai ở 11 tỉnh vào tháng 7 với nhóm tuổi 15-17, sau đó mở rộng sang nhóm từ 12 đến 14 tuổi vào tháng 8.
Hàn Quốc đã bắt đầu tiêm chủng cho nhóm tuổi 16-18 từ ngày 18.10, trong khi Nhật Bản cho phép tiêm vaccine của hãng Pfizer với trẻ từ 12-15 tuổi từ cuối tháng 5.
Tại Đông Nam Á, từ đầu tháng 7, nhiều địa phương ở Indonesia bắt đầu tổ chức tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi bằng vaccine của hãng Sinovac. Malaysia cũng đã phê chuẩn vaccine của Sinovac cho nhóm này. Thái Lan ngày 4.10 bắt đầu chiến dịch tiêm cho trẻ em từ 12-18 tuổi bằng vaccine của Pfizer với mục tiêu bao phủ trên 5,04 triệu học sinh trên toàn quốc để chuẩn bị cho học kỳ mới bắt đầu từ tháng 11. Campuchia cũng triển khai tiêm phòng cho trẻ từ 12-17 tuổi trên cả nước từ đầu tháng 8, bắt đầu từ ở thủ đô Phnom Penh và 3 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của dịch là Kandal, Koh Kong và Preah Sihanouk. Philippines từ ngày 15.10 đã chính thức khởi động chiến dịch tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em và thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi, với mục tiêu bảo đảm an toàn cho học sinh khi các trường học chuẩn bị mở cửa trở lại...
Có thể thấy nhiều quốc gia trên thế giới đang coi việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em là một trong những giải pháp chủ chốt để tiến tới mở cửa trường học, cho phép trẻ em tham gia các hoạt động trong đời sống xã hội, dần đưa cuộc sống trở lại bình thường, đồng thời cũng để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Việc tiêm chủng cho trẻ em cũng giúp giảm nguy cơ truyền bệnh cho người khác và giúp nhanh chóng tạo miễn dịch cộng đồng, từ đó góp phần bảo vệ xã hội trước virus SARS-CoV-2.
Kinh nghiệm tiêm vaccine cho trẻ em ở các nước:
Ngày 26.10, tại cuộc họp với các đơn vị liên quan về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ tháng 11.2021, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên địa bàn toàn quốc với loại vaccine Comirnaty do Pfizer/BioNTech của Hoa Kỳ sản xuất. Loại vaccine này đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và nhiều nước sử dụng.
“Đây là vaccine bảo đảm an toàn cho trẻ em”, Bộ trưởng Y tế khẳng định. Vì vậy, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu các đơn vị liên quan của bộ và các địa phương chuẩn bị triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em theo độ tuổi đã hướng dẫn trong văn bản 8688 ngày 14.10.2021 của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Theo đó, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 sẽ được thực hiện với trẻ em ở độ tuổi từ 16-17 tuổi trước, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi. Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ. Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em được triển khai tương tự như chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong thời gian qua, với các điểm tiêm tại trạm y tế xã/phường, các trường học, các trung tâm y tế và các bệnh viện (đối với một số trẻ có bệnh nền, béo phì).
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, yêu cầu hàng đầu trong tổ chức tiêm chủng cho trẻ em là bảo đảm an toàn; đồng thời yêu cầu Sở Y tế các địa phương tăng cường theo dõi phản ứng sau tiêm để kịp thời hỗ trợ xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, có tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao; các địa phương có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao.
Đối với trẻ em ở độ tuổi nhỏ hơn, Bộ Y tế đã lên kế hoạch triển khai tiêm chủng trong năm 2022 trên cơ sở khoa học và cập nhật các loại vaccine cho trẻ em.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, trẻ em và thanh thiếu niên có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn so với người lớn, vì vậy, việc tiêm chủng cho trẻ ít khẩn cấp hơn so với người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính và nhân viên y tế. Theo WHO, cần có thêm bằng chứng về việc sử dụng các loại vaccine ngừa COVID-19 khác nhau ở trẻ em để có thể đưa ra khuyến nghị chung về việc tiêm chủng cho trẻ chống lại COVID-19.
Nhóm Chuyên gia cố vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE) của WHO đã xác nhận vaccine của Pfizer phù hợp để sử dụng cho những người từ 12 tuổi trở lên. Trẻ em từ 12-15 tuổi có nguy cơ cao có thể tiêm vaccine này cùng với các nhóm ưu tiên khác.
Các thử nghiệm vaccine cho trẻ em đang được tiến hành và WHO sẽ cập nhật khuyến nghị của mình khi có bằng chứng hoặc tình hình dịch tễ cho thấy có sự thay đổi trong chính sách.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra hướng dẫn rất chi tiết về việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Theo CDC, mặc dù ít bị mắc COVID-19 hơn so với người lớn nhưng trẻ em vẫn có thể mắc và lây bệnh cho người khác. Do đó, CDC khuyến cáo tất cả mọi người từ 12 tuổi trở lên nên tiêm vaccine để phòng COVID-19.
CDC khẳng định vaccine ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả. Tiêm vaccine có thể giúp trẻ giảm nguy cơ mắc COVID-19, ngăn ngừa lây lan, bệnh không trở nặng. Trẻ em trên 12 tuổi nhận liều lượng vaccine của Pfizer giống như người lớn (không thay đổi theo trọng lượng). Hai mũi tiêm cách nhau 3 tuần.
CDC khuyến cáo trước khi đưa trẻ đi tiêm, người giám hộ nên tìm hiểu về cách hỗ trợ trẻ trước, trong và sau tiêm. Bên cạnh đó, cũng cần chia sẻ với trẻ về việc tiêm chủng; thông báo với bác sĩ về các loại dị ứng của trẻ (nếu có). Trong vòng 15-30 phút sau tiêm, cần quan sát trẻ con có gặp phản ứng nghiêm trọng nào hay không. Các tác dụng phụ có thể gặp là tay đau, đỏ, sưng; mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn… sẽ qua trong một vài ngày.
TP Hồ Chí Minh tiêm vaccine cho học sinh:
Theo báo Tin tức