Hàng nhập bị xé nhỏ để trốn thuế

Thị trường - Ngày đăng : 13:17, 05/09/2021

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết lượng hàng nhập khẩu qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh tăng bất thường thời gian gần đây mà chủ yếu là các lô hàng nhỏ, giá trị thấp.


Hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ đang được ngành thuế đưa vào tầm ngắm để ngăn chặn việc né thuế. Trong ảnh: Shipper giao hàng hóa trên đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh). Ảnh minh họa: TỰ TRUNG

Trong quý 1.2021, có đến 13,3 triệu tờ khai loại này và con số này trong quý 4.2020 là gần 16 triệu tờ khai.

"Xé nhỏ" lô hàng để trốn thuế?

Trong 3 năm nay, chị P.T.Y. (tỉnh Phú Thọ) có thu nhập khá ổn từ kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng, rượu và thậm chí cả các sản phẩm công nghệ như máy tính, điện thoại, đồng hồ… từ người nhà ở Mỹ gửi về. Hàng nhập được chuyển phát nhanh, do một công ty có trụ sở tại Hà Nội lo từ A đến Z và giao hàng… tận cửa.

"Dịch COVID-19 nên đơn hàng nhập khẩu đặt càng nhiều và hàng vẫn về đều. Tôi chỉ việc chuyển tiền hàng và phí vận chuyển, công ty chuyển phát nhanh lo các khâu còn lại, kể cả nhận chuyển tiền...", chị P.T.Y. cho biết.

Tương tự, anh Nguyễn Minh D. (quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) cho biết đã thông qua một công ty giao nhận để nhập hàng từ nước ngoài về bán online.

"Công ty giao nhận sẽ lo trọn gói vận chuyển hàng về Việt Nam và giao đến tay người mua, tôi chỉ việc chuyển tiền hàng và các loại phụ phí khác chứ không rõ công ty thực hiện nghĩa vụ thuế như thế nào", anh D. nói.

Thông tin từ cơ quan hải quan Hà Nội cho biết chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn đã có khoảng 35 triệu tờ khai giao dịch bằng phương thức điện tử sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2020 và 15 lần nửa đầu năm 2019.

Các tờ khai này thường có trị giá thấp, được giao dịch online và vận chuyển bằng dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh.

Theo một lãnh đạo Cục Hải quan Hà Nội, hàng hóa nhập khẩu nhỏ lẻ nhưng số lượng rất lớn nếu tính theo tần suất và đối tượng nhập khẩu chủ yếu là cá nhân và tổ chức không có mã số thuế, thông tin khai báo ít...

Qua công tác kiểm tra, theo vị này, có một số "lỗ hổng" như không có quy định giới hạn số lần trong quý hay năm mà một tổ chức, cá nhân được miễn thuế đối với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ.

Hơn nữa, thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá thấp gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh rất đơn giản, chỉ cần tờ khai hàng hóa nhập, vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương, hóa đơn thương mại (nếu có)…

Thông tin không đủ để công chức hải quan kiểm tra, đối chiếu chính xác tên hàng, trị giá hải quan...

Núp bóng quà biếu, quà tặng để lách thuế?

Trao đổi với phóng viên, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết các chính sách hải quan với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ qua đường chuyển phát nhanh hiện nay khá thông thoáng.

Một lô hàng nhập vận chuyển bằng đường chuyển phát nhanh có trị giá từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT.

Với hàng nhập khẩu theo diện quà biếu, quà tặng cũng được miễn thuế nếu trị giá mỗi lô hàng từ 2 triệu đồng trở xuống.

"Như vậy, vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh, lô hàng nhập khẩu trên 1 triệu đồng/lô, còn hàng theo diện quà biếu quà tặng trên 2 triệu đồng/lô mới phải đóng thuế", ông Tuấn nói.

Trong thực tế, có một số tổ chức và cá nhân đã đứng tên nhập khẩu nhiều tờ khai hàng hóa trị giá thấp chỉ trong một thời gian ngắn. Và theo một lãnh đạo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, có hiện tượng hàng nhập khẩu núp bóng quà biếu, quà tặng để lách thuế, nhiều món hàng liên tục gửi về cho một số cá nhân và được kê khai là hàng quà biếu, quà tặng.

Do đó, trong kế hoạch thanh tra được bổ sung năm 2021, cơ quan thuế sẽ thanh tra, kiểm tra điển hình một số doanh nghiệp kinh doanh cung cấp hàng hóa nhập khẩu thông qua dịch vụ chuyển phát.

Cơ quan thuế cũng đề nghị cục hải quan hỗ trợ cung cấp dữ liệu hàng hóa nhập khẩu chuyển phát vào Việt Nam để đối chiếu với các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Dự kiến định kỳ 6 tháng 1 lần, Trung tâm Tích hợp và xử lý dữ liệu của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp nhận dữ liệu từ Cục Hải quan trước khi chuyển đến các phòng thanh tra kiểm tra, các chi cục thuế quận, huyện quản lý thuế các tổ chức, cá nhân này để rà soát, đối chiếu.

"Trên cơ sở các dữ liệu này, cơ quan thuế sẽ xác định doanh thu bán các sản phẩm đã được kê khai nộp thuế hay chưa. Nếu có phát sinh chênh lệch so với kê khai sẽ xử lý truy thu thuế" - vị này nói và cho biết sẽ rút kinh nghiệm từ các đợt thanh tra này để đề xuất các biện pháp quản lý thu thuế phù hợp.

Chỉ được miễn thuế tối đa 4 lần/tháng

Để bảo đảm cho công tác quản lý, ngăn chặn trốn thuế và tạo thuận lợi cho hoạt động giao dịch qua thương mại điện tử, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.

Theo đó, các lô hàng có trị giá khai báo hải quan từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu, trường hợp lô hàng có giá khai báo trên 1 triệu đồng cũng sẽ được miễn thuế nếu có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp dưới 100.000 đồng.

Tuy nhiên, mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được miễn thuế đối với hàng nhập khẩu không quá 1 đơn hàng/ngày và 4 đơn hàng/tháng.

"Việc giới hạn số lần hưởng định mức miễn thuế còn nhằm ngăn chặn tình trạng tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách miễn thuế để chia tách hàng hóa nhằm trốn thuế" - Bộ Tài chính nhận định.

Cũng tại dự thảo này, Bộ Tài chính đề nghị khá thông thoáng khi quy định trị giá hải quan đối với hàng nhập khẩu là giá mua ghi trên đơn hàng hoặc chứng từ thanh toán hoặc chứng từ khác có giá trị tương đương.

Theo Tuổi trẻ