Ngôi đình thờ hai vị thành hoàng giúp vua Lý đánh thắng giặc

Di tích - Ngày đăng : 09:19, 06/09/2021

Đình Bịch Đông nằm ở trung tâm làng Bịch Đông, xã Nam Chính (Nam Sách) thờ 2 vị thành hoàng làng là Vũ Minh và Vũ Thắng có công phò nhà tiền Lý đánh thắng giặc Lương phương Bắc (năm 544-603). 


Đình Bịch Đông hiện nay

Giúp vua dẹp giặc

Theo một số nguồn tư liệu tại địa phương, vào đầu thế kỷ thứ VI, ở Vĩnh Hưng trang, thuộc huyện Đông An, phủ Khoái Châu, đạo Sơn Nam (huyện Khoái Châu, Hưng Yên ngày nay) có vợ chồng ông bà Vũ Nghiêm và Hoàng Thị Phương vốn ăn ở hiền lành, phúc đức nhưng muộn đường con cái. Nghiêm ông làm nghề cắt thuốc chữa bệnh song cuộc sống vẫn khó khăn. Sau đó, hai ông bà chuyển đến trang Kim Bịch, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, thuộc trấn Hải Dương (xã Nam Chính, huyện Nam Sách ngày nay) để làm ăn sinh sống.

Một hôm bà vợ nằm mộng thấy trên trời có hai đám mây vàng che khắp thân bà. Tỉnh dậy bà đem chuyện đó kể lại với chồng, ông cho đó là điềm lành. Từ đó bà có thai, hằng ngày chỉ ăn chay bằng hoa quả, khác với người thường. Đúng giờ ngọ ngày 15.2.538 bà sinh ra một cái bọc có 2 người con trai, một người mặt mũi khôi ngô, tuấn tú, một người da như sắt, mắt tựa sư tử. Khi các con lên 3 tuổi, ông đặt tên người con thứ nhất là Vũ Minh, người con thứ hai là Vũ Thắng.

16 tuổi, hai chàng trai được đưa tới trường học. Vũ Minh thông minh sáng suốt, Vũ Thắng võ nghệ cao cường, cả hai đều tài giỏi hơn người. Một hôm, ông bà Nghiêm Công về quê viếng tổ tông, thăm họ hàng làng xóm cũ, chẳng may bà lâm bệnh và mất tại quê. Lo chôn cất cho bà xong, trong lòng ông luôn buồn phiền, sau đó ít lâu cũng mắc bệnh rồi qua đời.        

Trong lúc đó, giặc Lương xâm lược nước ta, vua tôi nhà tiền Lý rất lo sợ, bỗng được một thiên thần báo mộng cho biết: “Vua muốn đánh giặc Lương thì hãy đến trang Kim Bịch, huyện Thanh Lâm thuộc trấn Hải Dương, tìm hai anh em họ Vũ, cử đi dẹp giặc thì sẽ trừ được giặc”. Hôm sau nhà vua sai sứ giả đến trang Kim Bịch mời 2 anh em họ Vũ yết kiến nhà vua. Vua thấy 2 anh em tướng mạo khôi kỳ, khác thường, vua rất vui mừng bèn phong cho đi dẹp giặc Lương. Hai chàng nhận 3 vạn quân và 1 nghìn ngựa chiến ra trận, giao tranh với quân Lương quyết liệt tại đất Phong Châu.

Thắng giặc trở về, 2 ông xin phép về trang Kim Bịch để tạ ơn dân làng đã cưu mang đùm bọc lúc khó khăn. Sau khi ban phát lộc vua, 2 ông đi vãn cảnh làng và đã hóa tại đống Cao (thuộc trang Kim Bịch). Ngày ấy là mùng 2 tháng 10 năm Nhâm Dần 582. Dân làng liền lập biểu tâu trình với nhà vua. Biết tin hai ông qua đời, vua cho sứ thần về ban cấp cho nhân dân địa phương ruộng, lập miếu thờ và phong cho 2 ông là Trung Đẳng Phúc Thần, làm Thành hoàng làng Kim Bịch vì đã có công dẹp giặc cứu nước.

Từ đó nhân dân địa phương lấy ngày 15.2 hằng năm (ngày sinh của 2 ông) mở hội đình để tưởng nhớ công lao và ngày hóa mùng 2.10 hương hỏa phụng thờ.

Về sau, 2 ông đã được các triều đại nhà Nguyễn phong tặng 8 đạo sắc phong. Tuy nhiên do chiến tranh và thiên nhiên tàn phá, các sắc phong đã bị thất lạc, hiện chỉ còn 1 đạo sắc phong đời Duy Tân thứ 3 (năm 1909). 


Sắc phong vua ban cho hai vị thành hoàng đời Duy Tân thứ 3 (năm 1909)

Lưu giữ những nét văn hóa xưa

Theo tương truyền, đình Bịch Đông được xây dựng từ khá sớm. Trước năm 1527, đình được xây dựng ở phía tây của làng. Kim Bịch có 2 dòng đạo là Thiên Chúa và đạo Phật. Nơi đây đất đai trù phú, chợ bến sầm uất đúng với cái tên của làng (Kim là vàng, Bịch là bồ) tức là làng bồ chứa vàng. Từ thời tiền Lý (549-571), trang Kim Bịch thuộc trấn Sơn Đông, sau đó thuộc bộ Dương Tuyền. Các dòng họ đến khai hoang lập ấp sớm nhất của làng Kim Bịch là họ Triệu, họ Vũ, họ Nguyễn từ Thanh Hóa  ra, họ Cấn Đình từ Hà Đông đến.

Đến thời nhà Mạc Đăng Dung (năm 1527), những người theo đạo Phật dần dần chuyển lên phía đông của làng, tức làng Bịch Đông ngày nay. Đình làng cũng được chuyển theo và đặt tại vị trí phía nam của làng.

Thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, do phong thủy và địa lý không phù hợp nên đình làng lại được chuyển tới phía bắc của làng (nay là khu Đống Ông). Năm Canh Dần 1890, đình chùa được chuyển về trung tâm của làng hiện nay. Thời điểm này, đình làng được xây dựng kiên cố theo phong cách cổ thời nhà Mạc, tường xây gạch, khung nhà bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi theo kiểu chữ nhị gồm đình ngoài 5 gian, hậu cung 3 gian hợp phong thủy. Sau này, đình chùa của làng bị tàn phá chỉ còn lại dấu tích nền móng cổ xưa.
Năm 2018, đình được xây dựng lại trên nền đất cổ theo hướng nam nhìn ra ao rộng, có cây đề cổ thụ trước cổng đình soi bóng xuống mặt nước trong xanh hiền hòa, bên trái là giếng ngọc tạo cho di tích cảnh quan đẹp.

Hiện nay, đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung bằng bê tông cốt thép theo kiểu đao tàu déo góc, trên bờ nóc có đắp nổi đề án “lưỡng long chầu nguyệt”, vì kèo kiểu con chồng đấu sen theo phong cách cổ truyền thời Nguyễn.

Theo lệ hằng năm, lễ hội được tổ chức vào 2 ngày 15 và 16.2 âm lịch, trọng hội là ngày 15, kỷ niệm ngày sinh của 2 vị thành hoàng. Ngày 14, các cụ làm lễ tế cáo yết mở cửa đình, bao sái đồ thờ tự, mời các ngài về dự lễ. Ngày 15 tổ chức tế các vị thành hoàng theo nghi thức tế cổ. Sau khi tế xong là nghi thức rước ngai và bài vị các Đức Thánh, rước từ đình đi vòng quanh làng. Đoàn rước đi trong tiếng chuông, tiếng trống rộn ràng. Trong những ngày lễ hội còn có các trò chơi dân gian như đi cầu thùm, hát quan họ, ném cổ chai, chọi gà...

 TÂM HÀ