Khắc ghi lời Bác dạy: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt"
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 18:19, 05/09/2021
Bác Hồ với các cháu học sinh thân yêu. Ảnh tư liệu
Trong các bức thư Bác gửi có hai bức thư đặc biệt: bức thư đầu tiên nhân ngày khai trường của nước Việt Nam mới (tháng 9.1945) và bức thư cuối cùng trước khi Người đi xa (15.10.1968).
Từ bức thư đầu tiên
Tháng 9 năm 1945, sau khi nước nhà giành được độc lập, giữa bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giành thời gian quý báu của mình để viết “Thư gửi cho các học sinh” nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bức thư chỉ hơn 600 từ nhưng vừa thể hiện tình cảm, tâm huyết, niềm tin tưởng và hy vọng của Bác Hồ đối với học sinh, sinh viên cả nước, vừa nêu lên bản chất nền giáo dục của nước Việt Nam độc lập.
Mở đầu bức thư, với tình cảm hết sức thân ái, gần gũi, tâm tình, Bác đã hòa chung niềm vui với học sinh cả nước nhân ngày khai giảng năm học mới: “Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi…”.
Trọng tâm của bức thư, Bác Hồ căn dặn học sinh cả nước với tình cảm của “một người anh lớn”: “Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn”, với mục đích sau này “gây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho nước ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu”.
Đặc biệt, Bác đã đặt niềm tin và hy vọng rất lớn vào khả năng và vai trò to lớn của các em học sinh trong công cuộc kiến thiết nước nhà: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Đây là bức thư mà lớp lớp thế hệ thiếu nhi, học sinh từ Cách mạng Tháng Tám cho đến nay không ai không nhớ, không thuộc và không biết đến. Và điều tha thiết của Bác là mong sao Việt Nam sánh vai được với các cường quốc năm châu, Bác đã đặt hy vọng rất lớn ở các em học sinh. Có thể thấy trong bức thư này, nhiều nội dung đã trở thành kim chỉ nam cho hành động, định hướng phát triển nền giáo dục nước nhà, cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Đến bức thư cuối cùng
Những năm cuối đời, mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng Bác vẫn luôn theo dõi từng bước đi của nhà trường trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Năm học 1968-1969 là năm học mà Bác đã gửi bức thư cuối cùng nhân ngày khai trường.
Ngày 16.10.1968, Bác đã thể hiện nội dung bức thư bằng việc khen ngợi những cố gắng trong việc thi đua dạy tốt và học tốt, bảo đảm an toàn cho thầy và trò, làm cho đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tiến bộ. Vì chiến tranh leo thang, đế quốc Mỹ vẫn còn ngoan cố, cách mạng nước ta còn phải khắc phục nhiều khó khăn gian khổ để đạt thắng lợi hoàn toàn.
Vì vậy, Bác nhắc nhở các cô, các chú và các cháu mấy điều sau đây: “… Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao phó, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng.
Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kĩ thuật…
Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”.
Có thể nói rằng, nội dung trong những bức thư của Bác gửi ngành giáo dục, kể từ bức thư đầu tiên (tháng 9.1945) cho tới bức thư cuối cùng (tháng 10.1968) đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Đây không chỉ là những tư liệu lịch sử, là di sản tinh thần vô giá đối với ngành giáo dục mà cho cả Đảng và Nhà nước ta; thể hiện tình cảm và tầm nhìn xa trông rộng, trí tuệ sáng suốt của Bác Hồ đối với sự nghiệp trồng người.
Khắc ghi lời Bác
Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối giáo dục của Ðảng, Nhà nước, nền giáo dục Việt Nam đã phát triển vượt bậc. Hiện nay, cả nước đang tích cực tiến hành một "cuộc cách mạng" về giáo dục với việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), bảo đảm cho giáo dục Việt Nam phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Từ chỗ hơn 90% dân số mù chữ, đến nay cả nước đã cơ bản phổ cập giáo dục, mỗi năm có hơn 20 triệu học sinh, sinh viên các cấp học đến trường, đội ngũ giáo viên các cấp học ngày càng phát triển về số lượng và nâng cao về chất lượng.
Chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học được giữ vững và nâng cao. 63/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1, trong đó một số tỉnh đạt chuẩn THCS mức độ 2 và 3.
Với giáo dục phổ thông, những năm gần đây, chất lượng giáo dục phổ thông nước ta đã trở thành tâm điểm nghiên cứu của thế giới. Giáo dục hướng nghiệp đã được quan tâm đổi mới về nội dung, đa dạng hóa các hình thức theo hướng thiết thực, tăng tính thực hành, gắn với thực tiễn. Giáo dục mũi nhọn đã được chú trọng và tiếp tục đạt kết quả tốt. Học sinh Việt Nam khi tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế luôn đứng ở vị trí top đầu.
Trong lĩnh vực giáo dục đại học, số công trình khoa học được công bố trong nước và quốc tế tăng mạnh, vị thế các trường đại học của Việt Nam đã được nâng lên trong bảng xếp hạng châu Á và thế giới.
Năm 2019, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới, tăng 12 bậc so với năm 2018. Lần đầu tiên, Việt Nam có 3 cơ sở giáo dục đại học được vào top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới; có 8 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nằm trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu Châu Á.
Năm 2021, Việt Nam có 5 cơ sở giáo dục đại học lọt vào tốp đại học tốt nhất thế giới. Chất lượng nguồn nhân lực đã có chuyển biến tích cực. Trong những thành tựu về tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước 10 năm qua có phần đóng góp quan trọng của đội ngũ lao động trình độ cao mà đa số được đào tạo trong nước.
Năm học 2021-2022 đã chính thức bắt đầu trên toàn quốc, nhưng là năm học đặc biệt do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, thực hiện lời Bác đã căn dặn lúc sinh thời "dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt", ngành giáo dục và đào tạo xác định, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa thực hiện các giải pháp phòng chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn trường học; vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.
Công tác tổ chức dạy học được yêu cầu “tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát". Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp không thể tổ chức dạy học trực tiếp thì tổ chức dạy học trực tuyến để hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục.
Đối với giáo dục mầm non, không áp dụng hình thức dạy học trực tuyến này mà tập trung phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp.
Theo TTXVN