Vụ án kinh tế, tham nhũng được Tòa án giải quyết trong hạn luật định
Pháp luật - Ngày đăng : 14:56, 06/09/2021
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên
Mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, song các vụ án kinh tế, tham nhũng đều được các tòa án giải quyết trong hạn luật định; xử phạt nghiêm khắc đối với những người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước.
Đây là nhận định mà nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đưa ra khi thẩm tra báo cáo công tác của ngành tòa án năm 2021 tại Phiên họp thường trực mở rộng Ủy ban diễn ra sáng 6.9.
Nỗ lực lớn trong xét xử các vụ án hình sự
Theo Báo cáo của Tòa án Nhân dân Tối cao, năm 2021, các tòa án đã thụ lý 510.928 vụ việc, đã giải quyết 363.527 vụ việc (đạt 71,15% trong tổng số vụ án đã thụ lý); so với cùng kỳ năm trước, thụ lý giảm 39.902 vụ việc, giải quyết giảm 45.381 vụ việc. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án là 0,65% (giảm 0,45% so với cùng kỳ năm 2020), đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xét xử, nhưng số lượng các vụ án hình sự mà các tòa án đã giải quyết đạt 81,41% về số vụ, 77,47% về số bị cáo (so với cùng kỳ năm trước, giải quyết chỉ giảm 4,4% số vụ; 5,53% số bị cáo). Điều đó cho thấy các tòa án đã nỗ lực rất lớn trong công tác xét xử các vụ án hình sự.
Các tòa án đã thụ lý 362 vụ, với 1.039 bị cáo phạm tội tham nhũng; đã xét xử 186 vụ, với 440 bị cáo. Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, các tòa án đã xét xử sơ thẩm 25 vụ, phúc thẩm 9 vụ, giám đốc thẩm 2 vụ án.
Các tòa án đã chú trọng giải quyết các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự; tịch thu công cụ, phương tiện phạm tội hoặc những tài sản do phạm tội mà có.
Về cơ bản, việc xét xử các vụ án này bảo đảm chất lượng, đúng thời hạn theo Kế hoạch của Ban chỉ đạo đề ra; không có trường hợp nào bị hủy để điều tra hoặc xét xử lại về phần trách nhiệm hình sự; đã xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, gây ra hậu quả đặc biệt lớn, được dư luận xã hội quan tâm.
Các tòa án cũng đưa ra xét xử kịp thời, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người phạm tội liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đáng chú ý, chưa có trường hợp kết án oan người vô tội được phát hiện. Chất lượng xét xử tiếp tục được nâng lên; tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm so với năm trước và đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Việc tranh tụng tại phiên tòa được tiếp tục chú trọng theo hướng bảo đảm thực chất, hiệu quả.
Các tòa án đã có nhiều đổi mới, thực hiện nhiều giải pháp, chú trọng công tác hòa giải, mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh, giãn cách xã hội tại nhiều địa phương, nhưng đã nỗ lực giải quyết các vụ, việc dân sự, đạt 68,27%.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu chỉ rõ tỷ lệ giải quyết án hình sự giảm 4,4% về số vụ so với cùng kỳ năm trước, chưa đạt chỉ tiêu trên 88% theo yêu cầu của Nghị quyết số 96 của Quốc hội; còn 63 vụ việc dân sự quá thời hạn giải quyết theo luật định. Tỷ lệ giải quyết án hành chính còn thấp (chỉ đạt 45,04%, thấp hơn 5,93% so với cùng kỳ năm 2020).
Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử các cựu cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao và các Tòa án Nhân dân Cấp cao cần khẩn trương có các giải pháp triệt để, đột phá và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo ra sự chuyển biến thực sự cho công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, để đạt được chỉ tiêu do Quốc hội đề ra.
Trách nhiệm công tố được tăng cường
Tại phiên họp sáng 6.9, các đại biểu cũng nghe ý kiến nghiên cứu về công tác của ngành kiểm sát năm 2021 và Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành kiểm sát năm 2021.
Năm 2021, mặc dù có những khó khăn nhất định, nhưng các chỉ tiêu nghiệp vụ quan trọng theo Nghị quyết số 96 của Quốc hội giao ngành kiểm sát hầu hết đều đạt và vượt, các khâu, các nhiệm vụ công tác đều có chuyển biến tích cực.
Cụ thể, trách nhiệm công tố được tăng cường, chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử án hình sự tiếp tục được nâng lên, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Trong điều kiện số lượng tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố phải thụ lý tiếp tục tăng (7,6%), Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể như tăng cường kiểm sát trực tiếp (tăng 87,5%), chủ động ban hành 93.656 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh (tăng 6,19%), qua đó đã góp phần giảm đáng kể số tố giác, tin báo quá hạn giải quyết.
Số vụ án yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố tăng 17,6% (736 vụ); kịp thời phát hiện, hủy bỏ hoặc yêu cầu hủy bỏ các quyết định trái pháp luật của cơ quan điều tra; ban hành các kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và được chấp nhận, thực hiện đạt 99,6%, vượt 19,6% so với chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.
Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đọc lệnh khởi tố bà Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Dịch vụ thương mại vật tư xây dựng Phương Anh
Năm 2021, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử; trách nhiệm công tố của Kiểm sát viên tại các phiên tòa được tăng cường; kịp thời tổng hợp các vi phạm, thiếu sót để rút kinh nghiệm trong toàn ngành.
Trình bày ý kiến của nhóm nghiên cứu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cho biết số vụ án do tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung tăng 174 vụ (19,03%), trong đó đáng lưu ý có 85 vụ bị tòa án trả hồ sơ yêu cầu khởi tố tội phạm, người phạm tội mới (tăng 39 vụ, 84,8%), 308 vụ bị tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung đến lần thứ hai, phản ánh chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với những vụ án này còn có phần hạn chế.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu chia sẻ với nhiều khó khăn của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao do tính chất đặc thù, phức tạp của nhiệm vụ và do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài trong các năm 2020, 2021. Tuy số vụ án được phát hiện, khởi tố, điều tra có tăng so với năm trước, nhưng dư luận cử tri vẫn đánh giá số lượng các vụ án được phát hiện là chưa phản ánh đúng tình hình vi phạm, tiêu cực trong hoạt động tư pháp.
Nhóm nghiên cứu đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự; phân tích rõ nguyên nhân và có giải pháp cụ thể, khả thi để nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính; chú trọng hơn nữa đến công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính.
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cần tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, phấn đấu trong năm 2022 đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội; khẩn trương xem xét, giải quyết đối với số tồn đọng của năm 2021, rà soát các trường hợp gần hết thời hạn giải quyết để ưu tiên xử lý trước, không để quá thời hạn luật định.
Theo TTXVN